Đứa trẻ chơi bên vành móng ngựa và “bản án xa con”

Mai Quốc Ấn |

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm "vụ án con ruồi", có một đứa trẻ vô tư nhảy chân sáo bên vành móng ngựa.

Ba của nó đã theo chiếc xe bít bùng về trại giam chỉ chừng chục phút trước đó.

Còn khi phiên xét xử diễn ra, đứa trẻ ấy chỉ dám nhìn qua khe hở giữa các cảnh sát bảo vệ phiên tòa để nhìn cha nó đứng trước vành móng ngựa.

Đời người, có ai muốn "vô phúc đáo tụng đình"? Cha của đứa trẻ chắc cũng không ngờ có ngày mình đứng trước cái vành móng ngựa ấy để xa con mình 7 năm đằng đẵng.

Mẹ của đứa trẻ đã bật khóc rời tòa khi nghe tòa bản án ấy. Người vợ ấy sẽ phải một mình gánh gồng cả nhà vì chồng vướng vào vòng lao lý.

Còn trong ngày xét xử đầu tiên, ông bà nội của nó thẫn thờ nhìn con mình. Họ thẫn thờ đến khi tòa chẳng còn ai và lụi cụi đi về trong im lặng.

Hình ảnh đứa trẻ chơi đùa bên vành móng ngựa khiến tôi ám ảnh.


Hình ảnh đứa trẻ chơi đùa bên vành móng ngựa khiến tôi ám ảnh.

Hình ảnh đứa trẻ chơi đùa bên vành móng ngựa khiến tôi ám ảnh.

 

Tôi đã hôn trán nó, bảo "Ngoan nha con!". Ánh mắt nó nhìn tôi trong veo, lạ lẫm. Có lẽ một người lạ như tôi cũng lạ như cái vành móng ngựa mà nó đang chơi đùa.

Trước đó, tôi gọi yêu cầu đồng nghiệp phụ trách biên tập bài mình hãy làm mờ chân dung đứa trẻ ấy.

Tôi không muốn một đứa trẻ như vậy bị nhớ mặt, bị một ai đó vô tâm chỉ trỏ và bảo "A, đứa nhỏ này là con của ông A, B, C nào đó đang đi tù!".

Tôi từng chứng kiến cảnh ấy rồi, bất nhẫn lắm...

Đứa trẻ ấy sẽ vắng cha hơn sáu năm nữa vì thời hạn tạm giam đã gần một năm rồi.

Trong thời gian cha nó bị tạm giam, một đứa trẻ ở tuổi tốt nhất về phát triển nhận thức sẽ nghĩ gì khi nghe xung quanh bàn tán về cha mình? Đứa trẻ ấy nghĩ gì khi "tham dự" phiên tòa?

Tôi không biết! Và tôi cũng sợ phải biết điều ấy...

Đứa trẻ ấy đã có thêm một người cha tinh thần - người cùng đồng hành bảo vệ nó trước tòa. Người cha mới ấy có thể cũng yêu thương nó nhưng sợi dây huyết thống có một ý nghĩa rất riêng...

Bên thắng kiện cha đứa trẻ ấy đã lặp lại không dưới ba lần họ cũng không mong đứa trẻ ấy vắng cha, gia đình ấy vắng đi một người đàn ông.

Tôi tin, ngoài yếu tố bảo vệ thương hiệu thì trong những lời nói ấy còn có cả sự thật lòng.

Phiên tòa đã kết thúc phần sơ thẩm. Có thể cha của đứa trẻ ấy sẽ gặp lại con vài phút như lần xét xử này rồi. Đứa trẻ ấy sẽ lại nhìn cái vành móng ngựa qua khe hở những người mặc sắc phục.

Có thể cha nó sẽ bị y án, cải tạo tốt thì vài năm rồi về. Có thể cha nó được tự do trong phiên phúc thẩm.

Có thể... Nhưng có thể nào xóa ký ức của một đứa trẻ non nớt về phiên tòa kia không?

Nếu cha nó không vì 500 triệu, liệu "bản án xa con" có hiệu lực hay không? Tôi không phải toà, không thể kết tội, nhưng có quyền nói rằng người cha ấy có lỗi.

Tôi cũng không bênh vực cho lòng tham.


Nếu người cha ấy không vì 500 triệu thì bản án xa con liệu có hiệu lực không?

Nếu người cha ấy không vì 500 triệu thì "bản án xa con" liệu có hiệu lực không?

Nếu nguyên đơn chọn một giải pháp khác thay vì làm tác nhân đưa một người vào tù thì một gia đình đã không rơi vào bi kịch (hay chính họ cũng rơi vào bi kịch riêng mình?).

Tôi không có quyền đổ lỗi cho ai nhưng tôi tin, những người phía nguyên đơn chắc cũng có gia đình và những đứa con...

Còn đứa trẻ chơi đùa bên vành móng ngựa. Nó là trẻ con mà! Nó có tội lỗi gì đâu hả những người lớn?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại