Kết quả được dự đoán trước
Ngày hôm qua (26/9), thủ lĩnh người Kurd tại Iraq, ông Masound Barzani, tuyên bố phiếu "Có" đã chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 25/9.
Almasdar News dẫn nguồn tin từ Chính quyền Khu vực Người Kurd (KRG) cho biết, hơn 93% cử tri đã đồng thuận với câu hỏi duy nhất trong lá phiếu: "Bạn có muốn khu vực người Kurd kiểm soát trở thành một quốc gia độc lập hay không?"
Chính phủ Iraq đã lên án cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chưa có bình luận nào được đưa ra.
Theo Al-Sura News, thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi đã yêu cầu chính quyền KRG ở Erbil trao toàn quyền kiểm soát sân bay và biên giới lãnh thổ người Kurd ở Iraq. Yêu cầu này được đưa ra 24 giờ sau cuộc trưng cầu dân ý.
Nếu KRG không tuân thủ yêu cầu của Baghdad, Iraq sẽ siết chặt kiểm soát các khu vực xung quanh, hạn chế và làm suy kiệt các hoạt động giao thương, kinh tế của người Kurd.
Tới thời điểm hiện tại, thủ lĩnh Barzani vẫn chưa trả lời Baghdad.
Nguy cơ mâu thuẫn bùng phát ở Trung Đông
Cuộc trưng cầu dân ý này đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong khu vực, và tiềm ẩn khả năng Iraq sẽ không còn là Iraq "nguyên vẹn" như trước đây.
Sau Thế Chiến I, hơn 30 triệu người Kurd đã thất bại trong việc tự thành lập quốc gia độc lập, phải sống rải rác khắp các vùng Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 của Mỹ đã làm xáo trộn tình hình khu vực, đặc biệt là những nơi đông đúc người Kurd sinh sống, và mở ra cơ hội cho sự ảnh hưởng của Iran.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 25 gặp phải nhiều trở ngại và chèn ép từ các quốc gia láng giềng, có khả năng sẽ dẫn tới chiến tranh trong khu vực.
Vì những lí do tôn giáo, Iran luôn lo ngại nhà nước độc lập của người Kurd. Tehran đã tiến hành các cuộc diễn tập trên biên giới, huỷ các chuyến bay đến và đi từ địa bàn người Kurd, và sẽ tiếp tục thúc đẩy Baghdad phối hợp hành động, kiểm soát, không cho phép người Kurd được lập quốc gia tự trị.
Thủ lĩnh người Kurd tại Iraq, Massoud Barzani tại cuộc bỏ phiếu trưng cầu ở Erbil, Iraq ngày 25/9. Ảnh: REUTERS/Azad Lashkari
Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong số quốc gia có ý định tranh giành lãnh thổ với người Kurd.
Ankara và Tehran lo ngại việc người Kurd ở Iraq ly khai thành công sẽ tạo tiền lệ để người Kurd tại các nước này đòi độc lập. Cho đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khó khăn trong đối phó các hoạt động đòi ly khai của nhóm này, còn Iran quan ngại lực lượng Al-Hashd Al-Shaabi do nước này hậu thuẫn chống IS sẽ bị ảnh hưởng.
Vài giờ sau cuộc bỏ phiếu, ông Erdogan ra lệnh quân đội đưa lực lượng áp sát lãnh thổ KRG, và cắt đứt các giao dịch dầu mỏ. Ông tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp, từ chính trị, thương mại đến an ninh nhằm vào KRG để gìn giữ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày 25, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng gia tăng không kích lực lượng của đảng Công nhân người Kurd (PKK), còn chính quyền Tehran điều động không quân tập trận dọc biên giới Iraq, đóng cửa biên giới với Iraq, giáp lãnh thổ người Kurd và ngưng mọi chuyến bay.
Trong khi đó, Israel lại hỗ trợ người Kurd rất nhiều trong quá trình thành lập nhà nước và sẵn sàng cung ứng vũ khí nếu xảy ra chiến tranh.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 13-9 nói rằng Israel ủng hộ việc thiết lập một nhà nước của riêng người Kurd.
Israel duy trì quan hệ quân sự, tình báo và thương mại kín đáo với người Kurd từ thập niên 1960. Họ xem người Kurd là đồng minh quan trọng giúp chống lại các đối thủ trong khu vực.
Hy vọng hòa bình
Hòa bình tại Trung Đông vẫn có thể được thiết lập nếu người Kurd và các nước láng giềng chấp nhận cho phép người Kurd tự trị dưới quyền điều hành của Iraq.
Hiện tại, chính quyền người Kurd đã tự quản lí được hệ thống giáo dục, an ninh, quân đội, thuế và các cơ quan đối ngoại.
Ông Massoud Barzani mới đây cũng lên tiếng ám chỉ một hi vọng hòa bình khi phát biểu: "Người Kurd tự trị không đồng nghĩa với việc phải hoàn toàn tách khỏi Iraq."