Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cùng tham dự một loạt các hoạt động tổ chức tại thủ đô Paris trong ngày 22/01 nhằm kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Elysées năm 1963, cột mốc đánh dấu mối quan hệ hữu nghị mới giữa hai quốc gia Pháp và Đức vốn thù địch trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Cuộc họp hội đồng bộ trưởng Pháp-Đức tại Paris ngày 22/1. Ảnh: Le Monde
Tại các cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức cũng như tại các lễ kỷ niệm, hai nguyên thủ Pháp và Đức đều lên tiếng ca ngợi mối quan hệ Pháp-Đức như là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tiến trình nhất thể hoá của Liên minh châu Âu và là trụ cột cho các chính sách kinh tế-chính trị của khối suốt nhiều thập kỷ qua. Hai bên cũng cố gắng khép lại các bất đồng trong thời gian qua khi thông báo một loạt các dự định hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng nhằm gia tăng sự tự chủ chiến lược của Liên minh châu Âu.
Cụ thể, Pháp và Đức sẽ xây dựng các chiến lược chung, gần gũi hơn về năng lượng hydrogen xanh, đồng thời mở rộng quy mô dự án đường ống dẫn khí H2-Med nối Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha với Pháp và sẽ kéo dài sang Trung Âu, với Đức là điểm đến trọng tâm. Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều khẳng định, hai nước Pháp-Đức có chung một mục tiêu, đó là xây dựng một Liên minh châu Âu có chủ quyền mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn và kiểm soát tốt hơn vận mệnh của mình.
Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đang bước vào giai đoạn mới khốc liệt hơn, nguyên thủ hai nước cũng đã phải dành rất nhiều thời gian để trả lời các thắc mắc của truyền thông về việc cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine, đặc biệt là xe tăng chiến đấu chủ lực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp không loại trừ bất cứ khả năng nào nhưng bất cứ hành động nào cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện mà Pháp đặt ra: "Liên quan đến việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc của Pháp cho Ukraine, tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Quân đội nghiên cứu khả năng này và không loại trừ bất cứ điều gì. Tuy nhiên, việc này cần phải được thực hiện một cách tập thể, với 3 tiêu chí: đầu tiên, như chúng tôi luôn xác định từ đầu, đó là việc này không khiến xung đột leo thang, thứ hai là cần phải có hiệu quả thực sự với quân đội Ukraine và do đó chúng tôi cũng cần phải cân nhắc thực tế về khả năng duy trì tình trạng tác chiến cũng như việc bảo dưỡng các khí tài này”.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tiếp tục khẳng định Đức không cản trở việc gửi xe tăng Leopard II do Đức sản xuất đến Ukraine nhưng Đức cần các hành động tập thể và sẽ phối hợp cùng các đồng minh trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong những ngày qua, chính phủ Đức đang chịu sức ép lớn từ các nước đồng minh NATO trong việc bật đèn xanh cho việc cung cấp xe tăng Leopard II cho Ukraine. Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock trong ngày 22/01 cũng gây bất ngờ khi tuyên bố trên đài phát thanh Pháp rằng Đức cho phép các nước sở hữu xe tăng Leopard II do Đức sản xuất được gửi loại khí tài này cho Ukraine./.