Kỳ 8: “Đầu lĩnh” băng “người nhái” khét tiếng chỉ mong khi chết được chôn cùng cây đàn ghi-ta

Nhã Phương |

Đã gác lại mọi ân oán trả vay trong giới giang hồ, Nguyễn Văn Đáng, biệt danh Đáng “đao”- “ đầu lĩnh” băng nhóm “người nhái” nhờ tài phi đao bách phát bách trúng vẫn không có được những ngày cuối đời thanh thản trong nghèo khổ, túng thiếu.

Kỳ 1 : Hoàng “lựu đạn” đẩy “nợ đời” cho 2 bà vợ và 5 người con

Kỳ 2: Theo cha, “thái tử” của trùm giang hồ lĩnh hậu quả

Kỳ 3: Nỗi lòng của lão nông không ngăn được con trai kiếm sống bằng đao búa

Kỳ 4: Dũng “chim xanh” trùm giang hồ khiến cha uất ức đến chết

Kỳ 5: Bi kịch những phận đời gắn bó với tướng cướp xuất quỷ nhập thần Dũng “chim xanh”

Kỳ 6: Lưới tình oan trái của người đàn bà gắn thân phận với trùm vay nặng lãi vùng "tam giá"

Kỳ 7: Người phụ nữ trong mơ của đại ca giang hồ từng “xẻo tai” đối thủ

Băng đảng khét tiếng

Tồn tại cùng thời với Đại Cathay nhưng băng “người nhái” do Châu Nhị cầm đầu cũng không hề kém cạnh về thế lực.

Dưới trướng Nhị chỉ có 30 thành viên, song đều là những lính tinh nhuệ nhất trong liên đoàn người nhái được ngụy quyền Sài Gòn (cũ) đưa sang Mỹ huấn luyện.

Băng nhóm khét tiếng một thời giờ chỉ còn sót lại ông Nguyễn Văn Đáng, biệt danh Đáng “đao” nhờ tài phi đao bách phát bách trúng.

Ông Đáng “đao” kể lại: “Phương “nhái” và Đáng “đao” là hai phó tướng thân cận nhất của Châu Nhị trong băng đảng.

“Ông trùm” giao cho Đáng “đao” toàn quyền phụ trách hoạt động đâm thuê chém mướn, bảo kê thu “thuế”, tổ chức sòng bài, chích hút và điều hành gái mại dâm trong lãnh địa.

Trong khi đó, Phương “nhái” nhận nhiệm vụ thanh trừng những chính khách, sĩ quan Ngụy theo mệnh lệnh của tướng Kỳ. Sự phân chia này là tối mật, chỉ duy nhất Đáng “đao”, Phương “nhái” và Châu Nhị ngầm biết với nhau.

Toàn bộ các vụ ám sát trong cuộc đấu chính trị của ông Kỳ đều do Châu Nhị và Phương “nhái” tự ra tay đạo diễn. Thỉnh thoảng, Châu Nhị mới mang theo Tầm “nhái” và Trọng “bác sĩ” (hai thành viên khác trong băng – PV) đi hỗ trợ.

Giai đoạn “tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng của Ngụy quyền Sài Gòn cũng chính là những năm tháng băng người nhái “xưng hùng xưng bá”, lật đổ cả Đại Cathay. Người tạo ra “đế chế” của người nhái chính là tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Nhưng sau này, chính ông Kỳ lại một tay làm cho băng đảng khét tiếng này bị tiêu diệt. Ngoài Đáng “đao”, các thành viên khác trong băng người nhái đều bị truy sát, chết một cách mờ ám.

Đáng “đao” kể, trong thời gian đầu quân, ông không tham gia vào các phi vụ ám sát của tướng Kỳ. Có lẽ nhờ vậy mà khi băng đảng bị thanh trừng, Đáng “đao” là người duy nhất thoát khỏi đại nạn.

Đáng “đao” trầm giọng khi nhắc tới số phận bi thảm của đám đàn em: “Tôi gia nhập băng người nhái rồi trở thành phó tướng trong một thời gian ngắn.

Nhiều lần, Châu Nhị định đưa tôi vào kế hoạch thực hiện các phi vụ ám sát theo lệnh của tướng Kỳ. Nhưng biết chuyện, Phương “nhái” đã can ngăn, gạt tôi ra khỏi kế hoạch”.

Băng người nhái xuất hiện và bị tiêu diệt chỉ trong một thời gian rất ngắn. Bởi thế, những thông tin về băng đảng một thời khét tiếng này hầu như không ai nắm được (trừ Đáng “đao”).

Vị “đầu lĩnh” cho rằng: “Hồ sơ về 30 thành viên trong băng người nhái có thể đã bị chính quyền Sài Gòn (cũ) tiêu hủy. Điều này cũng nhằm mục đích xóa dấu vết khi các “ông lớn” nhận thấy băng nhóm dưới quyền không còn hữu dụng nữa nên thanh trừng.

Cho đến giờ, tôi cũng không biết thông tin về nhân thân các thành viên còn lại trong băng. Nghe đâu, một số người cũng bị Ngụy quyền Sài Gòn ám sát để bịt đầu mối. Một số người khác thì lo lót để chạy sang Mỹ hoặc phải trốn chui lủi để tránh sự truy bắt gắt gao”.

Ông Nguyễn Văn Đáng bên người vợ già mù lòa.     Ảnh: N.Phương

“Vợ đã mua mạng sống này cho tôi”

Sau khi Châu Nhị chết, Phương “nhái” đoán trước sẽ có điều chẳng lành xảy ra nên đã nhắn anh rể đưa hết thân nhân chạy trốn.

Đáng “ đao” vừa đi khỏi Sài Gòn thì toàn bộ thành viên trong băng đảng, kể cả Phương “nhái” đã bị băng nhảy dù của Tổng thống Thiệu bắt và giết chết. Bản thân Đáng “đao” cũng bị những tên cận vệ này truy lùng tận diệt.

Lúc đó, hàng trăm tên do thám đã tìm về huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai để dò la tin tức vị phó tướng của băng người nhái. Lo sợ người thân bị liên lụy, Đáng “đao” đã sơ tán cả gia đình đi nơi khác, còn mình thì trốn về TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Sống trong cảnh chui lủi, Đáng “đao” bị đẩy đến đường cùng. Sau nhiều đêm suy tính, Đáng “đao” liều mua giấy khai sinh giả rồi đầu quân vào đơn vị lính nhảy dù. Ông cho rằng, chỉ có làm như vậy thì kẻ thù mới không tìm ra được tung tích.

Sau sự kiện Tết Mậu Thân (1968), ngụy quyền bị tổn hao quân lực nên Đáng “đao” mới đang tập nhảy “chùm cu” (trèo lên cao nhảy xuống) cũng bị điều động ra mặt trận Quãng Ngãi.

Trước ngày ra chiến trường, Đáng “đao” cố tình xin nghỉ phép 3 ngày để lấy cơ hội đào ngũ. Đáng “đao” bảo thà làm du đãng còn hơn làm lính, tay sai cho Ngụy quyền và chĩa họng súng vào quân giải phóng.

Khi ấy, dù Đáng “đao” không còn bị những phần tử trong băng nhảy dù truy lùng nhưng ông vẫn phải sống chui lủi với tội danh mới là “lính đào ngũ”. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó, ông lại tìm được người con gái tên Mọn sau gần 10 năm xa cách.

Đáng “đao” nhớ lại, khi trốn về huyện Cẩm Mỹ, ông ngược lên Hố Nai (Biên Hòa) nương nhờ trong nhà một người quen. Thời gian sau đó, ông vào làm thợ máy cưa cho một người trong tỉnh. Sau này ông mới biết, ông chủ xưởng chính là chú ruột của Mọn.

Ngày đầu tiên vào xưởng làm, Đáng “đao” gặp lại người xưa. Trái tim chai sạn của gã du đãng như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đáng nghẹn ngào, lao tới ôm chầm cô quản lý bé nhỏ, khiến ai nấy đều ngạc nhiên.

Mọn cũng rưng rưng, xiết chặt vòng tay ôm lấy người tình. Nhưng sau đó, cô bất ngờ đẩy Đáng ra, lau vội giọt nước mắt rồi bỏ đi. Bởi cô trách giận Đáng đã không giữ lời hẹn ước ở vườn cao su ông Quế ngày nào.

Để chứng minh tình cảm chân thành của mình, Đáng đã tự chặt cụt một ngón tay út. Từ đó, mọi khúc mắc được xóa bỏ, hai người nên nghĩa vợ chồng. Nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo lúc ấy, Đáng không thể tổ chức một đám cưới theo đúng nghĩa.

Ban ngày, hai vợ chồng ông đi làm trong xưởng. Nhờ người chú đỡ đầu, Đáng “đao” không bị quân cảnh bắt. Tại mái nhà tranh của hai vợ chồng, bà Mọn lại đào một cái hầm ở dưới góc bếp. Mỗi lần quân cảnh bắt lính, ông lại trốn xuống hầm.

Ông Đáng kể: “Có đêm, bọn quân cảnh ập vào nhà tôi 2, 3 lần. Vợ tôi lo lắng bảo: “Lần này mình may mắn thoát được nhưng còn lần sau nữa. Em sợ trốn dưới hầm không phải là cách lâu dài, kiểu gì cũng có ngày chúng nó bắt được mình”.

Sau đó, bà ấy vay mượn 3 cây vàng rồi nhờ người làm căn cước giả và khai man tuổi quân dịch nên bọn ngụy quyền đã không bắt được tôi”. Với Đáng “đao”, chính người vợ hiền đã mua mạng sống cho ông.

Nhọc nhằn đi hát rong nuôi vợ

Đã có không ít bóng hồng đi qua cuộc đời của Đáng “đao” nhưng người ông yêu thương và mang ơn nhiều nhất chính là bà Mọn. Vì vậy sau ngày đất nước giải phóng, Đáng “đao” nhất quyết “rửa tay gác kiếm”, chọn cuộc sống yên bình bên người vợ hiền.

Đáng “đao” kể: “Sau khi đoạn tuyệt với con đường giang hồ, tôi lại quay về xin làm công nhân ở nông trường cao su ông Quế”. Rồi lần lượt, ba đứa con ra đời. Cuối cùng, vị đầu lĩnh một thời ngang dọc đã có một mái ấm.

Trải qua những phong ba bão táp, những ân oán vay trả trong giới giang hồ, tưởng chừng sẽ có những ngày cuối đời thanh thản. Nhưng quá trình thực hiện loạt bài viết này, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến tình cảnh của ông.

Đáng “đao” tâm sự: “Năm 1986, tôi chuẩn bị nghỉ hưu thì con trai út bị bắt đi tù hơn 1 năm vì tội “Đánh người gây thương tích”. Cũng trong thời gian đó, bà Mọn vì thương con nên khóc đến nỗi bị mù mắt trái.

Không có tiền điều trị, hai năm sau, mắt phải bà ấy cũng không thấy đường”. Cuộc sống gia đình vốn đã nghèo khổ nay lại càng thêm túng quẫn. Các con ông cũng đã có gia đình riêng, mỗi người phiêu bạt một phương để lập nghiệp nên ít có điều kiện về thăm nhà.

Thương cha mẹ già yếu, bệnh tật nhưng vì cuộc sống khó khăn, các con ông cũng chẳng đỡ đần được gì nhiều. Từng một thời “hô mưa gọi gió”, xưng hùng xưng bá trong chốn giang hồ nhưng giờ đây, ông phải lấy nghề hát rong để kiếm tiền nuôi vợ già bệnh tật.

Nhờ ngón đàn ghi-ta học lỏm, mỗi ngày Đáng “đao” cũng kiếm được chút bạc lẻ, đủ cho hai vợ chồng rau cháo qua ngày.

“Cả đời tôi ân hận nhất là quãng thời gian làm giang hồ, gây nên bao tội ác. Nếu tôi biết tu chí thì giờ đây, cuộc đời tôi chắc đã rẽ sang một hướng khác tốt đẹp hơn.

“Gieo nhân nào thì gặt quả ấy”, khi đã đi gần hết cuộc đời, vị “đầu lĩnh” của băng người nhái mới nhận ra triết lý sống cho mình.

Muốn được chôn cùng với cây đàn khi chết

Vị “đầu lĩnh” tâm sự: “Mơ ước của bà Mọn là khi chết có một cái áo quan thật tốt. Tôi đã hứa nếu bà chết trước thì bằng giá nào tôi cũng thực hiện nguyện vọng này. Còn nếu tôi đi trước thì chỉ cần chôn tôi cùng với cây đàn ghi - ta là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại