“Pháo lủi” - một huyền thoại pháo binh Việt Nam

Thượng tá LÊ TIẾN SĨ (Khoa Binh chủng, Học viện Chính trị) |

"Pháo lủi" là cách gọi vui của bộ đội pháo binh và nhân dân ta dành cho các phân đội sử dụng tên lửa chống tăng B72 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

B72 được đưa vào chiến trường miền Nam từ năm 1972, phối thuộc cho các chiến trường từ B1 đến B5, thực hiện phương châm tác chiến "luồn sâu - đánh hiểm, vào gần - bắn trúng", kế tục và phát huy xứng đáng truyền thống "chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng" của Binh chủng Pháo binh

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Binh chủng Pháo binh (29-6-1946/29-6-2016), trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nét tiêu biểu, độc đáo trong lịch sử truyền thống của "pháo lủi" B72.

Bước vào năm 1971, sau những thất bại của "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", Mỹ từng bước chuyển sang "Việt Nam hóa chiến tranh" bằng cách tăng cường, chấn chỉnh lớn về tổ chức, lực lượng, đổi mới và hiện đại hóa quân ngụy, trong đó có việc tăng cường xe tăng, xe bọc thép, pháo lớn, máy bay chiến đấu. Mỹ - ngụy mở những chiến dịch với tên gọi mỹ miều như "Thiết xa vận", "Vỏ thép di động", "Bủa lưới phóng lao", "Phượng hoàng vồ mồi"…

Chúng liên tiếp mở hàng loạt các cuộc hành quân càn quét trên quy mô lớn, mà điển hình là cuộc hành quân Lam Sơn - 719. Trước những điều chỉnh lớn của địch đã gây cho ta không ít khó khăn.

Một khó khăn lớn là làm sao để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của địch. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh một mặt đã chỉ đạo pháo binh trên các chiến trường tích cực nghiên cứu, cải tiến vũ khí-trang bị, thực hiện đưa pháo vào gần-lên cao-bắn thẳng, phát huy tinh thần anh dũng của bộ đội để tiêu diệt mục tiêu.

Mặt khác, đã đề xuất với Bộ Tổng tham mưu nhanh chóng khắc phục vấn đề nêu trên.

Tháng 3-1971, Tiểu đoàn 371 tên lửa chống tăng được thành lập, đồng chí Lương Vũ Tuân là Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Ngô Nhân là Chính trị viên. Nhiều chiến sĩ đã ít nhiều có kinh nghiệm sử dụng "pháo lủi" từ chiến trường B5 cũng được gọi ra để thành lập tiểu đoàn.

Cùng thời điểm này, bạn viện trợ cho ta hai loại tên lửa mới. Một loại được trang bị cho bộ đội phòng không dùng để bắn máy bay bay thấp; một loại trang bị cho pháo binh dùng để diệt các mục tiêu mặt đất, mặt nước như xe tăng, xe bọc thép, hỏa điểm, tàu xuồng.

Để phân biệt, loại dùng bắn máy bay bay thấp được gọi là A72, còn loại tên lửa có điều khiển bằng hữu tuyến trang bị cho pháo binh được gọi là B72.

Ngày 7-11-1971, Tiểu đoàn 371 tổ chức bắn trình diễn vũ khí mới. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội đã tham dự buổi bắn trình diễn, như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Song Hào…

Điều đó nói lên sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo cấp cao đối với bộ đội "pháo lủi". Kết quả chỉ mục tiêu nào, anh em trắc thủ đều bắn trúng và tiêu diệt mục tiêu đó với những viên đạn được điều khiển bay lượn rất đẹp mắt.

Ngay sau buổi bắn trình diễn này, nhiều phân đội B72 mới được thành lập để đưa vào huấn luyện, nhiều vấn đề kỹ thuật bắn như bắn mục tiêu có góc tà âm, góc tà dương, bắn các mục tiêu có cự ly nhỏ hơn hoặc bằng 500m, bắn trong trường hợp tổ hợp tên lửa đặt trên xe tăng… đã được nghiên cứu, hoàn thiện.

Ngày 8-11-1971, phân đội B72 đầu tiên là Đại đội 1 do Thiếu úy Trần Bật chỉ huy đã xung phong vào chiến đấu ở chiến trường B2. Đại đội được phối thuộc cho Sư đoàn Bộ binh 7, có nhiệm vụ ngăn chặn, bao vây và tiêu diệt địch tiến công cơ động bằng xe tăng, xe bọc thép trên tuyến Quốc lộ 13 từ Chơn Thành lên An Lộc.

Ngày 11-3-1972, các trắc thủ B72 đã sát cánh cùng bộ binh, mặc cho bom rơi, đạn nổ đánh lui quân địch. Trắc thủ Lê Đình Thành đã phóng hai quả đạn B72 tiêu diệt tại chỗ 2 xe tăng địch dẫn đầu đội hình tiến công của địch ra phản kích trên đường 13.

Ngoài ra, những cú phóng B72 chính xác đã phá hủy nhiều ụ súng, lô cốt, chi viện cho bộ binh bám trụ kiên cường trong những ngày phòng ngự Tàu Ô-Xóm Ruộng.

Tháng 3-1972, quân ta mở Chiến dịch tiến công Trị Thiên. Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Địch điều xe tăng, áp dụng chiến thuật "Vỏ thép di động" kết hợp co cụm lớn để thiết lập những "cụm pháo đài thép di động" đối phó với các đợt tiến công của ta.

Tốc độ tiến công của ta bị chững hẳn lại, đặc biệt là hướng tiến công của bộ binh trên hướng Quốc lộ 1 vào Đông Hà. Tên lửa chống tăng B72 lập tức được điều động lên phía trước. Hai đại đội B72 có điều khiển với 23 bảng, 50 bệ và 500 viên đạn bước vào chiến đấu làm quân địch hoàn toàn bị bất ngờ.

Từ ngày 23-4-1972, với B72 làm nòng cốt, bộ đội ta sục sạo tìm diệt xe tăng địch. Lúc này, với chiến thuật "Vỏ thép di động" và "Xe tăng bầy", từng tốp, từng cụm 4-5 xe tăng địch đang nghênh ngang hoạt động ở khu vực tây, tây nam và bắc Đông Hà.

Chờ cho chúng đến gần, tới cự ly 700-800m, 32 tên lửa B72 lao đi, 8 xe tăng và xe bọc thép địch bị tiêu diệt tại chỗ.

Riêng Khẩu đội trưởng Lục Vĩnh Tưởng trong bom đạn mù mịt vẫn bình tĩnh điều khiển B72, anh bắn 6 quả đạn, tiêu diệt tại chỗ 6 xe, nêu kỷ lục cá nhân ngay ngày đầu tiên chiến đấu với hiệu suất trúng đích/diệt địch đạt 100%, toàn đại đội anh đạt hiệu quả bắn là 4/1.

Sự xuất hiện của B72 với hiệu suất cao đã khiến xe tăng địch khiếp sợ, tạo điều kiện cho bộ binh ta xung phong đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng.

Ngày 25-4-1972, Đại đội 6 tên lửa B72 được phối thuộc cho Sư đoàn 304 đã tham gia tiến công sân bay Ái Tử và đầu cầu Quảng Trị. Khẩu đội trưởng Lê Văn Trung cùng đồng đội hạ hết xe tăng này đến xe tăng khác.

Có lúc, Trung mưu trí đánh lừa cả máy bay OV10 trên đầu bằng cách điều khiển viên đạn hỏa tiễn từ dưới đất vọt lên quất thẳng vào xe tăng địch. Trong 3 ngày, tổ của Lê Văn Trung phóng 16 tên lửa B72, diệt 13 xe tăng…

Kết quả, với 3 đại đội B72, trong đợt tiến công bờ nam sông Thạch Hãn, đã diệt 44 xe tăng, xe thiết giáp với lượng đạn tiêu thụ 89 viên, góp phần quan trọng đánh quỵ chiến thuật "Vỏ thép di động" của địch trên chiến trường Trị Thiên.

Những chiến công vang dội này đã góp phần cùng chiến dịch giải phóng hoàn toàn Quảng Trị ngày 2-5-1972. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh đánh giá:

"Đặc biệt, Đại đội 15, Đại đội 6, Đại đội 2 tên lửa chống tăng thuộc Tiểu đoàn 371 non trẻ của Quân đội ta vừa mới ra quân đã lập công rất lớn, có nhiều đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu biểu là các đồng chí Lục Vĩnh Tưởng, Bế Văn Thành…".

Trong trận đánh địch lấn chiếm trái phép cảng Cửa Việt tháng 1-1973, hiệu suất chiến đấu của tên lửa B72 được nâng lên rất cao.

B72 cùng các hỏa lực khác của bộ đội ta đã tiêu diệt 100 xe tăng địch, làm thất bại hoàn toàn chiến thuật "Xe tăng bầy", "Vỏ thép di động", tạo điều kiện để bộ binh giành thắng lợi, góp phần chuyển biến nhanh chóng cục diện, giành thắng lợi to lớn của chiến dịch.

“Pháo lủi” - một huyền thoại pháo binh Việt Nam - Ảnh 1.

Các cán bộ làm nhiệm vụ huấn luyện vũ khí B72 của Tiểu đoàn 371, năm 1971. Ảnh tư liệu

Cuộc tiến công năm 1972 đã đánh dấu bước trưởng thành của các lực lượng pháo binh, trong đó lực lượng tên lửa chống tăng B72 với đội hình khiêm tốn nhưng đã anh dũng, lập công xuất sắc.

"Ở đâu có tên lửa chống tăng B72 là anh em bộ binh yên tâm, phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ" - đúc rút đó của các đơn vị đã góp phần tô điểm và lan tỏa truyền thống "luồn sâu - đánh hiểm, vào gần - bắn trúng" của bộ đội "pháo lủi".

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tiểu đoàn 371 cùng với các đơn vị pháo binh toàn quân đã chuẩn bị ra trận với khí thế hào hùng chưa từng có. Từ cuối năm 1974, các đại đội của tiểu đoàn lần lượt tăng cường cho các đơn vị.

Mặt trận Tây Nguyên có Đại đội 2 và Đại đội 6. Mặt trận B2 có Đại đội 1 và Đại đội 3… Ngày 2-4-1975, đội hình của Tiểu đoàn 371 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Điến chỉ huy, trang bị 20 bảng điều khiển, 40 bệ, 400 quả tên lửa đã hành quân bộ vào chiến trường.

Đến ngày 25-4-1975, Đại đội 969 cũng tiến theo đường biển từ Hải Phòng nhắm thẳng Vũng Tàu chi viện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Trong chiến dịch lịch sử này, cả 5 cánh quân tiến về Sài Gòn đều có lực lượng tên lửa B72.

Bộ đội "pháo lủi" đã chi viện tích cực cho bộ binh vượt qua các trọng điểm ác liệt như: Long Thành, cầu Biên Hòa, Hóc Môn, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, ngã tư Hàng Xanh… tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép, ổ đề kháng của địch để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, riêng bộ đội "pháo lủi" đã có 2 đại đội và 3 cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là Đại đội 6, Đại đội 969 và các cá nhân: Lục Vĩnh Tưởng, Lê Văn Trung, Trần Thanh Hải.

Ngoài ra, Tiểu đoàn 371 còn có hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng những phần thưởng và danh hiệu cao quý; góp phần tô thắm truyền thống của Binh chủng Pháo binh anh hùng; để lại những tấm gương như huyền thoại về sự mưu trí, dũng cảm về bộ đội tên lửa chống tăng, những dũng sĩ "pháo lủi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại