Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow. Ảnh: AFP
Theo nguồn tin, Anh đã đưa ra quyết định gửi vũ khí tới Ukraine sau khi nhận được đảm bảo từ Chính phủ Ukraine rằng tên lửa Storm Shadow sẽ chỉ được sử dụng bên trong lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine, chứ không để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.
Bình luận về động thái trên, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã nói với CNN rằng từ góc độ tầm bắn, Storm Shadow sẽ là “một yếu tố thay đổi cuộc chơi thực sự”.
Trong khi đó, một thông tin trước đó được đăng tải trên tờ The Washington Post cho biết quá trình chuyển giao sắp diễn ra.
Về phần mình, hôm 11/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phản đối quyết định gửi tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow tới Ukraine của Anh. Quan chức này đồng thời cảnh báo Moskva sẽ đáp trả bằng phản ứng thích đáng. Ông cam kết giới chức quân sự của Nga sẽ đưa ra các quyết định phù hợp, song không nói rõ động thái cụ thể có thể là gì.
“Chúng tôi không đồng tình với quyết định chuyển giao này. Quân đội của chúng tôi sẽ đáp trả bằng phản ứng thích hợp”, ông Peskov cảnh báo.
Vào đầu tuần này, dẫn thông báo mua sắm của Quỹ Quốc tế về Ukraine, một hãng truyền thông khác đã đưa tin London dường như sẵn sàng cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa, loại vũ khí mà Kiev đã tìm kiếm từ lâu và Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã từ chối cung cấp. Ngoại trưởng Anh James Cleverly hôm 9/5 từ chối xác nhận London sẵn sàng gửi tên lửa tầm xa tới Kiev.
Tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow do Anh và Pháp phát triển vào những năm 1990 và thường được phóng từ trên không. Tên lửa này có vận tốc tối đa 1.000 km/h, có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 300 km, tương đương với Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân phóng từ mặt đất (ATACMS) do Mỹ sản xuất.
Theo tờ The Washington Post, London hy vọng quyết định của họ sẽ thuyết phục Washington theo sau cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev. Tuy nhiên, theo tờ Politico, Mỹ đã không lung lay sau động thái của Anh.
Một số nguồn thạo tin nói rằng các quan chức trong chính quyền của ông Biden được cho là đang “thở phào nhẹ nhõm” trước quyết định gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine của Anh, bước đi mà Washington không muốn thực hiện.
Giới chức cho rằng Washington lo ngại về nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ ATACMS và khả năng leo thang nếu Kiev sử dụng tên lửa có tầm bắn xa hơn để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Anh là nước viện trợ quân sự cho Ukraine nhiều thứ 2 sau Mỹ, với lượng vũ khí trị giá khoảng 2,5 tỷ USD. Giới chức Anh hồi tháng 1 thông báo chuyển 14 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, động thái mở đường cho Mỹ, Đức và một số quốc gia khác viện trợ xe tăng chủ lực cho Kiev.
Trước đó, Moskva cũng nhiều lần cảnh báo việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột mà không thay đổi kết quả gì.
Điện Kremlin cũng cảnh báo viện trợ quân sự gây ra nguy cơ leo thang căng thẳng hơn, đặc biệt nếu vũ khí phương Tây được sử dụng để tấn công các thành phố của Nga hoặc cố gắng chiếm lãnh thổ Nga.