“Con ruồi 500 triệu”: Con của Võ Văn Minh có cha đỡ đầu tại tòa

Quốc Ấn |

Lý do được ông Nam đưa ra là cha mẹ của Võ Văn Minh đã già yếu, hoàn cảnh gia đình của bị cáo rất khó khăn nên quyết định nhận làm cha đỡ đầu của cháu bé.

Sáng nay (18/12),TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục xét xử vụ án Võ Văn Minh bị truy tố vì tội cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát. 

“Tôi muốn Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp ở tầm thế giới!”

Luật sư Phạm Hoài Nam cho biết ông rất mong muốn một thương hiệu Việt như Tân Hiệp Phát sẽ phát triển đủ mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực.

“Tôi kỳ vọng thương hiệu Việt Nam vươn lên tầm thế giới. Tôi cũng mong Tân Hiệp Phát sẽ phát triển như vậy.

Việt Nam gia nhập TPP và phải ứng xử bằng luật quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài như McDonald’s, Pepsi hay Coca-Cola đã từng đền bù hàng triệu USD để đổi lấy các sản phẩm lỗi.

Anh Minh và Tân Hiệp Phát đã nhiều lần thương lượng và Tân Hiệp Phát chấp nhận thương lượng có văn bản làm việc.

Nếu suy nghĩ chai nước 10.000 đồng được đẩy giá 1 tỉ là phạm tội thì lạ quá. Một sản phẩm được bán lại là do thỏa thuận cửa người mua với người bán. Tôi đề nghị tòa án, viện kiểm sát xem xét lại các yếu tố này”, ông Nam cho biết.

“Tôi đã hỏi bà Trần Ngọc Bích và bà ấy không trả lời được. Tân Hiệp Phát nói mình có có 3.000 công nhân để phải lo lắng nhưng Việt Nam có hơn 90 triệu người và hàng triệu người tiêu dùng.

Nếu áp dụng trường hợp anh Minh thì nguy hiểm cho người tiêu dùng quá”- luật sư Nam nói với hội đồng xét xử.

Chốt lại lần đầu có ý kiến của ngày 18/12/2015, luật sư Phạm Hoài Nam một trong hai luật sư của của bị cáo Võ Văn Minh đã quyết định trở thành cha đỡ đầu cho con của thân chủ mình.

Ông Hoài Nam cho biết ông đã suy nghĩ kỹ về việc này và đi đến quyết định.

Lý do được ông Nam đưa ra là cha mẹ của Võ Văn Minh đã già yếu, hoàn cảnh gia đình của bị cáo rất khó khăn nên quyết định nhận làm cha đỡ đầu của cháu bé.


Bị cáo Võ Văn Minh - Ảnh: Thanh Tú

Bị cáo Võ Văn Minh - Ảnh: Thanh Tú

Viện kiểm sát tỉnh Tiền Giang không tranh luận

Cả hai luật sư của ông Võ Văn Minh là Phạm Hoài Nam và Nguyễn Tấn Thi đưa ra rất nhiều chi tiết trong bút lục hồ sơ vụ án trong phần tranh luận để bảo vệ bị đơn.

Theo ông Nguyễn Tấn Thi, theo bút lục của ông Trương Tử Long, nhân viên công ty Tân Hiệp Phát được giao nhiệm vụ gặp ông Võ Văn Minh, không liên hệ thường xuyên với bà Trần Ngọc Bích, giám đốc công ty.

“Nhưng bà Bích lại bảo là liên lạc thường xuyên nên có tâm lý lo sợ rồi làm đơn tố cáo Võ Văn Minh. Như vậy đơn tố cáo này không đúng sự thật.

Ý nghĩ đe dọa chưa phải là tội phạm, chưa có hàm lượng, chưa xác định thêm hành vi, chưa đủ yếu tố hình sự cưỡng đoạt tài sản nhưng 2 ngày nay Viện kiểm sát không tranh luận điều này”- ông Thi nhấn mạnh.

Luật sư Thi cũng cho rằng việc bắt người truy xét và bắt người quả tang khác nhau. Khi đơn từ tố cáo đã gửi cho cơ quan điều tra rồi thì nghĩa là có sự chuẩn bị.

Cơ quan điều tra quyết định nếu bắt sẽ không thể không xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.

“Bắt quả tang mà chuẩn bị trước cả truyền hình để quay phim ư? Xin xem lại đoạn phim ấy có giống một vụ bắt quả tang không”- luật sư Thi nói với phóng viên.

Trước đó, luật sư Nguyễn Đức Hoàng đọc bản cung lời khai của ông Võ Văn Minh và cho rằng ông Minh đã thừa nhận tội lỗi của mình căn cứ theo bản cung.

Luật sư Hoàng cũng cho rằng phần văn bản vụ việc của ông Minh đòi 1 tỉ cho chai nước ngọt có ruồi mà phần chữ ký giám đốc ở đây là giám đốc bán hàng, nếu không có chữ ký bà Trần Ngọc Bích là do quy trình của riêng Tân Hiệp Phát.

Luật sư Hoàng cho rằng bà Bích có thể nhận thông tin qua email, qua báo cáo trực tiếp nên có thể nắm hết vụ việc của ông Minh nên làm bà này lo sợ.

Lập tức, luật sư Thi đứng lên lưu ý về tình tiết rất bất thường tại phiên tòa khi luật sư Nguyễn Đức Hoàng của Tân Hiệp Phát đã sử dụng tài liệu của cơ quan điều tra.

Luật sư Thi đề nghị Viện kiểm sát phải chú ý điều bất thường này. Tuy nhiên, tòa vẫn cho luật sư Hoàng phát biểu tiếp.

Luật sư Thi tiếp tục nhắc lại trong phần tranh luận của mình: “Tại sao luật sư của Tân Hiệp Phát lại có bản cung, đó là tiết lộ bí mật điều tra.

Tôi không muốn luật sư đồng nghiệp (Nguyễn Đức Hoàng-PV) đi quá xa trong việc này chứ nếu cần chúng tôi sẽ kiến nghị lên Viện kiểm sát Nhân dân tối cao.”

Ông Thi viện dẫn điều 59 bộ luật hình sự và nói rằng nhưng chỉ có người bào chữa cho bị cáo mới được phép tham dự lấy cung.

“Điều tra viên có quyền điều tra độc lập và chúng tôi không có quyền can thiệp vì có thể dẫn đến điều tra sai.

Vậy mà luật sư của Tân Hiệp Phát lại dự cung cùng điều tra viên và giờ dung bản cung ấy buộc tội Võ Văn Minh. Tại sao luật sư Hoàng được điều tra viên tạo điều kiện dễ dàng như vậy?”- luật sư Thi nói.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng ông Võ Văn Minh đòi 1 tỉ đồng cho chai nước ngọt có ruồi là quá đáng, xuất phát từ lòng tham.

Về hành vi của bị cáo, nếu cho là đúng như kiểu rải tờ rơi một sản phẩm nào đó chưa được kiểm nghiệm là đúng của doanh nghiệp hay không nhưng ai cũng bắt chước rồi rải tờ rơi như bị cáo thì xã hội sẽ loạn.

“Chúng tôi không tranh luận mà chỉ nhắc lại các vấn đề chúng tôi đã nói hôm qua và lời bà Bích đã khai trước tòa chứ”- đại diện Viện kiểm sát cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại