Phát hiện mỏ đất hiếm khủng, quốc gia này liệu có giúp châu Âu thoát ly Trung Quốc, thay đổi cuộc chơi?

Thiên Di |

Thuỵ Điển mới đây đã công bố một phát hiện lớn về nguyên liệu thô quan trọng cho công nghệ xanh. Vì châu Âu không thể tự sản xuất đất hiếm cho riêng mình, liệu tin tức này có phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi?

Công ty khai khoáng LKAB thuộc sở hữu nhà nước mới đây đã thông báo rằng họ tìm thấy mỏ đất hiếm hơn 1 triệu tấn ở Kiruna, miền bắc Thuỵ Điển.

Các nguyên tố đất hiếm còn được gọi là kim loại đất hiếm hoặc oxit đất hiếm. Chúng là tập hợp gồm 17 kim loại nặng có nhiều ứng dụng thương mại và công nghiệp. Đất hiếm có tầm quan trọng đặc biệt đối với quá trình chuyển đổi xanh, vì là thành phần cần thiết cho việc sản xuất turbine gió và xe điện.

Tuy nhiên, EU phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu đất hiếm.

CEO Jan Moström của LKAB cho biết rằng phát hiện này là tin tốt cho châu Âu và khí hậu thế giới. Nó có thể trở thành một yếu tố quan trọng để sản xuất nguyên liệu thô và kích hoạt quá trình chuyển đổi xanh.

Các chuyên gia cho biết kích thước thực của mỏ đất hiếm còn cần xác minh. Nhưng với ước tính 1 triệu tấn, đây sẽ là mỏ đất hiếm lớn nhất ở châu Âu.

Đây có phải là phát hiện bất ngờ?

Không hẳn như vậy. Trong nhiều thập kỷ qua, mỏ Per Geijer nằm ở khu vực Vòng Bắc Cực của Thuỵ Điển nổi tiếng là giàu khoảng sản đất hiếm. LKAB từng điều hành mỏ quặng sắt lớn nhất châu Âu và hoạt động thăm dò đất hiếm ở Kiruna của họ đã được công bố rộng rãi.

Phát hiện mỏ đất hiếm khủng, quốc gia này liệu có giúp châu Âu thoát ly Trung Quốc, thay đổi cuộc chơi? - Ảnh 1.

Mỏ đất hiếm hiếm như thế nào và ai đang sở hữu nhiều nhất?

Mặc dù có tên là đất hiếm, chúng có rất nhiều trên thế giới. Nhưng việc khai thác và tinh chế chúng cực kỳ phức tạp và tốn kém. Chúng có thể có hại cho môi trường.

Cho đến hiện tại, Trung Quốc là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, sau đó là Việt Nam, Brazil và Nga. Về mặt tinh chế và xử lý đất hiếm, Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn dầu.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nước này sở hữu hơn 60% tổng sản lượng đất hiếm tính đến tháng 1/2022, tiếp theo là Mỹ (16%) và Australia (8%).

Phát hiện mỏ đất hiếm khủng, quốc gia này liệu có giúp châu Âu thoát ly Trung Quốc, thay đổi cuộc chơi? - Ảnh 2.

Châu Âu có những rào cản pháp lý nghiêm ngặt đối với việc khai thác và sản xuất nguyên liệu thô. Hiện tại, châu Âu không khai thác đất thô. Vì thế, khu vực EU phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và các nước khác.

Việc phát hiện mỏ đất hiếm trữ lượng lớn có ý nghĩa gì với châu Âu?

Julie Klinger, giáo sư địa lý tại Đại học Delaware, cho biết: “Mỗi khi một mỏ đất hiếm mới được công bố thì lại có rất nhiều tuyên bố bất thường, vì vậy điều quan trọng là phải xem xét dữ liệu”.

"Nếu bạn nhìn lại các tiêu đề liên quan đến các mỏ đất hiếm ở Greenland, Triều Tiên, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, đáy đại dương, mặt trăng, tất cả đều được cho là lớn nhất hoặc một trong những mỏ lớn nhất", bà nói thêm. Giáo sư muốn nhấn mạnh đến việc xác minh khối lượng đất hiếm chính xác của các mỏ.

Tổng thư ký Nabeel Mancheri của Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm Toàn cầu cũng cho biết cần phải làm việc nhiều hơn để xác định chất lượng của mỏ.

Ông nói với DW: "Về mặt kinh tế, đây vẫn chưa được gọi là 'trữ lượng'. Bạn vẫn cần khoan, kiểm tra và bạn vẫn chưa có thông tin đầy đủ về chất lượng của loại quặng này".

Giáo sư Klinger cho biết phát hiện này có khả năng trở thành một nguồn thay thế cho nhu cầu đất hiếm của châu Âu, nhưng cho biết sẽ mất từ ​​10 đến 15 năm để phát triển mỏ.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Để LKAB khai thác được mỏ mới này, họ cần thúc đẩy EU thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề khai thác các nguyên liệu thô.

CEO của LKAB cho biết ông hy vọng các quy trình cấp phép khai thác nghiêm ngặt trong EU có thể được đẩy nhanh để công ty đưa nguyên liệu thành phẩm ra thị trường nhanh hơn. "Nếu chúng ta thực sự muốn theo đuổi quá trình chuyển đổi xanh, chúng ta phải tìm cách đẩy nhanh đáng kể quá trình này", ông Moström nói.

Ủy ban Châu Âu (EC) hiện đang nỗ lực giảm bớt các rào cản đối với việc khai thác và sản xuất các nguyên liệu thô quan trọng cho quá trình chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, ông Mancheri nói rằng việc thành lập một ngành công nghiệp khai thác vẫn chỉ là một nửa công việc. “Một khi bạn đã khai thác, bạn cũng cần thiết lập ngành công nghiệp sản xuất”, ông nói. Các quy trình tách và tinh chế đất hiếm rất phức tạp và tốn nhiều năng lượng.

Phát hiện mỏ đất hiếm khủng, quốc gia này liệu có giúp châu Âu thoát ly Trung Quốc, thay đổi cuộc chơi? - Ảnh 3.

Những khu vực khai thác nguyên liệu thô quan trọng.

Phải chăng đất hiếm chỉ được dùng cho quá trình chuyển đổi xanh?

Các chuyên gia cho rằng đây là câu hỏi quan trọng, vì đất hiếm cũng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Giáo sư Klinger cho biết: “Mặc dù hầu hết các thông cáo báo chí đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tố đất hiếm đối với công nghệ năng lượng tái tạo, nhưng các nguyên tố đất hiếm cũng rất quan trọng đối với quá trình lọc dầu và cực kỳ quan trọng đối với các ứng dụng công nghiệp quân sự”.

Bà nói rằng nếu các công ty khai thác như LKAB yêu cầu đẩy nhanh quá trình cấp phép cho họ với danh nghĩa chống biến đổi khí hậu, thì EU phải có các quy tắc ngăn chặn đầu ra chuyển sang các lĩnh vực kém xanh.

Theo DW

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại