Chuẩn bị phương án xấu nhất
Ngày 9/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến Bình Định kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 6. Phó thủ tướng đã đi thị sát, kiểm tra thực tế tại cảng Quy Nhơn và 1 số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh.
Cảng vụ Quy Nhơn cho hay cơn bão số 5 vừa qua tại đây có 56 tàu hàng gặp nạn. Hiện tại đã có 56 tàu hàng vào neo đậu và được bố trí ở khu vực an toàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chia sẻ với khó khăn của người dân Bình Định.
"Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn cũng đã khuyến cáo các tàu sắp tới làm hàng tại Quy Nhơn tạm thời chuyển hướng vào các cảng khác để tránh bão.
Lực lượng chức năng cũng yêu cầu các tàu kiểm tra, neo tàu kỹ lưỡng, đưa tất cả người trên tàu không phải là thuyền viên ra khỏi tàu trong thời gian có bão, việc bốc dỡ hàng hóa của các tàu tại cảng Quy Nhơn đã thực hiện xong", đại diện Cảng vụ cho biết.
Lực lượng quân đội tỉnh Bình Định hộ đê tại các khu vực xung yếu
Chỉ đạo địa phương, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Bình Định tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi và hoạt động của tàu thuyền. Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ không cho phương tiện ra khơi trước, trong và sau bão. Hướng dẫn các tàu còn hoạt động trên biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.
Ông Dũng cũng yêu cầu việc neo đạo phải được kiểm tra kỹ đối với tất cả các phương tiện như tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch… để tránh thiệt hại như bão số 5.
Tỉnh Bình Định đang khẩn trương ứng phó với bão
Đặc biệt, Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định chuẩn bị sẵn sàng các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu nhất. Những địa phương thuộc khu vực cửa sông, ven biển, khu vực dễ bị ngập, sạt lở… phải lươn sẵn sàng. Cơ quan chức năng kiểm tra các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản trên biển và ven biển, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão đổ bộ vào.
Ngoài ra, đối với khu vực trung du miền núi, ông Dũng lưu ý phải sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn khi có tình huống xấu, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Nhiều địa phương cấm biển
Bão số 6 dự kiến đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với cường độ cấp 12, giật cấp 15 vào tối ngày 10/11.
Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định vào chiều 9/11 đều đã lên phương án ứng phó và ban hành lệnh cấm biển. Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu chủ tịch các huyện, thị trên địa bàn thông báo cấm không cho các tàu thuyền ra khơi và các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển, thời gian bắt đầu cấm biển từ ngày 9/11 đến khi có thông báo mới. UBND tỉnh Phú Yên cho hay đã có 298 tàu cá neo đậu an toàn ở bờ và ở quần đảo Trường Sa.
Người dân TP Quy Nhơn gia cố nhà cửa trước cơn bão cực kỳ nguy hiểm
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành lệnh cấm các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12h ngày 10/11. Hệ thống cáp treo Vinpearl kể từ 18h ngày 10/11 cũng bị cấm hoạt động.
Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên biển bắt buộc phải vào bờ trước 15h ngày 10/11 cho đến khi hết bão.
Ngày 9/11, tất cả lãnh đạo Bình Định đều tập trung về các điểm xung yếu để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 6 có nguy cơ đổ bộ vào địa phương này trong hai ngày tới.
Công tác phòng chống bão số 6 đang rất khẩn trương
Ngày 9/11, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chống bão số 6. Theo đó, Chủ tịch Bình Định đặc biệt đề nghị lấy việc bảo vệ tính mạng người dân làm nhiệm vụ hàng đầu.
"Chậm nhất đến 12h ngày 10/11, công tác sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường phải hoàn thành.
Các địa phương có người dân trong vùng trên gặp nguy hiểm, bị đe dọa tính mạng thì chủ tịch phải chịu trách nhiệm trước ủy ban", ông Dũng chỉ đạo.