“Đối thủ lớn nhất”
Một bài báo gần đây đăng tải trên BBC đã tiết lộ các tiêm kích Ukraine buộc phải bay ở độ cao rất thấp để thoát khỏi tên lửa không đối không được phóng từ tiêm kích Su-35 của Nga. Khi tên lửa được phóng ra, các phi công hiểu họ phải bỏ dở nhiệm vụ và làm bất cứ điều gì để sống sót.
Một phi công Ukraine trên tiêm kích MiG-29 được gọi là Silk cho biết họ phải bay thấp đến mức có thể nhìn thấy ngọn cây.
"Những chuyến bay sát mặt đất như vậy là những chuyến bay khó khăn nhất. Bạn phải tập trung cao độ bởi ở độ cao thấp, bạn không có thời gian hay không gian để trốn thoát an toàn", Silk cho hay.
Ukraine đã điều 2 tiêm kích thực hiện một nhiệm vụ tấn công, theo đó một tiêm kích tấn công các tài sản quân sự trên mặt đất của đối phương trong khi tiêm kích còn lại cung cấp sự bảo vệ khỏi các tên lửa không đối không. Gần đây, các phi công Ukraine ngày càng gặp khó khăn trong việc tiến hành các cuộc tấn công bởi các tiêm kích Su-35 của Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra trên không.
Một phi công khác của Ukraine lái tiêm kích MiG-29 thì cho biết: "Đối thủ lớn nhất của chúng tôi là các tiêm kích Su-35 của Nga. Chúng tôi biết các vị trí của phòng không Nga và tầm hoạt động của chúng. Điều này khá dễ đoán nên có thể tính toán chúng tôi duy trì được bao lâu trong khu vực của họ. Nhưng trong trường hợp của các chiến đấu cơ, chúng là những phương tiện di động. Chúng có bức tranh toàn cảnh trên không và biết khi nào chúng tôi bay tới tiền tuyến".
Các cuộc tuần tra trên không của Nga có thể xác định một tiêm kích cất cánh, thậm chí cả khi nó ở xa và nằm trong lãnh thổ Ukraine. Các tên lửa R-37M của Nga có tầm bắn từ 150 - 200km nhưng các tên lửa của Ukraine chỉ có tầm bắn khoảng 50km. Điều đó tức là chiến đấu cơ của Nga có thể phát hiện ra chiến đấu cơ của Ukraine và bắn hạ chúng thậm chí trước cả khi chúng có thể gây ra mối đe dọa.
Nga được cho là đã thay thế các tiêm kích cũ bằng các tiêm kích Su-35 tiên tiến hơn hơn để thiết lập "ưu thế trên không theo khu vực" trên tiền tuyến. Bên cạnh việc gây ra khó khăn cho các tiêm kích Ukraine, Su-35 còn tiến hành các hoạt động đánh chặn các chiến đấu cơ của NATO.
Vào tháng 11/2022, Viện các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) có trụ sở tại Anh công bố một báo cáo cho biết, "các tiêm kích của Nga vẫn có hiệu quả và tính sát thương cao với chiến đấu cơ Ukraine gần tiền tuyến, đặc biệt là các tiêm kích Su-35 với tên lửa tầm xa R-77-1 và trong những tháng gần đây là MiG-31BM với tên lửa tầm xa R-37.
Tuy nhiên, rõ ràng các phi công Ukraine lo ngại tiêm kích Su-35 hơn là MiG 31K, vốn có thể phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal và bắn hạ tiêm kích Ukraine từ độ cao lớn.
Một số người điều khiển hệ thống phòng không Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 cũng khẳng định, Su-35 là một "mục tiêu trong mơ" của họ.
Vì sao Su-35 gây ra thách thức lớn hơn MiG-31?
Các quan chức Ukraine nhận định, thành công của bất kỳ chiến dịch phản công nào trong tương lai đều chịu tác động đáng kể bởi khả năng triển khai các phương tiện trên không.
Một phi công của Ukraine điều khiển MiG-29 được gọi là Juice cho biết, Không quân Ukraine xuất kích ít hơn Không quân Nga 20 lần. Ngoài ra, các máy bay tấn công của Ukraine, được trang bị những quả bom đã lỗi thời và tên lửa không dẫn đường, đang nhanh chóng cạn kiệt nguồn cung vũ khí.
Mặc dù Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một số tiêm kích Su-35 của Nga nhưng con số này không đáng kể. Như EurAsian Times trước đó đưa tin, các tiêm kích tiên tiến của Nga như Su-30SM và Su-35 vẫn rất hiệu quả và có tính sát thương cao khi nhắm vào máy bay chiến đấu của Ukraine.
Ngoài ra, các tiêm kích tiên tiến MiG-31 cũng nhận được sự chú ý từ dư luận và được đánh giá cao về khả năng chiến đấu. RUSI đưa tin hồi tháng 11 rằng chiến đấu cơ MiG-31 Foxhound đã bắn hạ một số tiêm kích của Ukraine bằng tên lửa không đối không tầm xa Vympel R-37M.
Không chỉ vậy, biến thể MiG-31K cũng có thể phóng các tên lửa siêu thanh Kinzhal vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine.
Trái lại, Su-35 được triển khai cùng với Su-34 Fullback trên chiến trường để phóng các quả bom dẫn đường vào các mục tiêu của Ukraine. Trong khi cả Su-35 và MiG-31 đều gây ra thách thức to lớn cho Không quân Ukraine, thì dường như các phi công của Kiev thận trọng hơn với Su-35.
Chuyên gia quân sự Vijainder K Thakur từng thuộc Không quân Ấn Độ cho biết: "MiG-31K, được trang bị các tên lửa Kinzhal, đóng góp lớn vào việc tấn công các mục tiêu chiến lược giá trị cao. Chúng gây ra mối đe dọa cho các cơ sở hạ tầng, các bốt chỉ huy và kiểm soát của Ukraine. Một số biến thể MiG-31BM, được trang bị RVV-BD (R-37), đang được triển khai để thực hiện nhiệm vụ giành ưu thế trên không”.
"Su-35 được triển khai cho các vai trò chiến thuật. Chúng thường được trang bị các tên lửa chống bức xạ Kh-31, bom lượn và tên lửa không đối đất cũng như các tên lửa không đối không như RVV-BD, RVV-SD và RVV-MD để giành ưu thế trên không. Su-35 bay tuần tra trên không 24/7 dọc tiền tuyến. Các tiêm kích của Ukraine có thể bắt gặp nhiều Su-35 hơn là MiG-31BM", chuyên gia này cho hay.
Tiêm kích đa nhiệm Su-35 thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng trên không, trên mặt đất và trên biển của đối phương, tiến hành giám sát trên không và phá hủy các mục tiêu cơ sở hạ tầng được bảo vệ.
Ngoài ra, chúng cũng có khả năng cơ động cao. Khi được hỏi tại sao Su-35 đáng sợ hơn MiG-31, Chỉ huy Nhóm Không quân Ấn Độ Johnson Chacko cho biết: "MiG-31 không cơ động bằng Su-35 đối với các cuộc tấn công tầm gần".
Mặc dù Nga chưa thể thiết lập ưu thế trên không ở Ukraine nhưng tiêm kích của Moscow vẫn hoạt động ngày đêm và sẵn sàng bắn hạ chiến đấu cơ của đối phương. Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn kéo dài với việc hai bên đều chưa thiết lập được ưu thế trên không, Kiev đã yêu cầu phương Tây trang bị cho nước này các tiêm kích F-16, song Mỹ vẫn từ chối do lo ngai leo thang căng thẳng với Nga.