Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiến thêm nước nữa trong căng thẳng thương mại ngày càng leo thang với Trung Quốc khi đe dọa áp thuế thêm 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thể hiện lập trường cứng rắn, ngay lập tức, Trung Quốc công bố kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh cảnh báo đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp thương mại mới nhằm đáp trả mạnh mẽ, nếu Tổng thống Donald Trump tiến hành việc áp thuế bổ sung.
Câu chuyện Mỹ - Trung một lần nữa trở thành tâm điểm của chính giới quốc tế, khi hai cường quốc về kinh tế có lần đối đầu trực diện thông qua những tuyên bố cứng rắn, đáp trả gần như lập tức lẫn nhau. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia về châu Mỹ là PGS.TS Cù Chí Lợi (Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ), các nước còn có nhiều lợi ích kinh tế cần bảo vệ trước khi đi đến hiện thực hóa những đối đầu bằng chiến tranh thương mại.
Trong suốt một tuần đối đầu căng thẳng vì những lợi ích liên quan đến cán cân thương mại, Mỹ và Trung Quốc có lúc đã đứng bên bờ của một cuộc chiến tranh kinh tế. Là một chuyên gia về châu Mỹ, đặc biệt là về Hoa Kỳ, ông nghĩ sao về nguy cơ cuộc chiến do chính Tổng thống Donald Trump khơi mào này?
Tôi cho rằng, những lo ngại của thế giới trước nguy cơ về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là là có cơ sở. Đây là lần đầu tiên các bên có những tuyên bố cứng rắn như vậy trong vấn đề thương mại, vốn là "nỗi nhức nhối" nhiều năm của giới kinh doanh và chính khách Mỹ mỗi khi nói về bạn hàng Trung Quốc.
Trong quá khứ, các cuộc chiến tranh lớn chủ yếu bắt nguồn từ lợi ích kinh tế, phân chia thị trường. Khi mâu thuẫn lợi ích kinh tế giữa một cường quốc mới nổi và một cường quốc tại vị không thể hòa giải, có thể kéo theo những bất ổn ở nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh quốc gia.
Kinh tế thế giới ngày càng phẳng, mối quan hệ lợi ích giữa các nước từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Phi giờ đây đã không còn là chuyện của từng quốc gia riêng lẻ. Mọi bước đi, do đó, sẽ kéo theo những hậu quả chưa thể đoán định được cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đã bao hàm đầy mâu thuẫn và "mong manh" dưới tác động của mâu thuẫn chính trị kéo dài.
Phải đi đến một cuộc chiến tranh thương mại là điều mà cả Trung Quốc, Mỹ và các nước đều không mong muốn. Những tác động của cuộc chiến, nếu xảy ra, sẽ không còn gói gọn trong phạm vi hai quốc gia đối đầu, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và làm chững lại xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa.
Theo ông, sự đối đầu với Trung Quốc có phải là bước hiện thực hóa những phát ngôn cứng rắn từ phía tổng thống Donald Trump với Bắc Kinh trước và sau khi ông này đắc cử Tổng thống Mỹ không?
Thời điểm tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đưa ra một số nội dung lớn trong cương lĩnh tranh cử của mình, bao gồm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, vấn đề người nhập cư, đường biên giới cứng trên bộ với Mexico, xây dựng nước Mỹ hùng cường từ nội tại…
Giờ đây, sau 1 năm, các bài toán nhập cư, biên giới… đều tỏ ra khó đáp ứng được kỳ vọng, ông Trump cần có được thành tựu nhất định về các vấn đề khác để củng cố uy tín của mình. Lúc này, thương mại với Trung Quốc là lựa chọn ưu tiên.
Nếu tính tới thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, những tính toán về việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc của ông Donald Trump có thể được hiểu là biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ và nền kinh tế Mỹ, mang lại những giá trị thiết thực nhất cho người Mỹ. Chiến thắng trong vấn đề này sẽ khiến uy tín của người đứng đầu Nhà Trắng tăng mạnh, bởi xét cho cùng, các lợi ích về kinh tế vẫn là thứ người Mỹ cần nhất vào lúc này.
Xét về cách thức thực hiện, những tính toán của ông Trump cũng dễ hiểu. Kinh tế Mỹ cất cánh vốn dựa vào sự nhảy vọt về công nghệ so với các nước khác, thay vì cạnh tranh trên các nhóm ngành sản xuất chế tạo máy móc mà Trung Quốc theo đuổi.
Nhưng người đứng đầu nước Mỹ vẫn chọn mũi nhọn tấn công vào các sản phẩm thuộc ngành hàng không, công nghệ, máy móc, thiết bị y tế, sản phẩm giáo dục…, đều là những ngành có ý nghĩa quan trọng với kinh tế với Trung Quốc.
Là người khơi mào, nhưng Mỹ có cần áp dụng cùng lúc và triệt để hàng loạt biện pháp cứng rắn như vậy không, bởi xét cho cùng, nếu Trung Quốc thiệt hại thì phía Mỹ cũng không toàn vẹn được lợi ích?
Mấu chốt của việc Mỹ tung hàng loạt biện pháp cứng rắn xuất phát từ thâm hụt lớn nhất trong vòng 10 năm qua của quốc gia này ở thị trường Trung Quốc. Chỉ tính riêng năm 2017, các báo cáo của Mỹ chỉ ra nước này đang đang mất 375 tỷ USD vì chi tiền nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Nhưng 375 tỷ USD vẫn chưa đủ để tổng thống Trump phải đẩy căng thẳng đến bên bờ một cuộc chiến tranh thương mại "một mất, một còn" với Trung Quốc.
Mục đích chính của Mỹ là khiến Bắc Kinh mở cửa, nới lỏng hạn chế nhập khẩu của một số ngành nghề để hàng hóa từ Mỹ thâm nhập sâu hơn, cân bằng cán cân thương mại và qua đó, thỏa thuận được những điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty của Mỹ đang hoạt động tại quốc gia này.
Có thể thấy rõ điều này khi Mỹ để ngỏ rất nhiều khả năng về việc áp dụng hàng rào thuế quan mới như cần phải tham khảo các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và đề ra thời hạn để điều chỉnh trước khi hành động cụ thể. 60 ngày tham khảo ý kiến của nội bộ nước Mỹ là thời gian đủ để xúc tiến hàng loạt cuộc gặp giữa hai bên, nhằm tìm kiếm những giải pháp mềm dẻo hơn cho vấn đề.
Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thực sự xảy ra, liệu cuộc đụng độ này có khơi mào cho một cuộc chiến ở quy mô toàn cầu không thưa ông?
Hiện nay, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước và lây lan sang cuộc chiến tranh thương mại ở tầm quốc tế là rất hãn hữu. Nhiều quốc gia vẫn tin vào xu hướng hội nhập toàn cầu. Các hiệp định thương mại như CPTPP vẫn được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tin tưởng và ký kết.
Ở góc độ nào đó, căng thẳng giữa hai nước có thể tác động gián tiếp, khiến các quốc gia khác do dự, đánh mất cơ hội khi hội nhập.
Tuy nhiên, cần hiểu rõ, cả hai người đứng đầu Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump sẽ sẵn sàng làm những gì cần thiết để đạt được mục đích, bảo vệ quyền lợi nước Mỹ.
Nhìn lại lịch sử mâu thuẫn thương mại trên thế giới, trước khi chiến tranh thương mại nổ ra và đưa đến những hậu quả tức thời, thông qua các tiến trình ngoại giao, các bên sẽ có nhiều cuộc gặp để ngồi lại đám phán, đi đến đồng thuận hoặc đưa ra biện pháp nhượng bộ. Vì thế, kịch bản Mỹ - Trung đàm phán còn rất rộng mở.
Trong một kịch bản xấu nhất, những thỏa thuận để tiến đến hòa giải thương mại không đạt được, Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành những người thiệt hại lớn nhất, bởi họ là nguồn cung đầu vào và cũng là thị trường hàng đầu của nhau trong nhiều mũi nhọn kinh doanh chiến lược.
Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, biện pháp áp thuế của tổng thống Donald Trump không mang lại hiệu quả, thay đổi lớn về mặt kinh tế nước Mỹ. Đơn cử, nhiều công ty lớn của Mỹ đầu tư vào Trung Quốc sẽ chịu rủi ro khi nước này áp dụng các biện pháp đáp trả. Điển hình là hai hãng xe Mỹ như Ford và GM có thể bị tổn hại nặng nề khi mức thuế áp mới được Bắc Kinh triển khai.
Dưới dự đoán của ông, các quốc gia khác sẽ chịu ảnh hưởng ra sao nếu những căng thẳng thương mại không thể xoa dịu, đặc biệt là Việt Nam?
Tắc nghẽn thương mại sẽ làm nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc suy giảm, điều này ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của nhiều quốc gia có mối quan hệ thông thương với cả hai cường quốc.
Cụ thể, với hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc sẽ tìm cách hạ giá, phá giá, đẩy hàng sang một nước thứ ba, gây những biến động mạnh mẽ tới thị trường sản xuất và tiêu thụ của thế giới.
Ở một diễn biến khác, nếu Mỹ siết nhập khẩu với Trung Quốc, thì Việt Nam có thể trở thành nước tiếp theo nằm trong tầm ngắm, khi bị xếp chung nhóm bán phá giá, hạ giá, cấm nhập vào Mỹ. Nguyên nhân là Việt Nam có tỉ lệ xuất siêu sang Mỹ khá cao, thường trong top 5, trong đó, nhiều ngành lại nhập khẩu 40% nguyên liệu, máy móc, hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo dự đoán của ông, nếu như mối quan hệ với Trung Quốc rạn nứt, liệu Mỹ có ý định ký một hiệp định thương mại khác với các nước, thay thế cho thất bại với TPP?
Với quan điểm của Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ chịu nhiều ảnh hưởng trong các hiệp định thương mại. Điều này thể hiện khá rõ khi Mỹ dừng hiệp định xuyên Thái Bình Dương TTP và dần không phụ thuộc vào các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong giải quyết tranh chấp.
Thêm một lý do, đội ngũ cố vấn của ông Donald Trump đều là những người không thiên về thương mại thế giới. Do vậy, hiện tại, khả năng Mỹ ký kết một hiệp định song phương, đa phương mới là ít. Nếu có một hiệp định ở tương lai, đó sẽ là khi kinh tế Mỹ đã ở một xu hướng nhảy vọt mới, giúp Mỹ có tâm thế vượt trội so với phần còn lại trên bàn đàm phán.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!