Phòng, chống Doping trong thể thao: 4 đề xuất lớn đẩy lùi vấn nạn "chất cấm"

Bạch Dương |

Công tác tăng cường phòng, chống Doping là một trong những mục tiêu quan trọng được ngành thể thao Việt Nam tập trung triển khai, thực hiện.

Thông qua việc tổ chức thành công hai sự kiện lớn của ngành là Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, công tác phòng chống Doping trong hoạt động thể thao tại Việt Nam có được những kết quả nhất định, hướng tới các đại hội thể thao lớn trong những năm tiếp theo.

"Trung tâm Doping và Y học Thể thao (VADA) đã phối hợp, huy động 130 cán bộ chuyên môn của Viện KHHS-BCA và nhiều đơn vị tại 11 tỉnh-TP, các chuyên gia từ 11 nước Đông Nam Á (ĐNÁ) để tổ chức thực hiện toàn bộ công tác kiểm tra Doping theo đúng quy định, tạo một ảnh hưởng rất lớn trong sự nhìn nhận, đánh giá chung của Hội đồng thể thao ĐNÁ cũng như các tổ chức Phòng chống Doping quốc gia và quốc tế khi kết thúc SEA Games 31" - ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc VADA chia sẻ.

Phòng, chống Doping trong thể thao: 4 đề xuất lớn đẩy lùi vấn nạn chất cấm - Ảnh 1.

Công tác tuyên truyền phòng, chống Doping được triển khai quyết liệt trong 2 sự kiện SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX

Theo đó, công tác tổ chức thực hiện toàn bộ công tác kiểm tra Doping theo đúng quy định gồm 911 mẫu kiểm tra, 25 đợt truyền thông hướng dẫn phòng chống Doping tại các địa điểm thi đấu, hơn 300 buổi làm việc của 36 tổ kiểm tra Doping, hàng chục buổi hợp trực tiếp và online của các Hội đồng Y học và Kiểm tra Doping ĐNÁ.

Tuy nhiên, ông Phú cũng chỉ ra rằng, kết quả kiểm tra Doping ngay sau SEA Games 31 cũng cho thấy những vấn đề hết sức cấp bách đã được cảnh báo từ năm 2020, khi SEA Games còn trong tình trạng hoãn chưa có thời gian tổ chức cụ thể. Những vấn đề này được dự báo sẽ tiếp tục tồn tại nếu không có những biện pháp giải quyết cụ thể, không chỉ ra được đâu là điểm nghẽn cần khắc phục ngay.

Với trách nhiệm của đơn vị tham mưu công tác phòng chống Doping quốc gia, ông Phú đề xuất, trong thời tới, ngành thể thao Việt Nam cần triển khai triệt để 4 công tác quan trọng.

"Đầu tiên, qua công tác kiểm tra Doping cũng như xử lý hồ sơ vi phạm Doping trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tại SEA Games 31, chúng tôi nhận thấy VĐV và ngay cả nhiều HLV chưa có ý thức về việc tự bảo vệ chính bản thân mình trước các nguy cơ có thể biến mình thành một trường hợp vi phạm-dương tính với các chất cấm, tức là bị dính Doping" - ông Phú nói.

Phòng, chống Doping trong thể thao: 4 đề xuất lớn đẩy lùi vấn nạn chất cấm - Ảnh 2.

Đẩy mạnh tổ chức phổ biến, cập nhật kiến thức về phòng chống Doping cho VĐV và HLV cùng những thành viên liên quan khác trong toàn bộ quá trình huấn luyện, quản lý VĐV.

Bằng chứng cho quan điểm trên là nhiều VĐV sử dụng thuốc uống điều trị bệnh không có chỉ định của bác sỹ, không có kiểm tra đối chiếu của chính bản thân mình và của nhân viên y tế có trách nhiệm, sử dụng thực phẩm chức năng tự phát hoặc theo kinh nghiệm, không biết cách khai báo hồ sơ kiểm tra và không nắm được trình tự phải thực hiện khi có các vấn đề không thuận lợi trong việc thực hiện kiểm tra Doping… Điều này phải khẳng định VĐV chưa có ý thức nghề nghiệp, không thể gọi là vô tình.

Để giải quyết tồn tại này chắc chắn phải tổ chức phổ biến, cập nhật kiến thức về phòng chống Doping cho VĐV và HLV cùng những thành viên liên quan khác trong toàn bộ quá trình huấn luyện, quản lý VĐV.

Việc một số VĐV Việt Nam gần đây liên tục vi phạm luật phòng chống Doping là một việc nghiêm trọng và Thể thao Việt Nam sẽ gặp phải những cuộc kiểm tra gắt gao, có hệ thống từ nhiều Liên đoàn thể thao quốc tế cũng như từ Tổ chức phòng chống Doping thế giới. Trước mắt toàn bộ các VĐV thuộc hệ thống đội tuyển cần phải qua các chương trình học và được xác nhận đạt yêu cầu mới có đủ điều kiện đăng ký thi đấu tại các Đại hội thể thao quốc tế như Olympic, ASIAD, các giải vô địch quốc tế do các Liên đoàn thể thao quốc tế tổ chức.

Phía VADA nhận định, công tác này nhất thiết phải bắt đầu ngay từ việc cụ thể hóa các quy định về điều tra xử lý vi phạm Doping, gắn chặt việc kiểm tra định kỳ ở nhiều cấp độ khác nhau với việc phân định rõ trách nhiệm trong việc có bất cứ việc vi phạm Doping nào xảy ra trong suốt quá trình huấn luyện và thi đấu của VĐV.

"Để không chậm trễ, chúng tôi khẩn thiết đề nghị Ủy ban Olympic (NOC) Việt Nam, Tổng cục TDTT, các Liên đoàn thể thao quốc gia… cần tổ chức ngay một mạng lưới liên hệ với các đầu mối cụ thể, chịu trách nhiệm cá nhân về việc phối hợp triển khai các công tác phòng chống Doping đối với các VĐV, HLV và các đối tượng liên quan trong phạm vi quản lý của mình" - ông Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh.

Tiếp theo, ông Phú cho rằng, ngoài một số giải thể thao quốc tế, hiện tất cả các giải thể thao vô địch quốc gia chưa có nội dung kiểm tra doping đối với VĐV, đặc biệt là với các VĐV đạt thành tích cao, kỷ lục quốc gia và những thành tích tiếp cận với kỷ lục châu lục, thế giới.

Đây là một khoảng trống khi chưa triển khai kiểm tra Doping tại các giải vô địch quốc gia và cần có sự điều chỉnh để thực hiện càng sớm càng tốt. Dù chưa làm được toàn bộ các giải VĐQG nhưng cần bổ sung trong điều lệ, quy định tổ chức giải để kiểm tra Doping tại một số giải thể thao trọng điểm, các giải trong hệ thống thi đấu của Olympic và kiểm tra không báo trước đối với toàn bộ nhóm VĐV được đào tạo tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia

Hai công tác còn lại được VADA xác định gồm: Hoàn thiện hơn nữa trong công tác tổ chức, xây dựng mới chức năng nhiệm vụ, lấy Phòng chống Doping và Hợp tác quốc tế trong phòng chống Doping làm trọng tâm hoạt động, khẩn trương ứng dụng công nghệ KTS và xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm tra-đánh giá mức độ tuân thủ bộ luật phòng chống Doping thế giới cũng như các quy định phòng chống Doping tại VN và tìm giải pháp bổ sung nguồn kinh phí kiểm tả Doping bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách hàng năm.

"Hai công tác cuối cùng nhằm mục tiêu triển khai công tác giáo dục, kiểm soát có hệ thống và xây dựng cơ sở dữ liệu phòng chống Doping cho toàn bộ VĐV các đội tuyển từ tuyến trẻ trở lên. Việc này đã triển khai bước đầu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX và dự kiến sẽ hoàn thiện vào quý II/2023. Ngoài ra, việc tổ chức đấu thầu quốc tế thành công gói thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm Doping trước Đại hội Thể thao toàn quốc là một bước tiến rất lớn mở ra hướng có thể tiếp nhận, sử dụng những nguồn kinh phí lớn hơn cho công tác kiểm tra Doping từ năm 2023" - ông Phú cho hay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại