Kẻ tâm thần giết người, ai phải chịu trách nhiệm?

Hải Nguyên |

"Chưa có quy định nào quy định là người bị tâm thần phải đi chữa bệnh" - ý kiến của luật sư Ứng liên quan tới những vụ trọng án mà người gây án có dấu hiệu tâm thần.

Án mạng liên tiếp xảy ra

Thời gian gần đây liên tiếp có những vụ trọng án mà người gây án có dấu hiệu tâm thần mà mới nhất là vụ thảm sát 3 người ở Vĩnh Phúc mà đau lòng khi hung thủ chính là con trai và em trai của nạn nhân.

Trao đổi với chúng tôi về những vụ trọng án liên quan tới người mắc bệnh tâm thần, luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng) cho hay:

"Theo tôi, hiện tại chưa có quy định nào quy định là người bị tâm thần phải đi chữa bệnh.

Chữa bệnh là quyền của công dân mà không phải nghĩa vụ phải đi chữa bệnh vì nếu “bắt” họ đi chữa bệnh thì ai là người trả tiền cho họ".

Luật sư Ứng cũng phân tích về trường hợp người bị tâm thần phải đi chữa bệnh. Đó là:

“Chỉ trong trường hợp quá trình vụ án xảy ra rồi, có kết quả giám định người đó là người tâm thần thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát mới yêu cầu họ đi chữa bệnh thay cho hình phạt là tù hoặc xử lý hình sự”.

Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình ứng
Luật sư Bùi Đình Ứng
"Nghĩa vụ quản lý chữa bệnh người tâm thần trước tiên là ở người nhà. Vợ chữa cho chồng, chồng chữa cho vợ… Vì theo luật hôn nhân gia đình có quy định rõ: “vợ chồng có nghĩa vụ với nhau”.

Cụ thể, trong vụ trọng án xảy ra ở Vĩnh Phúc trong những ngày đầu tháng 5, luật sư Ứng cho biết, trường hợp này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự thay vì biện pháp cho vào trại tạm giam hiện nay.

“Cơ quan điều tra sẽ cho giám định và tạm đình chỉ vụ án, bắt buộc chữa bệnh với bị can nào thì bị can đó phải chấp hành cho tới khi khỏi bệnh, cơ quan điều tra sẽ phục hồi vụ án và tiếp tục xử lý theo pháp luật.

Thời gian thụ án được tính từ thời gian đi chữa bệnh.

Với những người bị tâm thần, hôm nay họ có thể kiểm soát được hành vi của mình nhưng ngày mai có thể không” – luật sư Ứng phân tích.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Luật sư Bùi Đình Ứng (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)

Cũng theo phân tích của vị luật sư này, những người mắc bệnh tâm thần họ là “con bệnh” nên không có quyết định nào bắt họ phải đi chữa bệnh.

Ai chịu trách nhiệm khi người tâm thần gây bệnh?

Khi phóng viên đặt vấn đề để người tâm thần sống trong cộng đồng và gây ra hậu quả nghiêm trọng thì ai chịu trách nhiệm, luật sư Ứng nói:

"Nghĩa vụ quản lý chữa bệnh người tâm thần trước tiên là ở người nhà. Vợ chữa cho chồng, chồng chữa cho vợ… Vì theo luật hôn nhân gia đình có quy định rõ: “vợ chồng có nghĩa vụ với nhau”.

Còn việc để họ sống trong cộng đồng gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ là đạo đức lên án thôi chứ Nhà nước không xử.

Có trường hợp chồng bị bệnh tâm thần, vợ đưa nhốt cũi, đến bữa ăn mang cơm cho.

Phải làm như thế vì họ không quản lý được người chồng bị mắc chứng bệnh này và họ cũng không có tiền mang đi chữa.

Và đây được cho là hành vi bạo lực gia đình.

“Nhưng không may người bệnh hoang tưởng để xảy ra vụ thảm sát như ở Vĩnh Phúc thì không ai chịu trách nhiệm mà chính người tâm thần này phải chịu trách nhiệm.

Còn họ bị bệnh và hạn chế khả năng nhận thức thì pháp luật sẽ “nương tay” cho họ” – luật sư Ứng nói.

Luật sư cũng cho hay, không phải tất cả những người có bệnh tâm thần là có hành vi tàn bạo.

Nơi xảy ra vụ án mạng kinh hoàng khiến 3 người trong một gia đình thương vong

Nơi xảy ra vụ án mạng kinh hoàng khiến 3 người trong một gia đình thương vong

Nhưng họ là 1 trong những nguồn nguy hiểm cao độ, nguồn tiềm ẩn để xảy các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như giết người thảm sát hàng loạt, đốt nhà…

Người thân phải nỗ lực có trách nhiệm với những đối tượng này để chữa bệnh cho họ.

Dù khó khăn mấy nhưng cũng nên phân công giúp đỡ, giám sát những người có bệnh tâm thần hoặc triệu chứng tâm thần.

“Các cơ quan chức năng cũng nên thị sát, phát hiện và đề xuất những trường hợp đó là trường hợp khó khăn để Nhà nước có chính sách hỗ trợ và cũng là để giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn cho xã hội như tôi đã nêu trên.

Luật pháp it khi đặt nặng vấn đề xử lý nghiêm người tâm thần để làm gương cho người khác” – luật sư Ứng chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại