Nhà ga đường sắt Standard Gauge tại Nairobi chắc chắn là tòa nhà công cộng nổi bật nhất Kenya. Trong khi các tòa nhà chính phủ của Kenya thường tẻ nhạt, mang dáng vẻ cũ kỹ từ thời kỳ thuộc địa, nhà ga Standard Gauge được sơn màu xám hiện đại, hoàn toàn khác biệt.
Các khối tòa nhà tạo thành hình một đầu máy xe lửa, và ánh đèn neon màu đỏ thông báo: "Nhà ga Nairobi".
Chuyến tàu chạy 293 dặm từ thủ đô Nairobi của Kenya đến cảng Mombasa và trở về 2 lần/ngày, là dự án lớn nhất của nước này kể từ khi độc lập cách đây 54 năm trước.
Dự án đường sắt do Trung Quốc đầu tư tại Kenya. Ảnh: dalafm.co.ke
Dự án được khởi công vào mùa hè năm 2017, không chỉ thể hiện tham vọng của Kenya mà còn là tham vọng của Trung Quốc ở Lục địa đen. Trong vòng một thập niên, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất của các chính phủ ở châu Phi. Số tiền cho vay được dùng để giúp xây dựng các cảng biển, đường bộ, sân bay và đường sắt.
Nhưng nhiều người lo ngại rằng, các khoản nợ này đầy cạm bẫy và khiến các nước châu Phi lún sâu trong nợ nần. Riêng Kenya đã vay 5,3 tỷ USD từ Trung Quốc. Nhưng khoản vay 3,2 tỷ USD cho dự án đường sắt quá hấp dẫn để từ chối. Tại cửa của mỗi đoàn tàu đều có dán hình ảnh lá cờ Kenya bên cạnh lá cờ Trung Quốc.
Trung Quốc đang tạo ra một "vương quốc" nhỏ
Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tuyến đường sắt này. Paul Gichango, một Giám đốc marketing cho rằng, người Kenya có thể học được từ người Trung Quốc. Paul kể rằng, khi anh lái xe đi qua khu xây dựng ở Nairobi, anh thấy người Trung Quốc làm việc không ngừng, họ bắt đầu từ 6 giờ sáng và làm việc tới tận 7 giờ tối. Đây là văn hóa biến một nước nghèo trở thành công xưởng của thế giới và người Kenya cần chú ý.
Nhưng Faith Kidullah, một luật sư thì cho rằng, cô không thấy hứng thú với văn hóa Trung Quốc. "Chúng tôi đưa những người Trung Quốc đến đây vì công nghệ của họ. Vì thế, họ chỉ nên đem công nghệ cho chúng tôi và giữ lại văn hóa của họ", cô nói.
Hồi giữa năm nay, trên phương tiện truyền thông của Kenya dày đặc các bài báo về tuyến đường sắt. Tờ Standard xuất bản các bức ảnh cho thấy các quản lý Trung Quốc đánh đập công nhân người Kenya.
Người Trung Quốc đã tạo ra một "vương quốc" nhỏ, nơi họ cư xử thô lỗ với công nhân Kenya. Những người Kenya cho rằng, họ đang phải chịu dựng chủ nghĩa thực dân mới, phân biệt đối xử và kỳ thị, bài báo viết.
Cũng theo tờ báo này, công nhân Kenya chỉ điều khiển đầu máy vào đúng ngày khai trương một năm trước. Người Trung Quốc vẫn giữ hầu hết các vị trí giám sát.
Người Kenya bị gạt sang bên lề
Điều đã xảy ra ở Kenya cũng diễn ra tương tự ở khắp các nước châu Phi. Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho biết. Bắc Kinh đang rót hàng tỷ USD cho các dự án của Ethiopia, Ghana và Mozambique.
Ethiopia sở hữu một tuyến đường sắt mới đến cảng Djibouti, Ghana có một tuyến cao tốc và Senegal sẽ trở thành một phần của tuyến đường trải dài từ Dakar ở phía tây đến Djibouti ở phía đông.
Nhưng có rất nhiều lo ngại, Grant T. Hariss, cố vấn của Tổng thống Obama về các vấn đề châu Phi cho hay. Ước tính, các khoản nợ của Trung Quốc sẽ đẩy tỷ lệ nợ so với GDP của Djibouti từ 50 đến 85%.
Cuối năm ngoái, Sri Lanka cũng chật vật trong việc trả nợ cho Trung Quốc. Vì vậy, nước này quyết định cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong 99 năm.
Nhà ga đường sắt ở Mombasa nằm trên một ngọn đồi nhìn ra vùng đất ngập nước. Xung quanh là những con đường trải nhựa hoàn toàn mới, những cây cầu cao đan xen khắp các vùng đất ngập nước - đều là công trình của người Trung Quốc.
Công nhân Trung Quốc lái bán tải phóng qua. Và ở hai bên, sau hàng rào và tháp canh là những tòa nhà chung cư hoàn toàn mới.
Những chiếc đèn lồng đỏ ở lối vào cho thấy đây là khu vực người Trung Quốc sinh sống.
Charles Oduour đang rửa xe của mình. Anh là một tài xế, và cũng giống như nhiều người khác ở Mombasa, anh từng nuôi mộng một ngày nào đó sẽ được làm việc ở tuyến đường sắt. Nhưng những ngày này, anh thậm chí không được phép vượt qua trạm kiểm soát ban đầu.
Trong hơn một năm kể từ khi tuyến đường sắt mở ra, anh chưa bao giờ nói chuyện với một người Trung Quốc.
"Tôi cảm thấy rất tệ. Họ ở nước chúng tôi nhưng họ không hòa nhập với chúng tôi, chúng tôi chẳng biết họ làm gì ở đó", anh nói.