Phạm sai lầm trong cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc có thể phải trả giá đắt

Phương Anh |

Chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc cần có kế hoạch hành động mới sau khi đánh giá sai lầm về Tổng thống Mỹ Donald Trump và mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với EU.

Zhang Lin, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Unirule, Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã phạm phải hai sai lầm trong xung đột thương mại với Mỹ, khiến nước này có khả năng phải trả giá đắt.

Theo Zhang Lin, chính quyền Bắc Kinh đã đánh giá sai Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng ông chỉ là một doanh nhân và những đe dọa chiến tranh thương mại của ông chỉ là nói quá trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Thực tế, Washington đã làm rõ trong báo cáo Chiến lược Quốc phòng được tiết lộ trước khi căng thẳng thương mại leo thang rằng Mỹ không thể chấp nhận hiện trạng các hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc.

Thông điệp được đưa ra là Trung Quốc sẽ không thể kiếm tiền từ Mỹ chừng nào còn là một mối đe dọa với kinh tế nước này.

Sai lầm thứ hai có thể Bắc Kinh đã phạm phải là đánh giá nhầm mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, với hy vọng một cách thiếu thực tế rằng có thể hình thành liên minh thương mại với EU để đối phó với Washington, chuyên gia Zhang Lin nhận định.

Theo ông, dù có nhiều bất đồng trong các mối quan hệ khu vực Đại Tây Dương – như việc Anh cùng Pháp, Đức tham dự Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á do Trung Quốc dẫn đầu bất chấp Mỹ phản đối – nhưng các nước phương Tây vẫn chia sẻ một số giá trị chung cốt lõi.

Tuyên bố mới nhất của Mỹ-EU cũng gửi một thông điệp nữa đến Bắc Kinh rằng Washington và EU sẽ “làm việc chặt chẽ cùng nhau như những đối tác có cùng suy nghĩ” để giải quyết một loạt vấn đề như “ăn trộm tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ ép buộc, trợ cấp công nghiệp, sự lệch lạc của các công ty nhà nước và sự dư thừa”.

Không khó để trả lời Trung Quốc có nằm trong số các "đối tác cùng suy nghĩ" này hay không.

Hai sai lầm trên được cho là có thể khiến Trung Quốc mắc vào cái bẫy thu nhập trung bình – khái niệm lần đầu tiên được Ngân hàng thế giới đưa ra năm 2006 để chỉ nền kinh tế thu nhập trung bình trì trệ và không thể lấy lại đà phát triển cao hơn.

Dù các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc và dòng chảy thương mại không dễ dàng khô cạn chỉ sau một đêm nhưng "kỷ nguyên xuất khẩu vàng" kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 được cho là đang trên đà kết thúc.

Video: Lãnh đạo các nền kinh tế APEC chụp ảnh kỷ niệm

Theo Zhang Lin, “điều kỳ diệu kinh tế” của Trung Quốc trong vòng 4 thập kỷ qua dựa vào hai yếu tố: khi khối kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả mở đường cho kinh tế tư nhân nở rộ, bên cạnh đó là sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, trong mô hình phát triển kinh tế do nhà nước dẫn đầu, các doanh nghiệp nhà nước có lợi thế trong khi khối tư nhân rút lui khiến một trong hai trụ cột tăng trưởng bị phá hủy. Cuộc chiến thương mại với Mỹ và chương trình đánh thuế qua lại bắt đầu làm lung lay nốt trụ cột còn lại, đe dọa đến nguồn phát triển của nền kinh tế Trung Quốc.

Nếu Mỹ, EU và thậm chí Nhật Bản hình thành một khối tự do thương mại mới trong thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại, sẽ càng khó khăn hơn cho nước này phục hồi tăng trưởng. Thực tế kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu phát triển chậm lại từ năm 2013.

Bắc Kinh liên tục khẳng định không sợ cuộc chiến thương mại với Washington, trong khi truyền thông Trung Quốc kêu gọi người dân chia sẻ gánh nặng với chính phủ.

Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình hình bằng cách đẩy mạnh mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng Lưu Hạc – người đã có những bước đi táo bạo làm rung chuyển khối kinh tế nhà nước gần đây được bổ nhiệm phụ trách một cơ quan cải cách các doanh nghiệp nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại