Các bị cáo nói lời sau cùng, Dương Chí Dũng đọc thơ

Tuệ Minh |

(Soha.vn) - Phiên xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm đã bước vào phần nghị án, các bị cáo nói lời sau cùng.

17h30 phiên toà kết thúc. Đến 14h ngày 16/12 HĐXX sẽ tuyên án...

17h: Phiên xử kết thúc phần tranh luận và bước vào phần nghị án. Trước khi bước vào phần nghị án, các bị cáo nói lời sau cùng.

Bị cáo Dương Chí Dũng: Bị cáo thấy có trách nhiệm của mình khi mua ụ nổi về. Để xảy ra vụ việc, bị cáo rất hối hận. Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn thể nhân dân, cán bộ công nhân viên ngành hàng hải. Bị cáo rất hối hận, mong mọi người hiểu rằng không phải vì cái gì mà chỉ có sự nhiệt huyết muốn Tổng Công ty phát triển.

Về tội tham ô, bị cáo không thỏa thuận và không biết và không chỉ đạo ai trong việc nhận 1,666 triệu USD, oan cho bị cáo. Bị cáo sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống và luôn cầu thị, hai bằng đại học, Tiến sỹ kinh tế.

Bị cáo Dương Chí Dũng cũng đã đọc thơ trong lời nói sau cùng.

Bị cáo Mai Văn Phúc nghẹn ngào: Bị cáo một lần nữa đề nghị HĐXX xem xét 5 gạch đầu dòng mà VKS căn cứ mà cáo buộc bị cáo tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản. Bị cáo cảm thấy rất oan uổng và mong HĐXX xem xét xem bị cáo có được xu nào hay không... Bị cáo xin chân thành cảm ơn.

Bị cáo Trần Hải Sơn: Cho đến giờ này, bị cáo rất muốn được khắc phục những lỗi mình đã gây ra. Mong muốn của bị cáo là HĐXX định người định tội công bằng nhất.

Bị cáo Trần Hữu Chiều: Nhận nhiệm vụ không ai muốn, rất buồn. Đến cuối đời mà vẫn còn đứng trước vành móng ngựa nhận tội, không còn cơ hội trở về với gia đình, với người thân vì tuổi đã cao rồi. Chúng tôi mong muốn sau khi tuyên án thì được gặp luật sư và được gặp gia đình

Bị cáo Mai Văn Khang: Bị cáo xin kêu oan với HĐXX vì chỉ vì một chữ ký nháy mà bị cáo lại bị truy tố. Bị cáo không thể tưởng tượng được, mong HĐXX cho bị cáo xem các chứng cứ để VKS buộc tội bị cáo.

Thứ hai là kính xin xem xét và tách bạch hành vi của bị cáo ký nháy với những hành vi của các bị cáo khác.

Thứ ba là xin HĐXX xem xét bị cáo không hề có được bất kỳ lợi ích cá nhân nào trong vụ án này. Bị cáo chưa hề sai phạm trong 32 năm nay mà luôn hoàn thành nhiệm vụ và được nhiều giấy khen. Bị cáo lấy vợ muộn, hiện nay còn 2 con nhỏ và mẹ già 90 tuổi xin HĐXX xem xét.

Bị cáo Oanh: Bị cáo xin cảm ơn các luật sư đã bào chữa cho bị cáo và xin cảm ơn HĐXX đã cho bị cáo trình bày trước phiên xử. Bản thân bị cáo được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bị cáo rất ân hận và mong HĐXX (bị cáo khóc) khoan hồng và cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất cho bị cáo về với con gái vì cháu đã mồ côi cha!

Bị cáo Lê Văn Dương: Bị cáo không có động cơ cá nhân nào trong vụ án này mà chỉ mong hoàn thành nhiệm vụ. Bị cáo mong HĐXX công tâm xử đúng người đúng tội để bị cáo mau chóng trở về với gia đình và xã hội.

Các bị cáo khác đều mong HĐXX xem xét công tâm, xử đúng người đúng tội.

14h30: Công tố viên: "Nói ụ nổi không phải là tàu biển thì là mớ rau à?”

Chiều nay, 14/12, trong phần tranh luận tại phiên xét xử, sau khi các luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình, các bị cáo đã phát biểu ý kiến bổ sung. Đối đáp lại quan điểm của các vị luật sư bào chữa cho các bị cáo và lời bổ sung của các bị cáo trước vành móng ngựa, vị đại viện VKSND TP. Hà Nội khẳng định: “Việc truy tố các bị cáo về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản là có căn cứ”.

Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cho rằng: “Trong hành vi Cố ý làm trái, bị cáo Dương Chí Dũng có vai trò là chủ mưu, bị cáo Mai Văn Phúc là người cầm đầu. Các bị cáo khác đều có vai trò là đồng phạm, giúp sức các bị cáo. Nếu các bị cáo làm đúng chức trách của mình thì chúng tôi tin rằng ụ nổi 83M không thể được nhập khẩu về Việt Nam".

Vị công tố viên:
Công tố viên: "Nói ụ nổi không phải là tàu biển thì là mớ rau à?”

Về tội tham ô, các luật sư cho rằng 9 triệu USD mua ụ nổi không phải là tài sản của nhà nước nên không có căn cứ buộc tội các bị cáo. Về ý kiến này, vị công tố viên cho rằng: "Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn điều lệ là của Nhà nước.

Toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất và tiền vốn đều là tài sản của Nhà nước. Nguồn vốn khi vay các Ngân hàng được thực hiện thì đều là tài sản của nhà nước mà Tổng Công ty chỉ người quản lý, sử dụng thôi. Hoạt động thua lỗ thì Tổng Công ty lấy nguồn vốn của mình ra bù. Các luật sư đã nhầm khi cho rằng chỉ có vốn từ ngân sách, quản lý qua kho bạc mới là vốn nhà nước.

Do đó, mọi vi phạm khi quản lý nguồn vốn này đều phải chịu trách nhiệm. Trong đó Dương Chí Dũng là người được giao nhiệm vụ quản lý nguồn vốn này. Bị cáo Dũng chịu trách nhiệm quản lý cũng như giám sát việc sử dụng nguồn vốn, nếu sai thì phải chịu trách nhiệm".

Vị công tố viên cũng khẳng định: Về hành vi cố ý làm trái, việc triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi dẫn đến vụ án này, phiên tòa này bởi lẽ các cán bộ trực tiếp tham gia dự án này đều đã làm sai quy định của nhà nước. Không thể nói các bị cáo thiếu trách nhiệm được khi họ đã làm sai.

Khi nhắc đến ụ nổi số 83M, vị công tố viên nói về việc các cán bộ đại diện của Vinalines không biết hiện nay ụ nổi ra sao, xử lý như thế nào, mất bao nhiêu tiền của nhà nước: “Nói như thế là không được, làm ăn như thế thì nền kinh tế của đất nước này sẽ đi đến đâu”.

Ụ nổi số 83M (Ảnh: Báo An ninh thủ đô)
Ụ nổi số 83M (Ảnh: Báo An ninh thủ đô)

"Theo hồ sơ, thiệt hại từ ụ nổi đã lên tới 550 tỉ đồng rồi chứ không chỉ là 366 tỉ đồng như cáo trạng nữa. Hiện giờ còn có thể cao hơn. Trách nhiệm của Vinalines ở đây chứ không phải chỗ nào khác. Đến bây giờ phía Vinalines khắc phục đến đâu, đại diện của công ty này cũng không nói được. Bây giờ bảo bán đi để cắt lỗ, riêng phần neo đậu 1 năm đã mất 12 tỉ mà đại diện Vinalines bảo không biết", công tố viên nói.

Theo đó, liên quan đến vấn đề tương trợ tư pháp, đại diện Viện Kiểm sát cho biết VKSND Tối cao đã có văn bản yêu cầu phía Liên bang Nga hỗ trợ tư pháp và đang chờ phản hồi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vụ án không thể xét xử được vì hậu quả trực tiếp đã rõ.

Kết luận phần lập luận của mình, vị công tố viên này khẳng định mức án đề nghị đối với các bị cáo là hợp lý, không đánh đồng. Những bị cáo có vai trò độc lập, tùy thuộc hành vi của mình có mức án khác nhau.

Ngay sau đó, luật sư Trần Đình Triển và luật sư Ngô Ngọc Thủy đã có ý kiến phát biểu quan điểm của mình đối đáp với các vị công tố viên. Các vị luật sư này đều khẳng định số tiền 1,666 triệu USD được chuyển từ Singapore về không phải là tiền của Vinalines nên việc cáo buộc bị cáo Dương Chí Dũng phạm tội Tham ô tài sản là không có cơ sở...

11h30: Các bị cáo đều tự nhận mình là "nạn nhân".

Trong phần tranh luận tại phiên xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm sáng nay (14/12), sau khi các luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình, các bị cáo đã phát biểu ý kiến bổ sung.

Trước vành móng ngựa, bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng: Trong các lời khai của anh Sơn có nói tôi cùng anh Phúc thảo luận đề nghị số tiền 1,666 triệu USD đó và giao cho anh Sơn nhận. Tôi không làm việc đó. Để chứng minh việc đó thì phải có chứng cứ tôi thảo luận với ông Goh. Tiếp nữa, tôi đề nghị là cần thiết và nếu có thể được thì được đối chất với ông Goh Hoon Seow…"

"Tôi không bao giờ chối tội mà chỉ kính mong HĐXX làm sao đúng người, đúng tội, còn tôi có tội thì tôi phải chịu”, bị cáo Dương Chí Dũng nói.

Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa sáng 14/12 (Ảnh: Tuệ Minh)
Bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa sáng 14/12 (Ảnh: Tuệ Minh)

Đến lượt mình, bị cáo Mai Văn Phúc cho rằng có 3 vấn đề chính: Thứ nhất là việc bản cáo trạng có đề cập những hành vi phạm tội của bị cáo và việc bị cáo không thành khẩn, quanh co không nhận tội; Thứ hai là cáo buộc bị cáo phạm tội Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thứ ba là cáo buộc bị cáo phạm tội Tham ô tài sản.

Bị cáo này cho rằng trong việc cáo buộc bị cáo quanh co chối tội, tất cả các bản cung trong thời gian làm việc với cơ quan điều tra không có một từ ngữ nào chứng tỏ bị cáo quanh co chối tội, khai tiền hậu bất nhất.

Thứ hai là cáo buộc về tội Cố ý làm trái, trước hết căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố bị cáo là do bị cáo vi phạm Nghị định 49 về việc nhận thức ụ nổi là tàu hay không phải tàu đã rõ. Về việc mua ụ nổi thì trước đó bị cáo đã có bút phê là nghiên cứu 1 chiếc ụ nổi khác chứ không phải là ụ nổi 83M. Còn việc ký tờ trình mua ụ nổi 83M là không có sự lựa chọn mà buộc phải căn cứ vào hàng chục ý kiến tham mưu rằng không có ụ nổi nào hơn 83M nên đã buộc phải ký trình để HĐQT xem xét.

Bị cáo Mai Văn Phúc - Cựu TGĐ Vinalines (Ảnh: Tuệ Minh)
Bị cáo Mai Văn Phúc - Cựu TGĐ Vinalines (Ảnh: Tuệ Minh)

Thứ ba là để xác định bị cáo có liên quan đến số tiền 1,666 triệu USD hay không thì rất dễ xác định . Dự án này đã được triển khai từ năm 2006, ai là người đã bàn với công ty AP thỏa thuận ra được hợp đồng ký ngày 7/7/2007 về việc ăn chia khoản 1,666 triệu USD và chuyển về Việt Nam cho ai. Ai liên quan thì chịu trách nhiệm, thời điểm đó, bị cáo chưa về Vinalines. Bị cáo không biết, không liên quan.

Khi bị bắt, bị cáo mới biết là có chuyện làm ăn. Bị cáo trở thành bị hại trong vụ án này vì bị cáo không biết việc đó và đã có đơn trình cơ quan. Nếu bị cáo buộc về tội Cố ý làm trái mà bị cáo lại không biết từ đầu thì rõ ràng bị cáo bị oan sai.

Về cáo buộc bị cáo tham ô, nếu VKSND chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Sơn để luận tội bị cáo nhận tiền từ bị cáo Sơn và phạm tội tham ô thì bị cáo thấy choáng váng vì không có sự việc đó. Bị cáo Sơn đã quanh co từ đầu đến cuối, ngay trước HĐXX mà bị cáo Sơn còn quanh co, man trá như vậy thì thử hỏi có thể căn cứ vào lời của bị cáo Sơn để buộc tội bị cáo hay không?”, bị cáo Mai Văn Phúc bức xúc trình bày.

Bị cáo Trần Hải Sơn (Ảnh: Tuệ Minh)
Bị cáo Trần Hải Sơn (Ảnh: Tuệ Minh)

Đến lượt mình, đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Hải Sơn nói: “Qua ý kiến của anh Dũng, anh Phúc, các anh nói đều không thừa nhận là có tham gia thỏa thuận gì với công ty AP. Và việc đó tôi cũng đã khai báo là tôi cũng không biết việc thỏa thuận như thế nào cả.

Các anh không khai báo như thế nhưng trước cơ quan điều tra thì các anh lại xác nhận việc nhận và chia 1,666 triệu USD tương đương với số tiền tham ô, nghĩa là các anh không biết gì về việc này… Tôi thấy đó là sự bất cập rất cơ bản trong lời khai của các anh. Tôi cũng xin nói với HĐXX như vậy và cũng khẳng định là chính vì các anh mà tôi và gia đình tôi trở thành nạn nhân của vụ án này”…

Sau khi các bị cáo phát biểu ý kiến của mình, HĐXX đã cho tạm dừng phiên xử, buổi chiều 14/12, phiên xét xử tiếp tục.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại