Câu hỏi lớn: Tại sao LS của Tân Hiệp Phát được "dự cung"?

Luật sư Đoàn Khắc Độ |

Vụ án “con ruồi” cũng đã khép lại ở giai đoạn sơ thẩm. Bị cáo Võ Văn Minh bị tuyên 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Vụ án đã để lại nhiều cảm xúc cho xã hội. Đa số đều chia sẻ, thông cảm với anh Minh và đồng thời lên án hành động của Tân Hiệp Phát.

Phần lớn ý kiến, trong đó có ý kiến của các luật sư, cho rằng anh Minh không phạm tội, mà đó là giao dịch dân sự.

Bài viết này là góc nhìn của Luật sư (LS) Đoàn Khắc Độ về tố tụng trong vụ án trên.

Vi phạm tố tụng hình sự

Trong phiên tòa sơ thẩm, LS Nguyễn Tấn Thi bào chữa cho bị cáo Minh khẳng định rằng Điều tra viên cho phép LS nguyên đơn dân sự dự cung là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tuy nhiên, Kiểm sát viên cho rằng việc này pháp luật không cấm và Điều tra viên có quyền áp dụng mọi biện pháp để điều tra!?

Tôi cho rằng, quan điểm của Kiểm sát viên là không chính xác.

Bởi lẽ, công dân thì có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Còn đối với Điều tra viên nói riêng, cán bộ, công chức nói chung, chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản dưới luật quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục tố tụng.

Trong đó quy định quyền hạn, nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng,…

Những người này chỉ được thực hiện các quyền được ghi nhận trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự. Điều này quy định cụ thể tại Điều 12 BLTTHS 2003:

“Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình.

Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.


Bị cáo Võ Văn Minh

Bị cáo Võ Văn Minh

Ngoài ra, quyền hạn của Cơ quan điều tra cũng được quy định tại Điều 3 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004:

“Cơ quan điều tra tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do BLTTHS quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa”.

Điều tra viên nếu không tuân thủ quy định của pháp luật, mà tùy tiện áp dụng các biện pháp điều tra trái luật, có thể sẽ xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân.

Đối với LS bào chữa và LS bảo vệ quyền lợi của đương sự, thì cũng chỉ được thực hiện các quyền hạn được quy định trong BLTTHS.

Quyền của LS bảo vệ đương sự được quy định tại khoản 3, từ điểm a đến điểm d, Điều 59 BLTTHS.

Trong các quy định từ điểm a đến điểm d, không hề có quy định nào cho phép LS bảo vệ đương sự được quyền có mặt khi hỏi cung bị can.

Khác với LS bảo vệ đương sự, LS bào chữa được quyền có mặt khi hỏi cung bị can.

Quyền này được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 58 BLTTHS:

“2. Người bào chữa có quyền: a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa…”

Trong khi LS bào chữa thì được tham dự buổi hỏi cung, còn LS bảo vệ thì không bởi vì Luật sư bào chữa tham dự buổi hỏi cung là để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ mình, tránh mớm cung, bức cung, nhục hình,…

Điều này giúp cho việc lấy lời khai được khách quan, vô tư. Còn LS bảo vệ tham dự buổi hỏi cung thì hoàn toàn không có lợi cho bị can.

Vì quyền lợi của người bị hại (hoặc nguyên đơn dân sự) đối lập với quyền lợi của bị can.

Như vậy, LS bảo vệ cho Tân Hiệp Phát không được quyền tham dự buổi hỏi cung, nhưng Điều tra viên vẫn cho tham dự, là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.

Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không?

Như trên đã phân tích, hành vi của Điều tra viên cho Luật sư của Nguyên đơn dân sự tham dự buổi hỏi cung là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự.

Vấn đề là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và phải trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại hay không? Điều này cần căn cứ vào quy định của pháp luật.

Điều 4, khoản 1 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 (gọi tắt là TTLT 01/2010), quy định:

“Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án”.

Khoản 2, Điều 4 TTLT 01/2010 quy định cụ thể các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tại điểm p, khoản 2, Điều 4 cũng quy định:

“Những trường hợp khác được xác định theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này nhưng phải ghi rõ trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung” .

Như vậy, theo các quy định trên thì, rõ ràng hành vi Điều tra viên cho LS nguyên đơn dân sự tham dự buổi hỏi cung không thuộc các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng qui định từ điểm a đến điểm o, khoản 2, Điều 4 TT 01/2010.

Tuy nhiên có thể thuộc trường hợp quy định tại điểm p, khoản 2 nói trên.

Để có thể kết luận hành vi của Điều tra viên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì phải vận dụng điểm p, khoản 2, Điều 4 và khoản 1, Điều 4 TTLT 01/2010.

Và phải chứng minh hành vi của Điều tra viên cho LS của nguyên đơn dân sự tham dự buổi hỏi cung đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng (cụ thể ở đây là bị can Minh) hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại