Cùng lúc này ở Hải Phòng, Ban chuyên án chỉ đạo các trinh sát áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và công nghệ cao tiếp tục xác minh nơi đối tượng đang lẩn trốn.
Sau khi đánh giá các tài liệu thu thập được, tổ chức thu thập thêm thông tin, họp bàn lại kế hoạch, Ban chuyên án đã nhận định tình hình: Khả năng Ba đã ra Bắc và đang lẩn trốn tại một nơi hẻo lánh ở vùng xa vùng sâu.
Và rồi cuộn chỉ rối cũng đã lần tìm được ra mối cuối cùng: Ba đang ở địa bàn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Xác định đối tượng truy nã thuộc dạng đặc biệt nguy hiểm, có nhiều thủ đoạn mưu chước lẩn trốn, đại tá Nguyễn Văn Coỏng - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT-CATP phê duyệt kế hoạch bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Đình Ba, cử một tổ công tác 4 đồng chí gồm: thiếu tá Nguyễn Xuân Dũng - tổ trưởng tổ đặc nhiệm, thượng úy Phan Đình Nguyên, thiếu úy Phạm Thành Luân, do trung tá Nguyễn Hồng Nam - Phó trưởng phòng PC52 trực tiếp làm chỉ huy lên đường.
Từ Hải Phòng lên Cao Bằng áng chừng 400km, chỉ đến Thái Nguyên đường còn dễ đi, chứ bắt đầu từ Bắc Kạn thì đường dốc ngoằn nghèo, nhiều đoạn cua tay áo khá hiểm trở.
Đường bé nhưng xe container chở hàng lên xuống cửa khẩu chạy khá rát khiến chiếc xe chở tổ công tác phải nhiều phen hú hồn với các bác “tài công”, với những khúc đường quanh co khó lường.
Chạy một mạch 8 tiếng lên TP. Cao Bằng, nghỉ ngơi chốc lát, tổ công tác lại vượt thêm chừng 80km nữa xuống Trùng Khánh.
Đây là một huyện giáp biên giới, đường sá đi lại còn khó gấp bội, lại thêm trời mưa phùn ẩm ướt, gió mùa đồng bắc tràn về rét hại rét đậm khiến cuộc hành quân thần tốc của tổ công tác gian nan gấp nhiều lần.
Phòng PC52 Công an tỉnh Cao Bằng đã tìm mọi cách hỗ trợ tối đa cho tổ công tác, cắt cử 5 CBCS do 1 đồng chí phó trưởng phòng và 22 đồng chí đội trưởng cùng đi phối hợp với Phòng PC 52 Công an Hải Phòng bắt tên Ba.
Chưa hết, đến Trùng Khánh, BCH Công an huyện cử hẳn 1 đồng chí phó trưởng CA huyện, cắt cử 10 CBCS toàn lấy quân của Đội CSĐT tội phạm về ma túy - toàn lính thiện chiến ở một địa bàn rất phức tạp trong khâu trung chuyển ma túy của bọn tội phạm.
Những nghĩa cử của tình đồng chí đồng đội trong phối hợp công tác giữa công an hai tỉnh, thành đã làm tổ công tác của trung tá Nam vững vàng tự tin hơn, làm ấm lòng những người lính truy nã trên nẻo đường “đánh bắt xa bờ”, xua tan đi cái giá lạnh rét mướt của một vùng sơn cước.
Trùng Khánh là huyện giáp biên giới với Trung Quốc, có bãi xe container chờ chở hàng qua lại cửa khẩu với đủ thành phần phức tạp của xã hội, nơi tội phạm ma túy hoạt động ráo riết, chỉ cần thoáng bóng người lạ là bắt gặp những cặp mắt soi mói.
Hóa trang vào vai “dân xã hội”, tổ công tác được trinh sát Công an Cao Bằng nhiệt tình giúp đỡ 2 đêm liền thức trắng tiến hành rà soát tới các lán trại sâu trong rừng, ở các mỏ sắt, vào các bản lùng tìm Nguyễn Đình Ba.
Đến ngày 11-12-2014, ở Trùng Khánh có chợ phiên cứ 5 ngày 1 lần, thu hút rất đông nhân dân quanh vùng đến chợ.
Có đặc thù của chợ miền núi với các sản vật, các loại hàng hóa, người buôn kẻ bán tấp nập, chợ Trùng Khánh có những quán rượu với món thắng cố đặc trưng, có trai gái hát hò thổi khèn trao duyên.
Trinh sát chỉ rảo quanh 1 vòng chợ ngửi men rượu ngô đã thấy ngất ngây, nhưng hiện giờ họ đang phải căng mắt soi tìm kẻ truy nã cáo già.
Với những người như Ba, hắn sẽ không bỏ qua những cơ hội được vui chơi ăn nhậu như thế này, thể nào cáo cũng rời hang.
Quả nhiên, khoảng hơn 9 giờ thì trinh sát phát hiện Ba “trơ” đang ngồi uống rượu tại một quán ven hông chợ, xung quanh hắn toàn “dân xã hội”, rượu vào nóng bức bung cả áo, để lộ những hình xăm vằn vện trên tay trên ngực.
Ngay lập tức, tổ công tác áp sát bắt gọn Ba với sự khống chế mạnh mẽ dứt khoát, khiến những người xung quanh đều ngơ ngác chưa hiểu ra chuyện gì thì đối tượng đã được áp giải đưa đi.
Tại trụ sở CAH Trùng Khánh, trung tá Nguyễn Hồng Nam đã trực tiếp lấy khẩu cung của Nguyễn Đình Ba.
Ba khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu và khai quá trình trốn chạy tội ác của hắn: Sau khi gây án, Ba về nhà lấy xe đạp đi sang nhà bà Lê (là họ hàng bên mẹ Ba) ở xã Tiên Cựu, huyện Tiên Lãng, ngủ nhờ qua đêm.
Sáng hôm sau, Ba ra quốc lộ 10 đón xe khách đi vào TP.Hồ Chí Minh, đến quận Bình Tân, phường Bình Hưng Hòa, thuê nhà trọ ở và làm phụ hồ.
Sau đó, Ba di chuyển đến Đà Nẵng, có thời gian lên tận Kon Tum nhờ cậy người anh đang buôn bán gỗ ở đó.
Năm 2008, Ba bỏ ra ngoài Bắc và đã nhặt được 1 CMND mang tên Vũ Quang Dũng, sinh 1985.
Ba bóc ảnh cũ của CMND trên ra và dán ảnh của Ba vào và ép lại. Ba đã dùng CMND này để tạo vỏ bọc; qua đó đã đăng ký kết hôn, đăng ký hộ khẩu tạm trú, xin được việc làm là công nhân xây dựng tại công trình thủy điện Bản Rạ, tỉnh Cao Bằng và năm 2010 lấy được vợ là cô Hoàng Thị Xuân, sinh 1985, ở tổ 7, thị trấn Trùng Khánh, một cô gái đẹp người đẹp nết.
Khi đã yên bề gia thất, có một đứa con xinh xắn, đến năm 2011, Ba cùng gia đình chuyển về sinh sống tại phố Cao Bình, xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng, làm xây dựng và cơ khí.