Theo TASS, Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ đề nghị của Đức và Pháp trong việc thả các thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ hồi tháng trước.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra vào ngày 29/12 sau khi Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron đưa ra lời đề nghị Moscow thả 24 thủy thủ Ukraine bị bắt giữ hồi tháng trước gần Eo biển Kerch vào 28/12.
Nga đang giữ 24 thủy thủ Ukraine sau khi bắt họ cùng các con tàu Ukraine tháng trước gần eo biển Kerch, nơi nối giữa biển Đen và biển Azov.
Nga cáo buộc rằng các tàu Ukraine này xâm phạm lãnh hải của Nga gần Crimea. Phía Ukraine thì nói Nga bắt giữ 3 tàu trái phép và cáo buộc Moscow gây hấn quân sự.
Quan hệ Nga-Ukraine trở nên căng thẳng sau vụ Moscow bắt giữ tàu Ukraine tháng trước
Ukraine và nhiều quốc gia lên tiếng phản đối Nga
Trong tuyên bố chung, bà Merkel và ông Macron đã nói sự việc là nguồn cội của "sự lo ngại sâu sắc".
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các tàu sử dụng Eo biển Kerch phải được di chuyển an toàn, tự do và không bị cản trở và việc trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho các thủy thủ Ukraine. Họ phải được có những ngày nghỉ với gia đình", tuyên bố viết.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Nga Putin đã thảo luận về đề nghị thả các thủy thủ với bà Merkel. Tuy nhiên, ông Peskov cho biết Nga sẽ "hành động phù hợp với luật pháp Nga", hãng thông tấn Nga trích lời ông Putin cho biết hôm 29/12.
Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức ra một tuyên bố đáp trả thẳng thừng: "Thật đáng tiếc rằng phần thứ 2 của tuyên bố này - trong đó Berlin và Paris quá ngạo mạn khi cáo buộc Nga vi phạm nhân quyền tại Crimea, về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Azov và Eo biển Kerch - đưa ra những đòi hỏi không thể chấp nhận được với chúng tôi".
Cơ quan An ninh Liên Bang Nga (FSB) cho biết việc xây dựng tuyến hàng rào dài 60 km ở biên giới Crimea và Ukraine đã được hoàn thành. Việc này sẽ giúp ngăn ngừa việc xâm phạm và tăng cường an ninh cho biên giới.
Tuyến rào chắn này bắt đầu được triển khai vào năm 2015 với tổng chi phí là 2,9 triệu USD. "Tổ hợp chống xâm nhập của hàng rào đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2018. Nó được trang bị cảm biến rung" - Vasili Kochetkov, đội trưởng đơn vị an ninh biên giới trực thuộc FSB cho biết.
"Sự xâm nhập của các nhóm phá hoại đang là một trong những thách thức. Vì vậy, tổ hợp này có thể phát hiện những kẻ xâm nhập khi chúng tiếp cận hàng rào", ông Kochetkov cho biết.
Hôm 26/12, Tổng thống Ukraine Poroshenko thông báo chấm dứt thiết quân luật ở khu vực biên giới của nước này.
Trong khi đó, Ria Novosti dẫn thông báo của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 29/12 cho biết, ông đã ký ban hành thành luật lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ Ukraine vào Nga, nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phía Kiev.
"Nga áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với một số hàng hóa Ukraine. Đây là biện pháp đáp trả các lệnh hạn chế do phía Ukraine thực hiện hồi đầu tuần. Tôi đã ký quyết định liên quan", thông báo của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết.
Theo cơ quan báo chí của Bộ Kinh tế Nga, nhập khẩu hàng hóa của Ukraine sang Nga nằm trong lệnh cấm cuối cùng của năm 2018 ước tính khoảng 510 triệu USD. Trong năm 2017, nhập khẩu những hàng hóa này lên tới 468,9 triệu USD.
Danh mục các hàng hóa Ukraine bị cấm nhập khẩu vào Nga gồm: các sản phẩm bột, lúa mì, cá, rau củ, mứt trái cây, nước ép hoa quả, rượu….
Trước đó, ngày 26/12, Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraine đã thông qua quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Trong một tuyên bố, cơ quan báo chí của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraine nêu rõ: "Hội đồng quyết định ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, chủ yếu nhằm vào những cá nhân và thực thể: các công ty Nga, doanh nhân, chính trị gia và nghị sĩ, nhân viên của các cơ quan thực thi pháp luật".