Ngày 1-3, một cán bộ tiếp dân TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết tòa đã thụ lý hồ sơ vụ án thảm sát tại Bình Phước từ tháng 1 nhưng chưa có lịch xét xử.
Luật sư Phạm Quốc Hưng cho biết tối đa ba tháng kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan tòa án sẽ đưa ra xét xử.
Ở phiên xử phúc thẩm, sau khi có bản án phúc thẩm của TAND cấp cao thì bị cáo Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long, có mức án 16 năm tù) và luật sư bào chữa vẫn có quyền kiến nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Theo nguyên tắc thì bản án phúc thẩm đối với Thoại sẽ bằng hoặc giảm so với bản án cấp sơ thẩm nhưng ở đây gia đình bị hại kháng cáo nâng mức hình phạt của Thoại lên nên có khả năng bản án phúc thẩm sẽ cao hơn bản án sơ thẩm.
Riêng hai án tử hình của Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) nếu án phúc thẩm y án sơ thẩm thì đương nhiên sẽ có Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Nếu Hội đồng thẩm phán xem xét giám đốc thẩm đúng rồi thì các bị cáo có quyền xin Chủ tịch nước ân giảm. Nếu Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm thì khi đó mới thi hành án tử hình đối với hai bị cáo Dương, Tiến.
Theo Luật sư Hưng, thông thường Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba thẩm phán, với những vụ án nghiêm trọng có thể có 3 hội thẩm.
Được biết, sau khi TAND tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm, Nguyễn Hải Dương không kháng cáo và không viết đơn xin ân giảm nhưng hiện nay bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Nguyên do, bị cáo Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm và đại diện gia đình bị hại cũng có đơn kháng cáo.
Đại diện gia đình bị hại kháng cáo yêu cầu tăng mức án đối với bị cáo Thoại và xem xét hành vi phạm tội của bà Trần Thị Trinh- dì ruột của Dương- đã cho Dương mượn xe máy đi gây án.
Trước đó, ngày 17-12, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt tử hình Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại có mức án 16 năm tù. Cả ba bị cáo cùng phạm 2 tội danh là "Giết người" và "Cướp tài sản".