Đầu giờ chiều 7-2 vừa qua, chị Thủy Lâm, nhà ở quận 2, TP.HCM, cầm thẻ ATM của Ngân hàng (NH) NN&PTNT Việt Nam (Agribank) đến máy ATM của NH Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đặt tại một phòng giao dịch của NH này trên đường Hoàng Việt, quận Tân Bình để rút 2 triệu đồng.
Nhưng chưa kịp rút thì tiền đã bị máy ATM Techcombank nuốt.
Phải đợi đến sau Tết mới lấy được tiền
Ngay lập tức chị Thủy Lâm báo cho nhân viên phòng giao dịch của Techcombank thì được trả lời chủ thẻ cần phải đến NH mở thẻ để làm giấy khai báo tra soát giao dịch. “Trong vòng 15 ngày đến một tháng tiền sẽ được trả lại cho khách hàng” - nhân viên của Techcombank nói thêm.
Chị Lâm cho biết đây là số tiền thưởng Tết mà cơ quan vừa chuyển vào tài khoản cho chị. Để đề phòng ATM bị tắc nghẽn giao dịch trong những ngày sát Tết, chị muốn rút sớm nhưng không ngờ lại gặp trục trặc, phải chờ đến cả tháng, nghĩa là sau Tết mới nhận được tiền.
“Cũng may là tôi chỉ rút 2 triệu đồng nên không ảnh hưởng nhiều đến việc chi tiêu của gia đình ngày Tết.
Nhưng tôi không hiểu tại sao việc tra soát giao dịch lại mất cả tháng mới xong, gây phiền phức cho khách. Cách giải quyết của NH chậm chạp như vậy không khác nào làm khó khách hàng” - chị Lâm bức xúc nói.
Chị Lâm không phải là trường hợp duy nhất “phát khóc” vì ATM những ngày cận Tết gặp khó khăn trong việc rút tiền. Cách đây vài ngày, một khách hàng phản ánh về hành trình gian khổ đi rút tiền từ ATM.
Theo đó, vị khách hàng này muốn rút 10 triệu đồng nhưng phải mất cả buổi sáng khi chạy qua 10 trụ ATM khác nhau và một phòng giao dịch mới rút được tiền.
Lý do, những cây ATM mà khách hàng ghé qua trên trục đường Phan Xích Long , Lê Quang Định , Phan Văn Trị… đều dán thông báo máy ngưng giao dịch để bảo trì.
Nhưng khổ nhất có lẽ vẫn là công nhân ở các khu công nghiệp vì liên tục xảy ra hiện tượng ATM hết tiền, quá tải, ngừng hoạt động.
Chị Ngọc Diệp, một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Bình, nhận xét cảnh xếp hàng dài chờ rút tiền trước cây ATM thường xuyên xảy ra, nhất là khu vực tập trung nhiều công nhân.
“Các NH lúc nào cũng hứa sẽ không để xảy ra tình trạng ATM trục trặc vào dịp lễ, Tết nhưng chúng tôi vẫn khổ sở mỗi khi rút tiền. Điều này là rất khó chấp nhận” - chị Diệp bày tỏ.
Khách hàng rút tiền tại cây ATM trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Chống “vỡ trận” ATM
Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, NH Nhà nước đã hai lần có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM trong dịp Tết.
Trong đó nhấn mạnh các NH thương mại phải sẵn sàng nhân lực và tiền mặt để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời cho ATM, không để ATM ngừng hoạt động. Đặc biệt, tăng cường các máy ATM lưu động phục vụ tại các địa bàn xảy ra hiện tượng quá tải.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết từ ngày 5 đến 13-2 (từ ngày 20 đến 28 Tết âm lịch), NH Nhà nước Chi nhánh TP đã cùng đơn vị liên quan thành lập các đoàn kiểm tra tất cả máy ATM ở các tuyến đường chính có khu công nghiệp.
Qua đó để xử lý các sai phạm như máy ATM ngưng hoạt động quá 24 giờ mà không báo cáo, không sửa chữa; đơn vị nào để máy ATM hết tiền mà không tiếp quỹ kịp thời thì bị phạt.
Cũng theo ông Minh, NH Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp như không ép buộc các doanh nghiệp thưởng Tết bằng tiền mặt để tránh quá tải ATM vào dịp cuối năm.
“Chúng tôi cũng đề nghị một số NH thương mại tiếp quỹ kịp thời, lắp đặt thêm các cây ATM lưu động tại những nơi có đông công nhân” - ông Minh khẳng định.
Nhiều NH cũng cho biết đã lên phương án chống “vỡ trận” ATM vào ngày sát Tết. Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc NH Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), thừa nhận ATM quá tải phần lớn tập trung ở các khu công nghiệp do đông công nhân, trong khi doanh nghiệp lại chi trả lương, thưởng cho công nhân vào sát ngày nghỉ Tết.
“Để giảm tải cho việc xếp hàng chờ rút tiền trước cây ATM, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp như mang tiền mặt đến trực tiếp các khu công nghiệp có liên kết qua Vietcombank để chi lương, thưởng cho công nhân.
Nếu khu công nghiệp nào không có liên kết chi trả lương qua Vietcombank thì NH yêu cầu tiếp quỹ liên tục. Ví dụ, trước đây chỉ tiếp quỹ trên dưới 1 tỉ đồng/lần thì nay nâng lên mức 2 hoặc 2,5 tỉ đồng/lần” - ông Thắng dẫn chứng.
Cảnh giác với thiết bị lạ
Nhiều NH đã khuyến nghị khách hàng cần quan sát kỹ máy ATM trước khi thực hiện giao dịch, đặc biệt tại các vị trí như khe đọc thẻ, bàn phím, camera. Nếu nhận thấy máy ATM có các thiết bị lạ hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, khách ngừng giao dịch và thông báo ngay cho NH hoặc điểm giao dịch gần nhất.
Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng thẻ thanh toán, tín dụng hoặc các hình thức giao dịch điện tử thông qua Internet Banking, Mobile Banking cho các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ cũng như chuyển tiền để giảm thiểu việc phải rút tiền mặt.
Trong trường hợp cần phải rút tiền tại các máy ATM, khách hàng nên lựa chọn rút tiền tại các khu vực đặt nhiều máy ATM hoặc các máy ATM đặt tại trụ sở, phòng giao dịch của các NH bởi tại các máy ATM này việc tiếp quỹ sẽ được xử lý nhanh chóng hơn các vị trí khác, do không phải di chuyển nên tránh được những yếu tố khách quan do giao thông ngày Tết đưa lại.