Kỳ 3: Nỗi lòng của lão nông không ngăn được con trai kiếm sống bằng đao búa

Hồng Châu |

Bước chân vào giang hồ, Hiếu “xìpo” còn lôi kéo cả em trai trở thành cánh tay đắc lực. Không những thế, Hiếu còn dung túng đứa con trai duy nhất trở thành côn đồ, coi trời bằng vung để rồi sau đó tất cả họ đều vướng vòng lao lý.

Kỳ 1: Hoàng “lựu đạn” đẩy “nợ đời” cho 2 bà vợ và 5 người con

Kỳ 2: Theo cha, “thái tử” của trùm giang hồ lĩnh hậu quả

Ngày Hiếu “xìpo” bị bắt, nhiều người thân trong gia đình vô cùng sửng sốt. Trong mắt họ, Hiếu lâu nay vẫn là gã chăn vịt biết làm ăn chứ không phải kẻ tội phạm “máu lạnh” sống trên mồ hôi, xương máu của người khác. 

Nỗi đau của người cha

Sau khi chứng kiến lần lượt con trai và cháu trai vướng vòng lao lý, ông Võ Văn Dừa, SN 1938, cha của Hiếu “xì-po”, không còn biết hi vọng vào điều gì nữa.

Từ trước tới nay, hai đứa con ông vẫn được tiếng hiền lành, không làm mất lòng bất kỳ ai trong ấp nghèo An Thái. Chỉ tới khi Hiếu tra tay vào còng thì người dân nơi đây mới hiểu ra mọi chuyện. Người cha già ấy chỉ biết rơi những dòng lệ đắng cay...

Trở về ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cuộc sống yên bình đã trở lại sau những ngày tháng dậy sóng bởi băng nhóm của Hiếu “xì-po” tác oai, tác quái.

Mỗi khi nhắc tới hắn, mọi người đều lắc đầu ngao ngán và chưa vơi sợ hãi. Biết bao gia đình đã tan cửa nát nhà, thân mang thương tật, thậm chí còn phải bỏ xứ mà đi chỉ vì đắc tội với anh hai (Hiếu).

Tìm tới căn nhà nhỏ đã chứng kiến “ông trùm” Hiếu lớn lên từng ngày, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một ông lão đang cặm cụi phân loại từng quả sơ ri đợi thương lái tới mua. Thấy người lạ hỏi thăm, ông lão tỏ ra ngại ngần, không muốn gặp.

Sau khi xắn tay giúp ông phân loại hết bao tải sơ ri, chúng tôi được ông chia sẻ: “Ngày xưa gia đình nghèo khó, mỗi lần đi chăn vịt, thằng Hiếu mang theo cả bịch sơ ri ăn thay bữa sáng.

Nó là trai lớn nên phải gánh vác mọi việc trong nhà, khi thì giúp tôi làm ruộng, khi thì đi làm thuê kiếm tiền nuôi dưỡng các em. Chỉ tới khi nó cưới vợ chuyển ra ngoài sống thì mới thay đổi. Đồng tiền đã giết chết con tôi rồi…”.

Hoàn tất công việc, ông tâm sự rông dài hơn về gia đình mình: “Trước nay, suốt ngày tôi chỉ cắm đầu vào mấy công đất, hết việc thì đi hái trái cây giúp người ta. Chưa lúc nào tôi đi ra khỏi xóm này nên không biết con làm gì ngoài đó.

Khi về nhà, nó sống hòa đồng với mọi người, tụi trẻ con rất yêu quý nó. Trước khi nó bị bắt, thi thoảng tôi nghe mọi người nói qua nói lại rằng nó giao du với giới giang hồ, chẳng những vậy còn là người cầm đầu… nhưng làm sao tôi tin được?

Nó học chẳng tới đâu, lại tối ngày chăn vịt, ai chịu đi theo nó chứ? Cho đến ngày CA tới đọc lệnh khám nhà, tôi mới giật mình biết rằng mọi người nói đúng. Có lẽ từ khi ra ở riêng, nó đã thay đổi mà tôi không biết”.

Khi biết chúng tôi tới viếng thăm, bà Nguyễn Thị Biên, SN 1944, mẹ Hiếu, lấy làm vui mừng. Dù chuyện các con đã khiến bà đứt từng đoạn ruột nhưng người mẹ ấy vẫn hết lòng lo lắng. “Hồi nhỏ, khi không biết tới đồng tiền, chúng nó hiền như đất.

Khi lớn lên, chúng ra ngoài học đòi đám bạn. Tôi chỉ giận thằng Hiếu, nó làm chuyện xấu vậy mà còn lôi cả em và con mình vào. Đây là bài học và cái giá phải trả cho những việc chúng gây nên.

Vợ chồng tôi già rồi, không biết có còn đủ sức để đợi đến ngày con được tự do không nữa. Chỉ mong, nó ở trong đó biết tu tỉnh để sau này làm người tốt …”, bà Biên nghẹn ngào.

Nhìn thấy vợ khóc, đôi mắt ông Dừa lại đỏ hoe. Từ khi các con lĩnh án, ngày nào nước mắt người cha già cũng lăn dài trên gò má. Ông khóc vì các con, khóc vì bản thân mình sinh con ra mà không dạy con nên người.

Ông kể, ngày Hiếu bị bắt, thằng Phụng sợ quá trốn biệt tăm. Một hôm, nó bỗng nhiên gọi điện về hỏi thăm tình cảnh gia đình. Nghe tiếng con tôi rất mừng, nhưng sau đó tôi đã khuyên nó nên trở về đầu thú.

Vậy mà nó nhất quyết không nghe, nó bảo rằng, thà con chết chứ không muốn đi ở tù. Sau đó ít lâu, CA cho hay là nó đã bị bắt. “Có lẽ đó cũng là điều tốt cho nó, thà ở tù rồi ra làm lại cuộc đời còn hơn là suốt đời trốn chui, trốn lủi, biết tới khi nào.

Hiếu đang phải trả giá cho sai lầm của cuộc đời mình.     Ảnh: TL

Mong ngày “ông trùm” phục thiện

Dù phải chứng kiến các con vướng vòng lao lý nhưng vợ chồng ông Dừa cũng đang dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Ông muốn mình khỏe mạnh để đón các con trở về sum họp, được nhìn thấy chúng làm việc lương thiện, hiền lành như lúc trước.

Bởi chỉ có quãng thời gian ấy, ông mới thực sự thấy ấm nồng tình cảm gia đình. Ông xót xa: “Có lẽ, thằng Phụng về tôi có thể đón chứ thằng Hiếu chắc khó lắm.

Tôi không còn khỏe mạnh nữa rồi. Dù có chuyện gì, tôi cũng chỉ hy vọng các con không tiếp tục đi vào con đường trước đây nữa…”.

Ông Dừa trò chuyện với người viết.    Ảnh: Hồng Châu

Chỉ vào người phụ nữ đang đi vào cổng, bà Biên nói: “Vợ thằng Hiếu từ ngày chồng bị bắt, nó đổ bệnh, lúc thì tăng huyết áp, khi thì bệnh tim. Thương lắm nhưng cũng không biết làm sao, chỉ giận thằng con tôi mang họa tới làm khổ vợ con”.

Nghe mẹ chồng nhắc tới mình, vợ anh Hiếu chia sẻ: “Ngày anh bị kết án 17 năm, tôi chết lặng bởi không biết có thể đợi anh ấy về được không vì tôi đang mắc rất nhiều bệnh. Mỗi lần tôi đến thăm anh, anh ấy đều tỏ ra vô cùng ân hận.

Điều đó khiến tôi rất vui mừng. Giờ đây, tôi đang chống chọi với bệnh tật và đếm từng ngày chờ chồng ra.

Tuy rất giận anh ấy vì đã khiến cho cả nhà phải tan tác, khiến đứa con trai duy nhất của chúng tôi vướng vòng lao lý nhưng tôi vẫn thật sự rất yêu anh, vẫn mong anh sớm về với gia đình”.

Trời về chiều, tiễn chúng tôi ra cổng, ông Dừa níu lại nói lời cảm ơn vì đã giúp ông cởi bỏ hết nỗi niềm bấy lâu đè nặng trong lòng. “Từ ngày hai thằng con bị bắt, tôi luôn phải sống trong mặc cảm. Đi tới đâu, tôi cũng không dám nhìn mọi người.

Giờ đây, không biết tôi sống nay chết mai thế nào, chỉ hy vọng có đủ sức khỏe để nhìn thấy các con làm lại cuộc đời”.

Giá như lúc này, Hiếu được chứng kiến nỗi đau của các bậc sinh thành và của người vợ thương yêu, chắc sẽ càng thấm thía hơn về cái giá phải trả cho những bước đi sai lầm của cuộc đời mình.

Chính quyền vẫn hết sức quan tâm

Anh Huỳnh Trúc Phước, Phó ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới cho biết:  “Lúc trước, gia đình ông Dừa là hộ nghèo trong ấp, sau đó các con lớn thì kinh tế dần ổn định.

Sau đó, Hiếu và Phụng bước vào con đường lầm lỗi, kinh tế gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo. Dù Hiếu và Phụng đã gây nên nhiều chuyện trái pháp luật nhưng họ đã phải trả giá cho hành động sai trái.

Mong rằng khi trở về, họ có thể trở lại thành những công dân tốt để đóng góp cho xã hội. Giờ mọi chuyện đã qua, ban ấp cũng thường xuyên tới thăm, động viên gia đình ông Dừa mau chóng vượt qua mọi chuyện để hòa nhập với cuộc sống”.

Kỳ 4: Dũng “chim xanh”- trùm giang hồ khiến cha uất ức đến chết

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại