Phía sau quyết định dừng chương trình bí mật của CIA ở Syria là một cuộc đổi chác lịch sử?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Chính ông Trump đã phải công nhận là "không có Nga thì không thể thành công. Có Nga thì không thể bị thất bại" ở Syria.

Im lặng, không phủ nhận - phải hiểu như thế về phản ứng của Nhà Trắng về những thông tin được Washington Post đăng tải với nội dung: Ông Trump sau khi trao đổi với Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Herbert Raymond MacMaster, đã quyết định chấm dứt chương trình của CIA nhằm cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria.

Năm 2013, chính quyền tiền nhiệm của ông Trump đã giao cho CIA bí mật thực thi chương trình vũ trang cho những lực lượng này ở Syria. Mấy tháng sau khi nhậm chức, ông Trump đã công khai quyết định vũ trang cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà nòng cốt là lực lượng vũ trang của người Kurd ở nước này, nhưng không do CIA mà do Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện.

Cũng theo tờ Washington Post, ông Trump quyết định ngừng vũ trang cho các lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria trước cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị cấp cao của nhóm G20 tại Hamburg (Đức) hồi đầu tháng 7 vừa qua mà một trong những kết quả của cuộc gặp là thoả thuận giữa hai bên về ngừng bắn ở vùng Tây Nam Syria.

Tờ báo cũng quả quyết là ông Trump tự quyết định chứ không phải Nga đã đặt cho Mỹ điều kiện này để có được thoả thuận ngừng bắn nói trên.

Bước đầu định hình chiến lược mới

Phía sau quyết định dừng chương trình bí mật của CIA ở Syria là một cuộc đổi chác lịch sử? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump đã quyết định ngừng vũ trang cho lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria. Ảnh: The New York Times

Ở đây có lẽ cần phải phân biệt rõ. Người tiền nhiệm của ông Trump ở Nhà Trắng, ông Barack Obama, giao cho CIA vũ trang những lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria để những lực lượng này giúp Mỹ thực hiện mục tiêu lật đổ thể chế của Tổng thống Bashir al-Assad ở Syria.

Việc này được CIA bí mật thực hiện từ năm 2013, tức là trước khi Nga can dự quân sự trực tiếp vào Syria. Ông Trump giao cho Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện việc huấn luyện và vũ trang cho SDF với mục đích là dùng lực lượng này đấu chọi với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và những phần tử, tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Syria.

Khác với người tiền nhiệm, ông Trump dành ưu tiên hàng đầu cho mục tiêu xoá sổ IS ở Syria chứ không đồng thời vừa chống IS vừa thay đổi thể chế ở Syria. Thể chế này và cá nhân ông Assad được Nga và Iran hậu thuẫn. Chính vì thế, quyết định mới kia của ông Trump được nhìn nhận là "thắng lợi của Nga và Iran".

Nhìn về bề ngoài thì có thể như thế, nhưng trong thực chất thì hiện chưa thể khẳng định được như thế bởi quyết định ấy rõ ràng chỉ là một bộ phận trong chiến lược mới đang được ông Trump và cộng sự định hình cho Syria.

Ông Trump đang gấp rút tìm kiếm chiến lược mới này không chỉ đơn thuần muốn khác biệt người tiền nhiệm, muốn gây dựng dấu ấn riêng để tránh hình ảnh thực thi chiến lược của người tiền nhiệm, mà còn vì đã nhận ra rằng chiến lược của ông Obama trên thực tế đã không đạt mục đích, hoặc ít nhất không thể sớm thành công khi không tiêu diệt được IS và không lật đổ được Assad.

Chính ông Trump đã phải công nhận là "không có Nga thì không thể thành công. Có Nga thì không thể bị thất bại" ở Syria.

Quyết định mới này biểu lộ hai định hướng chính trong chiến lược mới đang được ông Trump định hình cho Syria.

Thứ nhất, chuyện chính và mục tiêu hàng đầu của ông Trump ở Syria là tiêu diệt IS và việc lật đổ ông Assad tuy chưa bị từ bỏ hoàn toàn nhưng trước mắt chưa đặt ra đối với Mỹ. Thứ hai, Mỹ muốn hợp tác với Nga và muốn có Nga đồng hành trong cả chuyện chống IS lẫn cả trong vấn đề tương lai chính trị cho Syria.

Phía sau quyết định dừng chương trình bí mật của CIA ở Syria là một cuộc đổi chác lịch sử? - Ảnh 2.

Có thể hiểu một cách đơn giản là ông Trump hiện tại nhượng bộ Nga trong vấn đề số phận chính trị của ông Assad để đổi lấy sự liên thủ với Nga đối phó IS. Sau đó, ông Trump sẽ trao đổi, thuyết phục và thoả thuận với ông Putin về tương lai của Syria và của ông Assad.

Trong chuyện này, ông Trump quyết định như vậy không phải vì quan hệ của Mỹ với Nga mà vì không như thế thì sẽ không thể khá hơn được ở Syria nói chung so với người tiền nhiệm. Cho nên nếu coi đó là thắng lợi của Nga thì nên hiểu theo hướng thắng lợi của Nga ở Syria là chính với tác động mạnh mẽ tới quan hệ giữa hai nước nói chung.

Với tất cả những quyết sách, hành động và phát biểu từ trước đến nay của ông Trump về Syria và liên quan đến Syria có thể nhận thấy quá trình hoạch định chiến lược mới của ông Trump cho Syria chưa hoàn tất. Nó còn tiếp tục chưa hoàn tất chừng nào quan hệ giữa Mỹ và Nga chưa được cải thiện thực sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại