Về tranh chấp tài sản chung, HĐXX đã tuyên buộc chị T. phải chia lại cho anh T. 4,5 chỉ vàng 24k.
Trước đó, tại phiên tòa, anh T. trình bày: Qua mai mối, anh và chị T. đã được gia đình hai bên tổ chức đám cưới từ giữa tháng 8-2015. Sau đám cưới thì chị T. về sống chung với gia đình anh.
Tuy nhiên, chỉ 12 ngày sau, giữa hai vợ chồng đã phát sinh mâu thuẫn nên chị T. bỏ về nhà cha mẹ ruột. Do thời gian hai bên sống chung ngắn nên họ chưa đi đăng ký kết hôn theo quy định.
Anh T. cũng trình bày lý do anh nộp đơn ra tòa xin ly hôn là do bất đồng quan điểm trong cuộc sống, chị T. không quan tâm đến anh, không cho anh “quan hệ vợ chồng” và chị T. tự ý bỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống cho đến nay.
Ngược lại, chị T. bảo rằng ngay trong đêm tân hôn, anh T. đã “không phải là một chú rể thật sự”. Sau ngày cưới, anh quá lạnh nhạt, bỏ mặc vợ mới cưới, không quan tâm, chỉ thích chơi thâu đêm với người cùng phái...
Trước lời khai của hai bên, HĐXX đã hỏi: “Hai anh chị trình bày như vậy thì có chứng cứ nào chứng minh hay không?”. Cả hai anh chị đều nói là “không”.
Sau đó, HĐXX đã giải thích cho hai anh chị hiểu là do họ không có đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nên tòa không công nhận họ là vợ chồng.
Quy định liên quan
Theo Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Theo Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.