Nữ công nhân bị đâm kim tiêm: Kẻ biến thái làm trò?

Lâm Phương - Nguyễn Thanh |

Lúc biết mình bị đâm kim tiêm những nữ công nhân hốt hoảng vì sợ kim dính máu nhiễm HIV và có thể bị lây nhưng sau khi được bác sĩ tư vấn đã yên tâm hơn.

Biến thái từng "tác oai tác quái"

Sáng ngày 12/12, những công nhân đi làm trên đường Vành Đai trong khu công nghệ cao thuộc phường Tân Phú, quận 9 (TP.HCM) vẫn bàn tán xôn xao về việc 9 đồng nghiệp bị kẻ lạ mặt đâm kim tiêm vào người.

Do đã được khuyến cáo nên những công nhân đi thành từng tốp chứ không đi đơn lẻ như trước đó.

Căn phòng nhỏ nằm trong xóm trọ công nhân, chị Trần Thu T. (23 tuổi, Kiên Giang) là một trong nhưng nạn nhân bị kẻ lạ mặt đâm kim tiêm vào người vẫn chưa hết bàng hoàng.

Chị T. cho biết, khoảng 7h ngày 7/12, chị cùng 2 người bạn đi trên đường Vành Đai trong khu công nghệ cao để đến công ty Nidec Sankyo làm việc. Cả 3 người vừa đi vừa nói chuyện, đùa nhau.

Khi 2 người bạn đang đi phía trong còn chị T. đi phía ngoài thì bất ngờ có một thanh niên đi xe Wave màu đỏ chạy từ phía sau tới động vào tay. Chị T. cảm thấy đau nhói nhưng cứ nghĩ thanh niên này đi đường vô tình quyệt vào.

Khi đến công ty chị kể lại cho vài người bạn nghe thì được biết đã có đồng nghiệp bị đâm kim tiêm vào tay, ngực. Sau đó chị T. tự kiểm tra thì thấy có dấu vết của kim tiêm gây chảy máu.


Đường Vành Đai trong khu công nghệ cao thuộc phường Tân Phú, quận 9 nơi xảy ra vụ việc nhiều nữ công nhân bị kẻ lạ mặt đâm kim tiêm vào người.

Đường Vành Đai trong khu công nghệ cao thuộc phường Tân Phú, quận 9 nơi xảy ra vụ việc nhiều nữ công nhân bị kẻ lạ mặt đâm kim tiêm vào người.

“Hết giờ làm tôi báo cáo sự việc sự việc lên công ty và được đưa đi Bệnh viện Nhiệt đới khám, cấp thuốc”, chị T. cho biết thêm.

Mặt lo âu, tay cầm xấp giấy tờ kết quả khám, xét nghiệm của bệnh viện trên tay, mặt nữ công nhân nhăn nhó miệng lẩm bẩm:

“Không biết có sao không? Được các bác sĩ tại bệnh viện tư vấn khi đã uống thuốc thì dù kim tiêm đó có nhiễm vi rút HIV thì mình cũng không bị lây nhiễm nên tạm an tâm.

Chứ lúc đầu sợ lắm, biết mình bị đâm kim tiêm ai cũng hốt hoảng vì sợ kim dính máu nhiễm HIV và có thể bị lây".

Hiện chị T. cùng 8 nữ công nhân khác được công ty cho nghỉ 20 ngày để uống thuốc phơi nhiễm và ổn định tâm lý.

Bà Võ Thị Thu Hà - Chủ tịch phường Tân Phú, quận 9 nhận định, không loại trừ khả năng đây là kẻ bệnh hoạn làm trò vì thực tế đã có nhiều vụ việc như rạch mông, rạch tay xảy ra ở một số nơi.

Cũng theo bà Hà thì trên địa bàn phường có 33.000 dân thì người nơi khác tạm trú chiếm gần 70%. Tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là khu vực tiếp giáp với Khu công nghệ cao khá phức tạp.

Địa phương vẫn đang phối hợp với công an tiến hành điều tra, truy bắt thanh niên lạ mặt này. Công an hiện chưa cung cấp thông tin gì về vụ việc này.

Tỷ lệ phơi nhiễm sau khi điều trị, dùng thuốc chưa tới 0,5%

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ – bác sĩ Cao Xuân Minh (Đề nghị không nêu nơi công tác) cho biết, hiện nay hệ thống y tế dự phòng phổ biến rộng rãi nên ngay khi bị kẻ xấu đâm kim tiêm, người bị nạn nên tới bác sĩ để được xử lí, chăm sóc và điều trị.


Có công ty đã treo biển cảnh báo công nhân không tụ tập để đề phòng kẻ lại mặt đâm kim tiêm vào cơ thể

Có công ty đã treo biển cảnh báo công nhân không tụ tập để đề phòng kẻ lại mặt đâm kim tiêm vào cơ thể

Vì virus HIV vẫn chưa có thuốc đặc trị nên khiến những nữ nạn nhân lo lắng. Thực tế là đến nay, với sự tiến bộ của y học, nếu bệnh nhân đến cơ sở y tế trước 24 giờ thì tỉ lệ an toàn rất cao.

Sau khi tiến hành khám, xét nghiệm... bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị, cung cấp thuốc chống phơi nhiễm. Trương hợp của những nữ công nhân này không nên quá lo lắng dẫn tới căng thẳng, hoặc phản ứng tiêu cực tới sức khoẻ bản thân

Còn theo một thạc sĩ y khoa, chuyên gia xét nghiệm (đề nghị không nêu tên) phân tích, khi chảy ra khỏi cơ thể, máu người sẽ rất dễ đông.

Các loại thuốc chống đông máu rất đắt tiền, chỉ có các bệnh viện mới mua được. Như vậy, kẻ xấu rút máu vào kim tiêm rồi chạy đi tìm người đâm sẽ khó đưa lượng máu lỏng vào cơ thể nạn nhân.

Hơn nữa, khi tiếp xúc với không khí, virus HIV dễ bị suy yếu, mất khả năng lây nhiễm. Để lây, phải có lượng virus nhiều và phải trực tiếp. Tôi khuyên những nữ công nhân bớt lo lắng khi đã được bác sĩ chăm sóc, điều trị.

Khi mới bị đâm kim tiêm thì chỉ mới là giai đoạn cửa sổ nên các xét nghiệm sẽ không kết quả gì. Sáu tháng sau, kể từ ngày uống thuốc chống phơi nhiễm, bệnh nhân được xét nghiệm nhiều lần để chắc chắc an toàn.

Theo y văn thế giới, đến nay, tỉ lệ phơi nhiễm sau khi điều trị, dùng thuốc chưa tới 0,5%

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại