Philippines "chia tay" Mỹ: Không phải 1 câu nói của Duterte là xong

Đức Huy |

Phát biểu "kinh thiên động địa" của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Trung Quốc đã làm dấy lên nguy cơ Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Phi đổ vỡ.

"Thưa các quý ngài, tại đây, tôi xin tuyên bố sẽ tách rời khỏi nước Mỹ, cả về mặt quân sự lẫn kinh tế" - Duterte hùng hồn phát biểu trước toàn bộ nội các Trung Quốc.

Báo chí và giới phân tích sẽ còn tốn nhiều giấy mực để mổ xẻ ý nghĩa thực sự đằng sau chữ "tách rời" (separation) mà Tổng thống Duterte đã dùng tại Bắc Kinh.

Nhưng dù có cố hiểu theo nghĩa tích cực nhất, như cái cách mà Ngoại trưởng kiêm "lính cứu hỏa" bất đắc dĩ Perfecto Yasay đã tìm cách "chữa cháy" rằng: "(Ý ông Duterte) là tách khỏi sự phụ thuộc về kinh tế và quân sự trước đây", thì việc bị đồng minh lâu năm làm bẽ mặt ngay trước đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược là Trung Quốc thật sự là một cú sốc không hề nhẹ với Mỹ.

Philippines là một trong những đồng minh quân sự truyền thống của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, nếu quan hệ hai nước rạn nứt, Hiệp ước Quốc phòng Song phương Mỹ-Philippines cũng đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Hiệp ước Quốc phòng Song phương Mỹ-Philippines

Năm 1951, đại diện hai nước Mỹ và Philippines đã đặt bút kí vào bản Hiệp ước Quốc phòng Song phương bao gồm 8 điều khoản, với nội dung xuyên suốt là hai nước sẽ tương hỗ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai bên bị bên thứ ba tấn công.

Trong 40 năm kể từ khi hiệp ước chính thức đi vào hiệu lực, quân đội Mỹ được phía Philippines cho phép đồn trú tại các căn cứ quân sự của nước này như Subic hay Clark, để đảm bảo an ninh cho Manila cũng như duy trì hiện diện của Washington tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Philippines chia tay Mỹ: Không phải 1 câu nói của Duterte là xong - Ảnh 1.

Căn cứ Hải quân Vịnh Subic. Ảnh: WikiMedia

Song do phản đối từ phía người dân địa phương ngày một gia tăng liên quan đến hành vi không đúng đắn của một bộ phận lính Mỹ đóng tại Philippines, Quốc hội Philippines năm 1991 đã bỏ phiếu không gia hạn hiệp ước cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự, Đến năm 1992, toàn bộ các lực lượng quân đội Mỹ đã rời khỏi Philippines.

Tuy không còn đóng quân thường trú tại Philippines, song Mỹ vẫn giữ quan hệ đồng minh với quốc gia Đông Nam Á này, và hàng năm vẫn thực hiện các hoạt động tập trận quân sự cũng như tuần tra chung trên biển.

Năm 2014, hai nước đã kí Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA), trong đó điểm nổi bật nhất là Philippines lại cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của mình, nhưng với 3 điều kiện: Mỹ không được đóng quân thường trú, Mỹ không được thiết lập căn cứ cố định của riêng mình tại Philippines, và Mỹ không được mang vũ khí hạt nhân tới Philippines.

Philippines chia tay Mỹ: Không phải 1 câu nói của Duterte là xong - Ảnh 2.

Tên và vị trí các căn cứ sẽ được tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ theo thỏa thuận hai nước đã kí trong EDCA. Ảnh: cfr.org

EDCA sau đó đã được Quốc hội Philippines phê chuẩn, và được đánh giá sẽ là một bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai đồng minh lâu năm này.

Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ sau khi Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống...

Thủ tục "ly hôn"

Dù mới nhậm chức được vài tháng, song Duterte đã có rất nhiều phát ngôn đi ngược lại với tinh thần của Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Philippines đã tồn tại được 65 năm. Ông chủ điện Malacanang tuyên bố mình "không phải là con rối của Mỹ", muốn quân Mỹ rút khỏi Mindanao, và khẳng định sẽ chấm dứt các cuộc tập trận chung giữa hai nước.

Philippines chia tay Mỹ: Không phải 1 câu nói của Duterte là xong - Ảnh 3.

Duterte không mấy hứng thú với sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ Philippines, dù chỉ là dưới hình thức luân chuyển.

Nếu như những phát biểu nói trên có thể được hiểu là cách giải tỏa tâm lý của một vị Tổng thống nổi tiếng "thẳng như ruột ngựa", trong bối cảnh chiến dịch chống ma túy của ông đang bị Washington chỉ trích vi phạm nhân quyền, thì với tuyên bố mới đây tại Bắc Kinh, Mỹ-Phi "ly hôn" từ lo ngại nay đã trở thành một nguy cơ đáng báo động.

Vậy quá trình để nguy cơ này trở thành hiện thực sẽ diễn tiến ra sao?

Theo Điều VII của Hiệp ước Quốc phòng Song phương Mỹ-Phi, Hiệp ước phải được thông qua dựa trên quy trình do Hiến pháp mỗi nước quy định. Chiếu theo Điều này, Hiệp ước đã chính thức đi vào hoạt động năm 1952 sau khi được Quốc hội hai nước thông qua.

Tương tự như vậy, nếu một trong hai bên có nguyện vọng hủy bỏ Hiệp ước, thì nguyện vọng này cũng phải được Quốc hội nước đó thông qua.

Còn theo Điều VIII của Hiệp ước, hai nước sẽ tiếp tục là đồng minh quân sự cho đến khi một hoặc cả hai bên có nguyện vọng hủy bỏ Hiệp ước. Nếu một bên đã có nguyện vọng đó thì phải báo trước 1 năm cho bên còn lại, để đôi bên có những điều chỉnh cần thiết trước khi chính thức hủy bỏ Hiệp ước.

Như vậy, nếu Duterte có ý muốn cắt đứt quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ, đề xuất của ông sẽ phải được Quốc hội Philippines thông qua. Sau đó Manila sẽ thông báo cho Washington về nguyện vọng của mình, và nếu Mỹ không thể khiến Philippines đổi ý thì 1 năm sau đó, hai nước sẽ chính thức không còn là đồng minh.

Nói vậy để hiểu rằng không phải ông Duterte "muốn là được". Theo chuyên gia Jamie Metzl thuộc viện nghiên cứu Atlantic, phần đông nghị sĩ trong Quốc hội Philippines vẫn có tư tưởng thân Mỹ, chống Trung. 

Ngoài ra, các cố vấn an ninh chắc chắn cũng sẽ đề nghị Tổng thống Philippines cân nhắc kĩ, bởi dù có hiềm khích thế nào với Washington đi nữa, thì cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của Hiệp ước đối với an ninh quốc gia Philippines, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc thể hiện ngày một rõ ràng ý đồ bành trướng trên Biển Đông.

---

Tóm lại, tuy việc Philippines cắt đứt quan hệ đồng minh với Mỹ vẫn chỉ dừng lại ở khả năng, và những hệ quả của chuyển biến này, nếu có sẽ phải mất một thời gian mới thấy rõ được trên thực địa, song có thể nói ngay từ bây giờ, viễn cảnh Mỹ-Phi "ly hôn" đã, đang, và sẽ trở thành một bước ngoặt về mặt chính trị tại châu Á - Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại