Phòng không bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ "nghiền nát" ở Syria, Nga hạ quyết tâm phải có "hàng nóng" xứng tầm

Mạnh Kiên |

Nga cho thấy sự tập trung ngày càng lớn đối với việc trang bị các hệ thống không người lái tiên tiến - vài tháng sau khi máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ qua mặt hàng loạt hệ thống phòng không do Nga sản xuất ở Syria.

Truyền thông Nga mới đây loan báo rằng lực lượng vũ trang nước này sẽ triển khai các máy bay không người lái (UAV) vũ trang tầm xa vào năm 2021. Đây sẽ là những mẫu UAV được ra mắt trước mẫu máy bay không người lái tấn công hạng nặng S-70 Okhotnik ấn định vào năm 2024, sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.

Giới quan sát nhận định, động thái của Nga cho thấy sự tập trung ngày càng lớn đối với việc trang bị các hệ thống không người lái tiên tiến - vài tháng sau khi máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ qua mặt hàng loạt hệ thống phòng không do Nga sản xuất ở Syria.

"Năm tới, quân đội sẽ bắt đầu nhận được các máy bay không người lái tầm xa đa năng, không chỉ có khả năng theo dõi trên không mà còn có thể tấn công các cơ sở của đối phương bằng các loại đạn chính xác cao", TASS dẫn lời Phó Tổng tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, Trung tướng Sergei Dronov, cho biết.

Danh tính của các máy bay không người lái mới vẫn chưa được tiết lộ. Trên thực tế, Nga đã phát triển và thử nghiệm một số máy bay không người lái cỡ lớn trong vài năm qua và chúng đang ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.

UAV mới của Nga

Samuel Bendett, chuyên gia về các hệ thống quân sự không người lái của Nga nhận định với Forbes rằng, một số mẫu UAV tầm xa mà Nga nhắc đến có khả năng là Forpost-R, Orion, Korsar và Orlan-30.

Forpost-R là máy bay không người lái tình báo/giám sát/trinh sát, một bản sao được cấp phép, sửa đổi và "Nga hóa" từ mẫu IAI Searcher của Israel, bay lần đầu tiên vào năm 1998.

Nó có sải cánh dài 8,5m và mang trọng tải 70kg. Phiên bản của Nga bay lần đầu tiên vào năm ngoái và có 10 chiếc theo đơn đặt hàng. Với thời gian hoạt động 18 giờ và tốc độ bay khoảng 130km/giờ, nó có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tầm xa, nhưng UAV này vốn được coi là máy bay trinh sát thuần túy.

Trong khi đó, Orion là một máy bay không người lái cỡ lớn hơn với sải cánh dài hơn 15m và trọng tải mang vũ khí là 187kg. Nó thường được các đơn vị thử nghiệm trong vai trò tấn công.

"Một số chiếc đã được bộ Quốc phòng Nga mua lại để thử nghiệm, đánh giá trong năm nay và nó đã được thử nghiệm ở Syria trong chế độ chiến đấu. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã bắt đầu thiết kế các loại đạn đặc biệt phù hợp với loại UAV này", Bendett nói.

Tướng Dronov từng đề cập rằng hiệu quả của mẫu UAV này đã được xác nhận trong một chiến dịch đặc biệt ở Syria, điều càng củng cố thêm giả thuyết Orion sẽ là máy bay không người lái tấn công mới.

Khác với những mẫu ở trên, Korsar là một máy bay không người lái đa năng nhỏ hơn với sải cánh dài gần 7m và ít được chú ý. Mẫu Orlan-30 thậm chí còn nhỏ hơn với sải cánh dài 3m và trọng lượng khoảng 3kg, nhưng lại khá nổi tiếng, vì là phiên bản nâng cấp của mẫu Orlan-10 trinh sát thuộc hạm đội máy bay không người lái chiến thuật của Nga , được giới thiệu vào năm 2010.

Trớ trêu ở chỗ, một số thành phần của Orlan-10 lại được sản xuất tại Mỹ. Trớ trêu không kém, một trong những bản sao tự chế Orlan-10 mang chất nổ đã được sử dụng trong các cuộc tấn công của khủng bố vào căn cứ không quân Nga ở Khmeimim, Syria. Điều này cho thấy vai trò tấn công của chúng khá hiệu quả.

Đổi mới chiến lược

Phòng không bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ nghiền nát ở Syria, Nga hạ quyết tâm phải có hàng nóng xứng tầm - Ảnh 2.

UAV Orion-E.

Chuyên gia Bendett tin rằng dù là mẫu nào trong số các mẫu trên, những chiếc UAV mới sẽ sớm được luân chuyển nhanh chóng đến Syria, để tăng cường khả năng phòng thủ căn cứ và bảo vệ các lực lượng Nga cũng như đồng minh.

Nga dường như có nhiều việc phải làm hơn trong phát triển kinh nghiệm chiến tranh máy bay không người lái so với các quốc gia như Mỹ - vốn đã sử dụng các hệ thống này thường xuyên cho các cuộc tấn công kể từ năm 2001 và đã có thời gian triển khai chúng lâu hơn.

"Tại thời điểm này, Mỹ và Israel đã có vài thập kỷ kinh nghiệm thực tế trong việc sử dụng máy bay không người lái ở các vai trò khác nhau. Nhưng khoảng cách kinh nghiệm có thể được thu hẹp nhanh chóng khi các quốc gia tập trung công nghệ vào lĩnh vực này", chuyên gia Bendett nhận định.

Sự sẵn sàng đưa công nghệ vào thực địa của Nga được thể hiện rõ ràng từ việc triển khai thử nghiệm xe tăng robot Orion cũng như Uran-9 ở Syria. Chuyên gia Bendett chỉ ra, máy bay không người lái có thể được phát triển nhanh hơn nhiều và với chi phí thấp hơn máy bay có người lái.

Vào năm 2014, Nga đã phát triển một kế hoạch toàn diện về vũ khí quân sự tự động có tầm nhìn đến năm 2025 với nguồn ngân sách tăng lên đáng kể. Các hệ thống không người lái đã được triển khai rất thành công trong việc trinh sát và chỉ đạo hỏa lực pháo binh ở cả Ukraine và Syria.

Việc chuyển sang sử dụng máy bay không người lái có vũ trang là một bước hợp lý tiếp theo và có thể là một yếu tố ngày càng tăng trong chiến lược quân sự của Nga.

"Chúng ta sẽ thấy Nga đổi mới nhanh chóng trong việc phát triển máy bay không người lái cho hàng loạt nhiệm vụ quan trọng", Bendett kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại