Phương Tây đã viện trợ quân sự cho Ukraine ra sao?

Mai Trang |

Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài gần 11 tháng, số tiền viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Kiev đã chạm tới con số chưa từng có, gấp 3 lần ngân sách quốc phòng của Ukraine trong năm 2022.

Tuy nhiên, điều quan trọng là viện trợ quân sự chung của phương Tây sẽ sớm thu hẹp khoảng cách với ngân sách quốc phòng của Nga vào năm 2022, theo báo cáo của hãng thông tấn Nga TASS.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng, Ukraine đã nhận được hơn 48,5 tỷ USD hỗ trợ quân sự từ phương Tây, gần bằng ngân sách quốc phòng năm 2022 của Nga, theo tính toán của TASS.

Phương Tây đã viện trợ quân sự cho Ukraine ra sao? - Ảnh 1.

Hệ thống M142 HIMARS. Ảnh: Wikimedia Commons

Dựa trên các tuyên bố chính thức của các quốc gia viện trợ và ước tính của các phương tiện truyền thông, báo cáo cho biết tổng số tiền viện trợ mà Ukraine đã nhận được từ các nước phương Tây và các tổ chức quốc tế kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự cuối tháng 2/2022 được cho là hơn 150,8 tỷ USD. Con số này gấp gần 3 lần so với ngân sách của Ukraine trong năm 2022 là 55,5 tỷ USD.

Báo cáo được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ, nước viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, công bố một gói viện trợ quân sự khác trị giá 3,75 tỷ USD.

Các quốc gia khác như Đức, Ba Lan và Anh cũng đã cam kết gửi thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine trong 10 tháng qua.

Theo nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ quân sự của phương Tây đóng vai trò quan trọng đối với khả năng phòng thủ và phản công của Ukraine trước lực lượng Nga.

Dưới đây, Eurasian Times đã điểm lại một số thiết bị quân sự có giá trị lớn đang thay đổi cục diện cuộc xung đột đã và sắp được chuyển giao cho Ukraine.

Tên lửa

Vũ khí đầu tiên của Mỹ được sử dụng rộng rãi trên chiến trường ở Ukraine là tên lửa chống tăng cầm tay và rocket, bao gồm hệ thống tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger.

Phương Tây đã viện trợ quân sự cho Ukraine ra sao? - Ảnh 2.

Tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất. Ảnh: Military Analizer

Chi phí cho một tên lửa Javelin là 197.884 USD và chi phí bắn một quả tên lửa Stinger là khoảng 38.000 USD. Anh bắt đầu gửi cho Ukraine vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW), có giá khoảng 33.000 USD cho mỗi lần bắn.

Vài nghìn tên lửa phòng không vác vai của NATO đã được gửi tới Ukraine. Trong những tuần đầu của cuộc xung đột, Ukraine đã liên tục sử dụng tên lửa dẫn đường và tên lửa chống tăng để chiến đấu với Nga.

Pháo và đạn dược

Một trong những vũ khí hiệu quả và lâu dài nhất của phương Tây cung cấp cho Ukraine để sử dụng trong xung đột với Nga và tiến hành các cuộc phản công là siêu pháo M777 dùng đạn cỡ 155mm của Mỹ.

Chi phí ước tính của lựu pháo M777 Howitzer là khoảng 114 triệu USD. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 140 khẩu lựu pháo M777. Anh đã mua, sửa chữa và gửi một số khẩu pháo M-109 Howitzers tới Ukraine, với chi phí khoảng 340 triệu USD/chiếc. Bên cạnh đó Anh, Canada, Đức và Australia cũng đã gửi lựu pháo 155mm tới Ukraine.

Ngoài lựu pháo M777 Howitzer, hàng triệu quả đạn pháo cỡ nòng 155mm đã được Mỹ, Cộng hòa Séc, Đức, Anh, Italy, Pháp và các quốc gia NATO khác gửi đến Ukraine trong 10 tháng qua.

Bệ phóng tên lửa

Vũ khí của phương Tây làm thay đổi tình hình xung đột nhiều nhất là các hệ thống pháo phản lực phóng loạt, bao gồm HIMARS của Mỹ, M270 MLRS của Anh và MARS II của Đức, phiên bản nâng cấp của M270 MLRS.

Mỗi hệ thống HIMARS có thể bắn cùng lúc 6 tên lửa từ bệ phóng gắn trên xe tải. Ðến nay, Ukraine đã nhận ít nhất 20 hệ thống HIMARS từ Mỹ.

HIMARS đóng vai trò quan trọng trong việc phòng thủ cũng như tấn công của Ukraine và phát huy hiệu quả nhất khi tấn công vào các mục tiêu cố định như cơ sở hạ tầng. Đây được coi là hệ thống tấn công tầm xa hiệu quả nhất trong kho vũ khí của quân đội Ukraine. Ngoài ra, phương Tây đã gửi một lượng lớn đạn dược được sử dụng cho các hệ thống này.

Hệ thống phòng không

Một trong những đóng góp quan trọng nhất từ các nước NATO cho Ukraine là các hệ thống phòng không, nhằm đối phó với các cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái cảm tử của Nga.

Gần đây, Mỹ và Đức tuyên bố đang chuyển giao cho Ukraine một khẩu đội pháo cho hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 Patriot, trị giá khoảng 1,1 tỷ USD. Đây là hệ thống đắt đỏ nhất mà phương Tây cam kết gửi cho Ukraine.

Ngoài ra, Mỹ đã gửi cho Ukraine hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS), Đức gửi hệ thống phòng không IRIS-T tiên tiến nhất. Đây là hai hệ thống phòng không đầu tiên có xuất xứ từ phương Tây được chuyển giao cho Ukraine.

Đây chỉ là một số hệ thống phòng không phương Tây cung cấp cho Ukraine. Nếu Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Ukraine trong thời gian tới, phương Tây có thể sẽ cân nhắc cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Kiev.

Xe tăng và xe bọc thép

NATO chủ yếu cung cấp xe tăng T-72 từ thời Liên Xô do Nga vận hành cho Ukraine. Các nước Đông Âu đã chuyển loại xe tăng này cho Ukraine và một số được Mỹ mua để đưa tới chiến trường ở Kiev.

Mỹ đã gửi cho Ukraine 45 xe tăng T-72B từ thời Liên Xô vào năm 2022. Tuy nhiên, tất cả các đồng minh NATO đã ngừng gửi xe tăng chiến đấu của phương Tây tới Ukraine do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga.

Mỹ, Pháp và Đức gần đây thông báo sẽ cung cấp các phương tiện chiến đấu bộ binh cho Ukraine. Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley và Đức sẽ cung cấp cho Kiev xe chiến đấu bộ binh Marder. Trong khi đó, Pháp đã cam kết chuyển cho Ukraine xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC.

Đây chỉ là số ít trong tổng số thiết bị quân sự phương Tây viện trợ cho Ukraine. Trong bối cảnh Nga chưa có dấu hiệu giảm bớt các cuộc tấn công và Ukraine quyết giành lại tất cả các vùng lãnh thổ hiện do Moscow kiểm soát, viện trợ từ phương Tây có thể sẽ tiếp tục tăng trong tương lai./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại