Theo đó, các nhà khoa học đã tìm thấy một loài cá lạ, có thể sống ở độ sâu gần 8.000 mét ở rãnh nứt Mariana sâu nhất thế giới, nằm ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương.
National Geographic đưa tin ngày 28/11/2017, các nhà khoa học đã chính thức xác nhận loài cá ốc mới có tên gọi là Pseudoliparis swirei. Loài cá này được phát hiện ở độ sâu 7.966 mét dưới rãnh Mariana.
Cá ốc Pseudoliparis swirei. Ảnh: Mackenzie Gerringer
Cụ thể, cá ốc Pseudoliparis swirei trông khá dễ thương, có màu hơi hồng và cơ thể trong suốt đến mức có thể nhìn thấy gan của chúng ngay từ bên ngoài.
Trước đó, các nhà khoa học lần đầu phát hiện thấy chúng là vào năm 2014 và lần thứ hai là dưới rãnh Mariana vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên loài cá này được mô tả chi tiết.
Cá ốc có cơ thể trong suốt và mềm mại. Ảnh: Californiadiver
Loài cá dị thường: Chịu được áp lực nước tương đương 1.600 con voi đè lên
Tiến sĩ Mackenzie Gerringer, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Friday Harbor thuộc Đại học Washington (Mỹ), cho biết:
"Cá ốc có khả năng chịu được áp lực nước tương đương với 1.600 con voi đè lên. Ở độ sâu này, cá thường có hình dạng rất khác. Chúng không có vảy, không có răng lớn và không phát quang sinh học".
Loài cá này có thể chịu được áp lực nước rất lớn, tương đương với 1.600 con voi đè lên. Ảnh: Gizmodo
Do đó, loài cá sống ở rãnh đại dương sâu nhất có thể khác với hình dung của mọi người về những sinh vật thông thường dưới đáy biển. Chúng đã tiến hóa để chịu được áp lực nước khủng khiếp ở độ sâu tưởng chừng khó có loài sinh vật nào tồn tại được.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong hai loài cá ốc được phát hiện thấy trong những chuyến thám hiểm dưới rãnh Mariana. Theo đó, các nhà khoa học đã bắt được tới 37 con cá Pseudoliparis swirei và thực hiện ghi hình về một con đang bơi ở độ sâu 8.178 mét.
Phân tích DNA và quét 3D để phân tích cấu trúc xương và mô đã giúp các nhà nghiên cứu phát hiện loài cá mới ở rãnh Mariana. Ảnh: Adam Summers/University of Washi
Nhưng họ lại chưa bắt được một cá thể nào của loài còn lại mà chỉ quay được hình ảnh của chúng ở độ sâu tương đương. Loài cá này có một cơ thể tuyệt vời, trông chúng mềm mại đến nỗi các nhà khoa học so sánh với một miếng giấy lụa bị kéo đi dưới nước.
Việc phát hiện cá ốc Pseudoliparis swirei sống ở độ sâu 8.178 mét và có khả năng chịu được áp lực nước tương đương với trọng lượng của 1.600 con voi khiến các nhà khoa học cho rằng cá không thể sống được ở độ sâu vượt quá 8.200 mét.
Chỉ có chiều dài bằng 2 điếu thuốc lá, nhưng sinh vật nhỏ bé này có thể chịu được áp lực nước tương đương 1.600 con voi đè xuống. Ảnh: Mackenzie Gerringer
Đây là một vị trí giới hạn "không tưởng" dù điểm sâu nhất của rãnh Mariana (sâu nhất đại dương) là lên tới 11.000 mét.
Theo các nhà nghiên cứu chia sẻ, cá ốc Pseudoliparis swirei gần như chắc chắn là sinh vật đặc hữu của rãnh Mariana huyền bí với số lượng sinh trưởng ở đây khá nhiều.
Xem video về loài cá ốc Pseudoliparis swirei:
Cá ốc có thể sống được ở độ sâu "không tưởng" thuộc rãnh Mariana. Nguồn: Dailymail
Trứng của loài cá này rất lớn với chiều rộng tới gần 1 cm. Tiến sĩ Gerringer cho hay, việc tìm thấy hàng trăm con giáp xác nhỏ trong bụng đàn cá chứng tỏ rằng loài sinh vật này có nguồn thức ăn dồi dào dưới đáy biển.
Việc phát hiện thấy cá ốc phát triển và sinh trưởng được ở độ sâu "không tưởng" thuộc rãnh Mariana khiến các nhà khoa học thay đổi suy nghĩ về sức sống và khả năng sinh tồn tuyệt vời của loài này. Điều này sẽ giúp ích cho nhiều nghiên cứu đột phá trong tương lai.
Bài viết tham khảo các nguồn: Dailymail, Nationalgeographic