Pháo hạm Nga AK-130 - "kẻ hủy diệt" tàu khu trục và UAV

Thùy Linh |

Theo Tạp chí Mỹ The National Interest, pháo hạm AK-130 cỡ nòng 130mm của Nga hiện đang là một trong những khẩu pháo mạnh nhất được sử dụng trên tàu chiến, có khả năng tiêu diệt tàu khu trục và máy bay không người lái (UAV) của đối phương.

Trong bài báo đăng trên The National Interest, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia Charlie Gao nhận định, do sự trì trệ trong lĩnh vực nghiên cứu và công tác thiết kế-thử nghiệm pháo hạm của Liên Xô nên dự án phát triển pháo hạm AK-130 đã phải trải qua nhiều khó khăn.

Nhưng sau khi được đưa vào sử dụng, AK-130 đã chứng tỏ là một loại vũ khí có hiệu suất cao, có tốc độ bắn hơn 60 phát/phút. Chuyên gia phân tích Charlie Gao đặt ra 2 vấn đề: Tại sao lực lượng Hải quân Liên Xô và học thuyết quân sự lại cần một "con quái vật" như vậy? Ngoài ra, ông muốn làm rõ liệu AK-130 có còn hữu dụng trong tình hình hiện tại hay không.

Liên Xô bắt đầu nảy sinh mong muốn sở hữu khẩu pháo tự động cỡ nòng lớn từ những năm Chiến tranh Thế giới thứ hai. Những người lính pháo binh của Lực lượng Vũ trang Liên Xô cho rằng, những khẩu pháo hiện có với cỡ nòng từ 100-130mm với tốc bộ bắn chậm làm hạn chế khả năng tấn công các mục tiêu trên không.

Bởi thế, sau chiến tranh, trong giai đoạn năm 1952-1955, Liên Xô đã phát triển một số nguyên mẫu thử nghiệm pháo tự động nạp đạn. Những loại pháo tự động dự kiến được phát triển và đưa vào trang bị của Hải quân trong khuôn khổ chương trình đóng tàu giai đoạn năm 1956-1965, nhưng sau đó kế hoạch này đã bị hủy bỏ.

Pháo hạm Nga AK-130 - kẻ hủy diệt tàu khu trục và UAV - Ảnh 1.

Pháo hạm AK-130. Nguồn: ru.wikipedia.org.

Vào năm 1957, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã ra lệnh ngừng công tác phát triển các loại pháo hạm cỡ nòng lớn hơn 76mm. Do đó, các tàu chiến Liên Xô buộc phải trang bị những khẩu pháo hạm cỡ nòng nhỏ, trong đó còn có cả loại pháo không có cơ chế tiếp đạn tự động dẫn đến hiệu quả tác chiến không cao.

Hệ quả là Hải quân Liên Xô bị tụt hậu so với lực lượng Hải quân của Anh, Mỹ, Thụy Điển và Italia về hỏa lực của dàn pháo hạm. Cuối cùng, chỉ đến năm 1967, Liên Xô mới chính thức quyết định tạo ra một khẩu pháo tự động cỡ nòng lớn.

Bản thiết kế kỹ thuật mang ký hiệu nhà máy ZIF-92 xuất hiện vào năm 1969. Đó là khẩu pháo một nòng cỡ nòng 130mm. Nhiều tính năng của khẩu pháo ZIF-92 sau này được ứng dụng vào pháo hạm AK-130.

Pháo ZIF-92 nổi bật với những đặc tính mới mẻ, nhưng không phải là không có thiếu sót. Các chuyên gia Liên Xô định lắp ZIF-92 trên tàu tuần tra thuộc Đề án 1135 Burevestnik. Tuy nhiên, ZIF-92 tỏ ra quá nặng đối với các tàu loại này và buộc phải nằm lại trên kệ.

Cuối cùng, hạm đội Liên Xô được chuyển giao loại pháo hạm với kết cấu 2 nòng vào năm 1985. Loại pháo này được đặt tên là AK-130 và được lắp đặt trên tàu khu trục Đề án 956 Sovremeny. AK-130 được bắt đầu phát triển vào năm 1976 tại phòng thiết kế Arsenal mang tên M.V. Frunze.

Thiết kế 2 nòng thực sự cần thiết cho pháo hạm bởi 1 nòng không đảm bảo được hiệu suất bắn 60 phát/phút. Với 2 nòng, pháo ASK-130 có thể bắn 80 phát/phút (mỗi nòng bắn 40 viên đạn). Mỗi viên đạn nặng 33kg. Tầm bắn tối đa khi tấn công các mục tiêu trên biển và trên mặt đất của AK-130 là 23km.

Ở vai trò phòng không, pháo AK-130 có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 15km. Còn khi tấn công tên lửa, AK-130 có tầm bắn hiệu quả lên đến 8km. AK-130 với nòng kép nặng khoảng 100 tấn và khay đạn 40 tấn.

The National Interest lưu ý rằng, tất cả những điều này làm cho việc lắp đặt AK-130 cực kỳ nặng. Trong khi đó, pháo hạm Mark 45 Mod 2 có cỡ nòng 127mm, được lắp đặt trên tàu khu trục Mỹ, chỉ nặng 54 tấn, bằng nửa AK-130. Nhưng pháo hạm Mark 45 Mod 2 chỉ có một nòng và chỉ chứa 20 viên đạn trong khay tiếp đạn.

Để tìm kiếm các mục tiêu và kiểm tra kết quả bắn, pháo hạm AK-130 sử dụng một trạm radar. Ngoài ra, AK-130 còn được trang bị hệ thống điều khiển bắn, bao gồm cả máy xác định phạm vi bằng laser. Với sự trợ giúp của tất cả các thiết bị hiện có, AK-130 cho thấy hiệu quả tác chiến cao khi chống lại các mục tiêu trên không.

Chuyên gia Charlie Gao tin rằng, với các đặc tính và khả năng ưu việt của mình, pháo hạm AK-130 là một trong những loại pháo hạm tốt nhất trong cuộc chiến chống lại máy bay không người lái. Ông cũng nhấn mạnh, pháo AK-130 của Liên Xô và của nước Nga sau này có khả năng mang lại những kết quả như mong đợi khi tấn công các mục tiêu trên biển và ven bờ.

Chuyên gia Charlie Gao kết luận, dù được phát triển từ lâu, AK-130 vẫn là vũ khí hiệu quả của Hải quân Nga, vừa có thể giải quyết các vấn đề "truyền thống" vừa đáp ứng được những thách thức của thời đại hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại