Hãng này xác nhận với BBC hôm 4-12 rằng phi hành đoàn đã chứng kiến khoảnh khác nghi là lúc quay lại khí quyển trái đất của tên lửa Triều Tiên trong vụ thử nghiệm mới nhất hôm 29-11.
Triều Tiên thử nghiệm Hwasong-15 ngày 29-11. Ảnh: Korean Central TV
Triều Tiên thử nghiệm Hwasong-15 ngày 29-11. Ảnh: Korean Central TV
Theo South China Morning Post, Tổng Giám đốc công ty Cathay Mark Hoey đã nói với các nhân viên trong một tin nhắn rằng "hôm nay phi hành đoàn của chuyến bay CX893 đã báo cáo", "chúng tôi đã chứng kiến tên lửa của Triều Tiên phóng lên và rơi xuống gần vị trí của chúng tôi".
Hai máy bay Hàn Quốc khác trên đường tới Seoul từ Mỹ cũng phản ánh họ chứng kiến vụ phóng tên lửa nói trên.
Triều Tiên hôm 29-11 đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được nước này khẳng định là có thể vươn tới bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ.
Vụ thử nghiệm làm gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc và Mỹ - hai nước đang bắt đầu cuộc tập trận chung về không quân lớn nhất từ trước tới nay hôm 4-12, một động thái bị phía Bình Nhưỡng coi là khiêu khích.
Gọi tên lửa mới phóng là Hwasong-15, Triều Tiên cũng nhấn mạnh ICBM đáp xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản này là tên lửa bay cao hơn bất cứ tên lửa nào nước này từng thử trước đó.
Không giống như các nước khác, Triều Tiên thường không thông báo trước các vụ thử nghiệm tên lửa, điều đó có nghĩa là những vụ thử nghiệm của họ diễn ra mà không có cảnh báo và các hãng bay cũng không có thông tin, gây nguy cơ tiềm tàng đối với các máy bay.
Bình Nhưỡng vốn có tiếp cận với các dữ liệu hàng không dân dụng quốc tế, nên họ có thể nghiên cứu không phận trước khi phóng tên lửa.
Dù nguy cơ xảy ra tai nạn rất thấp nhưng đó vẫn là điều khiến các hãng hàng không phải tính tới. Hồi đầu tháng 8, hãng Air France (Pháp) vừa mở rộng vùng ngừng bay quanh Triều Tiên sau khi nổi lên thông tin một máy bay của hãng đã bay gần đường bay của một tên lửa Triều Tiên.