Trộm cắp, cướp giật, xì ke, ma túy, tai nạn giao thông và khi nghi ngờ có những băng nhóm hoạt động có tổ chức gây hại cho cộng đồng, gọi 113, thậm chí để hù cho con trẻ hết khóc cũng gọi 113.
Nói chung Cảnh sát 113 giống như cái rổ để người dân thành phố có thể ném tất cả những vấn đề bức xúc của xã hội vào đó với lòng tin họ sẽ được giải quyết một cách nhanh nhất, thấu đáo nhất.
1. Chúng tôi đến Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh (Cảnh sát 113), Công an TP Hồ Chí Minh vào buổi trưa một ngày đầu tháng 6.
Cơn mưa đầu mùa cứ sầm sập đổ xuống, nhưng trên khoảng sân nhỏ hẹp của đơn vị, hàng trăm cán bộ chiến sỹ mặc dù quần áo ướt sũng nước mưa, vẫn hăng say luyện tập các bài võ thuật và điều khiển xe môtô trên sa hình nhằm đảm bảo yêu cầu công tác.
Tiếp chúng tôi là Thiếu tá Bùi Công Vụ - Đội phó Đội Tham mưu tổng hợp. Sau khi giới thiệu tóm lược về hoạt động của đơn vị, anh dắt chúng tôi đến thăm các đơn vị cấp Đội đóng quân tại nhiều địa điểm trọng yếu trên toàn thành phố.
Bước chân vào đội trực tổng đài, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi tận mắt chứng kiến một hệ thống thiết bị điện tử bao gồm hơn hai chục máy tính hiển thị số điện thoại và quản lý địa bàn luôn nhấp nháy màn hình báo hiệu có thông tin cấp báo cùng hơn chục máy bộ đàm liên tục cập nhật thông tin từ các vị trí chiến đấu và ngần ấy chiếc máy điện thoại không lúc nào ngớt tiếng chuông reo.
Mặc dù đầy ắp các loại thiết bị, nhưng cả ca trực suốt 12 giờ đồng hồ chỉ có hai cán bộ chiến sỹ, một nam, một nữ xử lý tất cả.
Hai tai gắn chiếc hanphone, một tay nhắp chuột máy tính, tay còn lại cầm bút ghi sổ nhật ký công tác, Trung tá Lý Anh Tuấn - cán bộ trực tổng đài chỉ có thể nói với tôi một câu nhát ngừng: "Bận quá… đồng đội thông cảm… chờ 30 phút hết ca mình nói chuyện".
15 phút đầu tiên ngồi chờ đợi, tôi đếm được tất cả 62 cuộc điện thoại của người dân gọi đến, nhưng có đến 30 cuộc là do các em nhỏ gọi vào với giọng bi bô, thậm chí có em còn đang tập nói.
15 cuộc tiếp theo toàn là thông tin về tranh chấp đất đai, vợ chồng cãi nhau, lấn chiếm lòng lề đường, bà bầu đau đẻ thì đưa đến đâu…?
3 cuộc do người điên gọi đến nói toàn những chuyện trời ơi và 16 cuộc còn lại có nội dung liên quan đến an ninh trật tự nhưng thật sự chỉ có một vụ là chính xác để điều động cán bộ chiến sỹ đến giải quyết.
15 phút tiếp theo cũng với ngần ấy cuộc gọi đến nhưng thông tin toàn là kẹt xe, tai nạn giao thông, các cụ già hỏi làm sao tìm được nhà dưỡng lão tốt nhất, trẻ em hỏi đường; 4 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ở các địa điểm thuộc huyện Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh mà 113 phải xuất quân can thiệp.
Cũng trong thời gian 15 phút này, tôi biết được một chuyện khá khôi hài.
Do ngưỡng mộ Cảnh sát 113 từ lâu nhưng chưa có dịp chứng kiến, một bà lão (xin giấu tên) ngụ quận 3 đã giả bộ gọi điện thoại thông báo mình bị một thanh niên uy hiếp cướp tiền.
Chỉ 5 phút sau, hai xe môtô đặc chủng với 4 cán bộ chiến sỹ đã có mặt. Tại hiện trường, không có bất cứ vụ việc người dân nào bị uy hiếp xảy ra, chỉ có một bà lão trên 70 tuổi mở cửa chờ sẵn để mời Cảnh sát 113 vào nhà ngồi uống nước rồi nói:
"Đúng là không hổ danh Cảnh sát 113 mà bác ngưỡng mộ. Bác biết làm vậy là gây khó cho các anh nhưng đừng giận lão nhé…
Tiền đóng phạt vi phạm hành chính của bác đây, cứ phạt đi, bác tự nguyện mà, không có lần sau đâu… Bị phạt nhưng bác đã được tận mắt chứng kiến thần tượng của mình phản ứng nhanh như gió thì quá xứng đáng…".
Đến đây thì các chiến sỹ Cảnh sát 113 chỉ còn biết cười xòa rồi cùng nhau lên xe trở về đơn vị tiếp tục nhận công tác mới.
Rời đội trực tổng đài mà tôi cảm thấy khâm phục bởi với bình quân từ 4-6 cuộc điện thoại các loại/ phút nên phải có tầm hiểu biết sâu rộng, tinh thần vì nhân dân phục vụ, các anh mới có đủ bản lĩnh để vừa quyết đoán, vừa ân cần giải quyết được từng tình huống một.
2. Kể về những vụ việc mà đơn vị đã xử lý, Thiếu tá Vụ vò đầu bứt tai bảo: "Nhiều lắm, nhớ không xuể". Ấn tượng nhất với anh có lẽ là vụ việc xảy ra vào lúc 23h59’ ngày 27/4/2014.
Tối hôm ấy, khi vợ vừa gửi ổ bánh mì thịt để anh lót dạ thì nhận tin báo từ Công ty Dịch vụ bảo vệ T&T về việc tại Bệnh viện Tân Sơn Nhất, nằm tại số 2B đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình có một nhóm trên 10 người đang trong tình trạng say xỉn mang hung khí đến hành hung các y bác sỹ, buộc họ phải ngưng ngay các ca cấp cứu khác để chữa bệnh cho người thân của nhóm người này.
Buông vội ổ bánh mì mới cắn được đúng một miếng xuống bàn, Thiếu tá Vụ cùng tổ công tác bao gồm 12 cán bộ chiến sỹ lập tức có mặt tại hiện trường yêu cầu nhóm người quậy phá này giải tán để cho các bác sỹ làm việc và các bệnh nhân được yên tâm nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, nhóm người không những không nghe mà còn sử dụng hung khí lao vào tấn công lực lượng 113, đập phá các cửa kính bệnh viện và kêu gọi thêm hàng chục đồng bọn khác đến gây rối.
Không thể để cho đám côn đồ này tiếp tục lộng hành, các chiến sỹ 113 đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhanh chóng khống chế nhóm cầm đầu bao gồm các đối tượng Phạm Hoàng Phương, Phạm Hoàng Phong, ngụ quận Gò Vấp; Phạm Thế Chiến, ngụ tỉnh Đồng Nai cùng một số đối tượng khác giao về cho Công an quận Tân Bình lập hồ sơ xử lý.
Những đối tượng còn lại được yêu cầu bỏ hung khí và giải tán ngay lập tức để trả lại sự bình yên cho bệnh viện.
Vừa xong câu chuyện, Thiếu tá Vụ liền đưa tôi qua gặp Thượng úy Trần Phúc Thọ - cán bộ đội 1 với lời giới thiệu:
Đây là một cán bộ trẻ nhưng với thành tích hàng trăm lần xử lý thành công các vụ việc phức tạp nên được anh em trong đơn vị tôn vinh là "mũi tên vàng trong tấn công tội phạm".
Mặc dù với bảng thành tích dày cộm nhưng Thượng úy Thọ luôn thể hiện đức tính khiêm tốn. Gặng hỏi mãi anh mới chịu kể chuyện đánh án nhưng giao kèo: "chỉ một thôi nhé anh".
Theo lời kể của Thượng úy Thọ, vào lúc 21h30’ ngày 19/5, nhận tin báo có một đối tượng sử dụng súng uy hiếp người dân để đòi nợ xảy ra trước cửa số nhà 343/19 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, chỉ huy chiến đấu đã điều động 4 cán bộ chiến sỹ sử dụng 2 môtô đặc chủng lập tức lên đường đến hiện trường.
Phát hiện có bóng dáng Cảnh sát, hai đối tượng lập tức giấu súng vào người rồi lao lên xe gắn máy BKS 59V1-658.73 rồ ga bỏ chạy.
Nhanh như một mũi tên, các chiến sỹ Cảnh sát 113 tách hai xe thành hai hướng tạo thành gọng kìm truy đuổi đối tượng.
Sau gần một giờ truy đuổi qua nhiều con đường, bất ngờ hai đối tượng cho xe dừng lại, tên ngồi sau là nữ nhảy xuống lề đường ôm bụng kêu đau đớn ầm ĩ.
Với kinh nghiệm nhiều năm đấu tranh với đủ loại tội phạm, một chiến sỹ Cảnh sát phóng tới, sử dụng thế võ quật ngã đối tượng này.
Tiến hành khám xét nhanh, lực lượng Cảnh sát phát hiện đối tượng này không phải đau bụng mà giả bộ ôm bụng để che giấu khẩu súng K54 với 6 viên đạn, trong đó có một viên đã lên nòng, ngoài ra còn thu được 1 roi điện và một con dao xếp dài khoảng 20cm được giấu trong cốp xe.
Tại cơ quan Công an, hai đối tượng khai tên Phan Nguyễn Hoàng Lâm, sinh năm 1989, ngụ tại 15H2 đường Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10 và Lê Huyền Châu Ngân, sinh năm 1990, ngụ tại số 12, đường số 11, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân.
Cũng theo lời khai của Lâm và Ngân, trước đây chúng từng thụ án chung một trại giam về các tội lừa đảo và cố ý gây thương tích.
Do cùng là kẻ máu lạnh nên khi ra tù, cả hai thuê nhà sống với nhau như vợ chồng và hành nghề cho vay nặng lãi với lãi suất lên đến 200%/năm.
Để thể hiện là dân có số má và để xử các con nợ không có khả năng chi trả hay muốn quỵt nợ, Lâm, Ngân đến biên giới Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh tìm mua 1 khẩu súng K54 cùng 20 viên đạn với giá 15 triệu đồng lận vào người và kể từ khi có súng, tuy chưa bắn viên đạn nào nhưng chúng cũng đã dùng phần báng đánh hàng chục con nợ bị sứt đầu mẻ trán.
Tối hôm ấy, khi đang chạy xe rong ruổi trên đường thì phát hiện chị Giang đang chạy xe gắn máy phía trước nên cả hai đã lao đến ép xe chị Giang té ngã xuống đường rồi móc súng ra uy hiếp buộc chị này phải mang tiền đến trả và gia hạn trong vòng một ngày nếu không đáp ứng yêu cầu thì chúng sẽ nổ súng.
Cho đến nay, Cảnh sát 113 thực sự đã trở thành một thương hiệu, là địa chỉ tin cậy đối với hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh.
Với hàng ngàn vụ trấn áp tội phạm các loại cùng ngần ấy những hướng dẫn, giải thích cho người dân tìm đúng nơi, đúng chỗ giải quyết các vấn đề xã hội, các anh xứng đáng với biệt hiệu "mũi tiên phong" trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần mang lại bình yên cuộc sống.
Theo Thượng tá Lương Văn Đùa - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh (113) thì nghề này thuộc loại khá vất vả nhưng đòi hỏi rất cao.
Hàng ngày, mỗi ca trực phải làm việc 12 giờ, nhưng nhiều khi phải trực thêm 5-6 giờ nữa để giải quyết công việc, đặc biệt những ngày lễ tết thì phải trực 24/24h nên mỗi cán bộ chiến sỹ ngoài việc đáp ứng về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực nghề nghiệp (võ thuật, bắn súng, lái xe môtô giỏi) còn phải đảm bảo sức khỏe thật tốt, tận tụy với công việc và lòng yêu nghề thì mới có thể trụ lại được.
Lực lượng thường trực chiến đấu ngoài việc xử lý ban đầu đối với các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự mà người dân gọi điện trình báo, còn phải tham gia phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông ngăn chặn đua xe trái phép, phối hợp với các đơn vị chức năng giải tán những đám đông tụ tập gây mất an ninh trật tự, tham gia bảo vệ các phiên tòa khi xét xử các loại tội phạm có tổ chức.
Bộ phận trực tổng đài cũng phải hết sức chuyên nghiệp vì vừa tiếp nhận thông tin chiến đấu, vừa phải giải thích, hướng dẫn cho bà con nhân dân gọi đến hỏi về rất nhiều vấn đề không liên quan đến an ninh trật tự.
Để cán bộ chiến sỹ yên tâm phục vụ công tác, hàng tuần, lãnh đạo Phòng đã phân chia nhau xuống các đội vừa trực tiếp cùng cán bộ chiến sỹ tham gia xử lý vụ việc, vừa động viên tư tưởng nhằm giúp anh em tháo gỡ những khó khăn để hoàn thành tốt công việc.