10 năm tù oan bồi thường chưa đến 1 tỷ

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Theo phân tích của luật sư, ông Nguyễn Thanh Chấn có thể được bồi thường 707,4 triệu (chưa đến 1 tỷ đồng)… và Chung có thể bị kết án 12 năm tù.

>> Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM

Những ngày vừa qua, dư luận cả nước hết sức xôn xao trước vụ án cách đây 10 năm trong đó ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở Việt Yên, Bắc Giang) bị kết án tù chung thân nhưng sau khi ông Chấn thụ án 10 năm tù, mới đây hung thủ thực sự của vụ án đã ra đầu thú. 

Hiện tại, ông Chấn đã được trở về đoàn tụ với gia đình, tuy nhiên, những mất mát, đau thương trong 10 năm tù oan sẽ được đền bù, phục hồi quyền công dân như thế nào? Cơ quan nào chịu trách nhiệm bồ thường cho ông Chấn? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) để làm rõ hơn về vấn đề này.

LS, ThS Phạm Thanh Bình - GIám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc
LS, ThS Phạm Thanh Bình - GIám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc

PV: Được biết biết Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xét xử theo thủ tục tái thẩm vào ngày 6/11. Tại sao vụ án được xét xử lại theo thủ tục tái thẩm mà không phải là thủ tục giám đốc thẩm, thưa Luật sư?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Giám đốc thẩm, tái thẩm là các thủ tục xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị dựa trên những căn cứ do pháp luật quy định.

Theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành thì bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án. Còn bản án, quyết định bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Trong vụ án này, việc đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan và đây được coi là “tình tiết mới”, là căn cứ để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) kháng nghị tái thẩm bản án và TANDTC xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm.

Tuy nhiên, cá nhân tôi thì cho rằng không thể coi việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan là tình tiết mới vì chỉ những tình tiết mới xuất hiện hoàn toàn thuộc về khách quan mà “Tòa án không biết được khi ra bản án” mới được coi là căn cứ để kháng nghị và xét xử tái thẩm. 

Trong vụ án này, theo những thông tin được công bố thì ngay trong quá trình điều tra và xét xử đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Chấn bị ép cung, có lúc nhận tội, lúc lại phản cung, nhiều chứng cứ của vụ án không phù hợp với lời khai “nhận tội” của ông Chấn…nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ qua những dấu hiệu bất thường ày, vẫn ra bản án kết tội ông Chấn. 

Như vậy, việc xét xử có dấu hiệu “vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án” (Điều 272 BLTTHS), hay nói cách khác là “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án” (khoản 2 Điều 273 BLTTHS). Vì vậy, đúng ra vụ án này phải kháng nghị và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, nếu xét xử tái thẩm thì rõ ràng, không thể quy kết trách nhiệm của một số người tiến hành tố tụng trong vụ án này khi làm oan, sai cho ông Chấn.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (Ảnh: Tuấn Nam)
Ông Nguyễn Thanh Chấn (Ảnh: Tuấn Nam)

PV: Mặc dù, ông Nguyễn Thanh Chấn đã được đoàn tụ với gia đình nhưng ông đã phải chịu tù oan 10 năm qua. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ông Chấn sẽ được bồi thường như thế nào? Cơ quan nào có trách nhiệm bồi thường? Ông Chấn cần tiến hành những thủ tục gì để được bồi thường, thưa ông?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước hiện hành thì sau khi có quyết định tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC xác định ông Nguyễn Thanh Chấn không thực hiện hành vi phạm tội thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chấn (khoản 3 Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước).

Cũng theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì ông Chấn có thể được bồi thường các thiệt hại như sau:

Thứ nhất là thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút: Nếu ông Chấn xác định được thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất trong 10 năm thì Nhà nước sẽ đền bù tương ứng với số tiền mà ông bị mất. Nếu ông Chấn có thu nhập thường xuyên nhưng không ổn định thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. 

Nếu ông Chấn có thu nhập không ổn định và không có cơ sở xác định cụ thể hoặc thu nhập có tính chất thời vụ thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương. Trường hợp không xác định được thu nhập trung bình thì tiền bồi thường được xác định theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường (sau đây gọi chung là lương tối thiểu). Ứng với lương tối thiểu năm 2013, thì khoản tiền ông Chấn được bồi thường sẽ là: (1,150,000*12) x 10= 138 triệu đồng.

Thứ hai là thiệt hại do tổn thất về tinh thần: Ông Chấn đã chấp hành hình phạt tù được 10 năm nên Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho ông ba ngày lương tối thiểu cho một ngày chấp hành hình phạt tù. Theo công thức này, có thể tính số tiền ông Chấn được bồi thường như sau: (1,150,000 đồng : 22 ngày x 3) x 3650 ngày = 569.400.000 đồng. Đây mới chỉ là con số tạm tính một cách thuần túy vì trên thực tế, căn cứ vào các tình tiết cụ thể khác thì số tiền này có thể còn thay đổi.

Ngoài việc được bồi thường thiệt hại về mặt vật chất, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải áp dụng các biện pháp khôi phục danh dự cho ông Chấn. Cụ thể là ông Chấn có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý vụ việc phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai bằng các hình thức: trực tiếp (tại địa phương nơi ông Chấn cư trú) và đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của ông Chấn.

PV: Thưa ông, nếu ông Chấn được tuyên vô tội thì cơ quan nào sẽ có trách nhiệm bồi thường ông này?

Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Vụ án này đã được TANDTC xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Chấn bị tuyên án phạm tội giết người với mức án tù chung thân. 

Do đó, nếu Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử lại vụ án theo thủ tục tái thẩm và chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ra quyết định hủy bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì ông Nguyễn Thanh Chấn không thực hiện hành vi phạm tội thì Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội – Toà án đã xét xử phúc thẩm vụ án - là cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chấn theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Sau khi nhận được quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn không thực hiện hành vi phạm tội, ông Chấn cần làm đơn yêu cầu bồi thường gửi đến Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án để được giải quyết. Đơn yêu cầu bồi thường phải có các nội dung chính: a) Họ và tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường thiệt hại; b) Lý do yêu cầu bồi thường; c) Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường. Kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử tái thẩm và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.

Lý Nguyên Chung - hung thủ của vụ án đã ra đầu thú (Ảnh: vietnamnet.vn)

Lý Nguyễn Chung - hung thủ của vụ án đã ra đầu thú (Ảnh: vietnamnet)

PV: Theo thông tin từ cơ quan điều tra, hung thủ thực sự của vụ án này là Lý Nguyễn Chung gây án khi chưa đủ 16 tuổi (14 năm 8 tháng tuổi). Tuy nhiên, đến nay hung thủ đã 26 tuổi. Xin Luật sư cho biết, hung thủ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào trong vụ án này?

LS, Ths Phạm Thanh Bình: Theo quy định của BLHS thì “Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”. Điều này có nghĩa là thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội là căn cứ để áp dụng điều luật tương ứng nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó. Do vậy, mặc dù hiện nay Lý Nguyễn Chung đã 26 tuổi nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải áp dụng các quy định về người chưa thành niên phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử đối với hành vi phạm tội của Chung.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 74 BLHS 1999 thì: “Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; ...” và “Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi, thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ luật này” (Điều 75 BLHS 1999).

Hiện nay, được biết Lý Nguyễn Chung đã bị khởi tố với tội danh “giết người” và “cướp tài sản”. Mức hình phạt cao nhất đối với các tội danh này là tử hình. Do đó, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng đối với Lý Nguyễn Chung cũng chỉ đến 12 năm tù.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại