Phòng không Syria không phải "dạng vừa đâu"!
Lực lượng phòng không Syria được thành lập từ năm 1969 với đầu não nằm ở Thủ đô Damascus, có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây với việc được trang bị nhiều vũ khí mới có xuất xứ từ Nga, bên cạnh những loại vũ khí thuộc loại tương đối hiện đại đã được đưa vào biên chế từ trước đó.
Theo nhiều nguồn tin khác nhau, Lực lượng phòng không Syria là một quân chủng độc lập trong Quân đội Syria, có cơ cấu gồm 4 Bộ tư lệnh phòng không với 11 sư đoàn và 36 lữ đoàn phòng không, mỗi đơn vị được biên chế tới 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không.
Thống kê mới nhất cho thấy, Lực lượng phòng không Syria có khoảng 650 bệ phóng tên lửa thuộc các hệ thống phòng không cố định như S-75 Dvina, S-125 Neva/Pechora và S-200, cùng khoảng 200 bệ phóng thuộc các hệ thống phòng không cơ động như 2K12 Kub và Buk-M2.
Bên cạnh đó, Phòng không Syria còn sở hữu 2 trung đoàn tên lửa phòng không độc lập trang bị hệ thống tên lửa cơ động 9K33 Osa SAM, mỗi trung đoàn trang bị 4 tổ hợp. Đó là chưa kể một số lượng lớn tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 rất hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, lực lượng này còn sở hữu hơn 4.000 khẩu pháo phòng không các loại từ 23mm tới 100mm.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Syria.
Trang bị cụ thể của lực lượng phòng không Syria bao gồm: tới 320 bệ phóng tên lửa S-75M (SA-2), tới 148 bệ phóng tên lửa S-125 Pechora (SA-3), 48 bệ phóng S-200 S-200 Angara (SA-5), tới 200 bệ phóng 2K12 Kub (SA-6), tới 60 bệ phóng 9K33 Osa (SA-8), tới 20 bệ phóng 20 9K31 Strela-1 (SA-9) và tới 35 bệ phóng 9K35 Strela-10 (SA-13).
Đáng chú ý nhất phải kể tới các tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới vừa được Nga chuyển giao cho Syria trong thời gian gần đây bao gồm tới 28 bệ phóng tên lửa phòng không tầm trung 9K37 Buk-M2 (SA-11), 6 bệ phóng thuộc các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không 9M311-1M Tunguska (SA-19) và 50 xe pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1.
Có nguồn tin cho biết phòng không Syria còn sở hữu cả các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 tối tân nhưng dường như trên thực tế loại tên lửa này vẫn chưa được chuyển giao.
Bảng thành tích chiến đấu đang được nối dài
Mặc dù chưa tham chiến nhiều, nhưng kể từ năm 2012 trở lại đây, phòng không Syria đã có một số sự kiện đáng chú ý, trong đó phải kể đến:
- Ngày 22/06/2012, phòng không Syria bắn rơi 1 máy bay trinh sát phản lực McDonnell Douglas F-4 Phantom II của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, cả 2 phi công đều thiệt mạng và phải tới đầu tháng 7/2012 mới tìm thấy xác của họ. Vụ việc này gây nên sự căng thẳng chưa từng có giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
- Giữa tháng 11/2013, các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc phòng không Syria đã chiếu xạ vào 3 chiếc tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng khoảng 10 giây khi chúng đang bay trên khu vực Dörtyol, trên không phận phía nam tỉnh Hatay sau khi cất cánh từ các căn cứ không quân Incirlik và Merzifon.
Vụ việc này xảy ra khi 1 chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ 1 trực thăng Mi-17 của Syria hôm 16/09/2013 mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là đã xâm phạm vùng trời Syria cũng ở trên khu vực này.
- Ngày 17/03/2015, Quân đội Syria tuyên bố đã bắn rơi 1 máy bay chiến đấu và 1 máy bay không người lái của Israel khi các máy bay này không kích tỉnh Quneitra, Syria.
- Ngày 17/03/2017, Quân đội Syria lại tuyên bố đã bắn rơi 1 máy bay chiến đấu Israel sau khi nó xâm phạm không phận và tấn công các mục tiêu quân sự ở gần Palmyra. Lực lượng phòng vệ Israel phủ nhận thông tin này.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2 của Syria.
- Ngày 22/09/2017, các đơn vị phòng không Syria đã bắn hạ 2 chiếc máy bay không người lái của Israel bằng tên lửa Buk-M2, sau khi Israel tiến hành đòn tập kích đường không vào sân bay quốc tế Damascus mà phía Syria cho rằng không gây thương vong cho bất cứ binh sĩ hay dân thường Syria nào mà chỉ làm hư hại nhẹ một số công trình kiến trúc.
- 3 giờ sáng ngày 26/09/2017, bằng 1 quả tên lửa Buk-M2, phòng không Syria bắn rơi 1 máy bay không người lái vũ trang Israel khi nó hoạt động cách Damascus chừng 30km. Dường như chiếc UAV tấn công này đang tiến hành oanh kích sân bay Damascus một lần nữa thì bị bắn hạ khi còn chưa kịp thực hiện phóng đạn.
Video về vụ này đã được ghi hình bởi một người được cho là sĩ quan phòng không Syria. Sau đó, phòng không Israel đã trả đũa khi cố gắng ngắm bắn vào 1 chiếc máy bay ném bom Su-24 của Syria, nhưng phi công Syria đã cơ động nhanh, thoát khỏi hành động khóa bắn của tên lửa Israel..
- Ngày 16/10/2017, vào lúc 4h sáng, một đơn vị tên lửa S-200 của phòng không Syria đã bắn vào một máy bay chiến đấu phản lực của Israel khi đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Chiếc máy bay này sau đó đã bị loại khỏi biên chế.
Phòng không Syria tuyên bố đây là máy bay tiêm kích tàng hình F-35 do hãng Lockheed Martin (Mỹ) chế tạo, tuy nhiên Không quân Israel đã phủ nhận.
- Hôm qua, 10/02/2018, một chiếc máy bay F-16 của Israel đã bị bắn hạ ở miền Bắc Syria khi nó tham gia tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria.
Tiêm kích F-16 của Không quân Israel.
Tên lửa phòng không nào của Syria đã bắn rơi F-16 Israel?
Về lý thuyết, bất cứ loại tên lửa nào của Syria, cho dù là các loại cổ lỗ như S-75, S-125 Pechora hay S-200 đều có khả năng bắn rơi chiếc F-16 kể trên, tuy nhiên, dường như chiến công này có thể là của các tơ hợp tên lửa phòng không cơ động nhanh như Osa, Kub, Buk-M2 hay các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Tungusta và Pantsir-S1.
Sở dĩ có giả thiết này là vì Không quân Israel rất dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, luôn được đánh giá là khôn ngoan. Họ thường trinh sát rất kỹ về không chỉ mục tiêu mà còn cả các đơn vị tên lửa của Syria, để nắm được các di biến động của chúng, bởi đây vốn là lực lượng đe dọa thường trực đối với các máy bay chiến đấu Israel.
S-75, S-125 Pechora (chưa nâng cấp lên phiên bản Pechora-2M) hay S-200 đều là các loại cố định, thời gian di chuyển trận địa rất chậm nên khả năng cơ động phục kích các máy bay chiến đấu Israel là khá thấp, và Không quân Israel sẽ cố gắng tránh ô hỏa lực của các loại tên lửa này để giảm thiểu xác suất bị tấn công.
Trong khi các loại còn lại đều là những tổ hợp có thời gian triển khai thu hồi trận địa cực nhanh để đón lõng và khai hỏa bất thần vào các mục tiêu, khiến chúng không kịp trở tay.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin loại tên lửa nào của Syria đã bắn hạ F-16 Syria, tuy có 2 phỏng đoán cho rằng:
Thứ nhất, nếu chiếc F-16 "xấu số" của Israel bị bắn hạ kể trên bay vào tấn công các mục tiêu Syria ở độ cao lớn thì nhiều khả năng chiến công sẽ là của các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2, hệ thống Kub cũng có thể lập công tuy nhiên dấu ấn của các tổ hợp tên lửa phòng không loại này dù cơ động nhưng cũng đã khá lạc hậu.
Khả năng này không cao bởi các máy bay chiến đấu Israel thường sử dụng chiến thuật bay thấp theo địa hình, đột kích bất ngờ, nhằm tránh bị radar phòng không Syria phát hiện từ xa để báo động cho các đơn vị tên lửa phòng không chuyển cấp tiêu diệt kịp thời.
Thứ hai, tất cả các loại tên lửa phòng không cơ động của Syria đều có khả năng lập công bởi như đã nói ở trên, nếu máy bay chiến đấu F-16 Israel bay thấp thì Osa, Kub, Buk-M2 hay các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Tungusta và Pantsir-S1 đều có cơ hội, miễn là mục tiêu lọt vào tầm bắn hiệu quả của chúng.
Dù cho loại nào lập công đi chăng nữa thì cũng có thể thấy mật độ hỏa lực phòng không ở phía bắc của Syria khá dày đặc và hôm qua, dường như đã có một trận đánh hiệp đồng rất đẹp của nhiều loại tên lửa mà theo như South Front thì không chỉ có 1 chiếc F-16 Israel bị bắn rơi mà còn có tới 2 chiếc khác, trong đó có 1 F-15 bị phòng không Syria "hỏi thăm" và gây hư hại.
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 của Syria khai hỏa vào máy bay Israel hôm 22/09/2016.