Pep Guardiola đốt tiền mua hậu vệ: Thú vui hay nỗi ám ảnh?

Ngọc Huy |

Sự nghiệp của Pep Guardiola đầy thành công, nhưng cũng lắm vấn đề. Một trong số đó là rắc rối với các hậu vệ.

Vòng xoáy điên cuồng của đồng tiền

Kể từ khi Pep Guardiola bắt đầu sự nghiệp huấn luyện chuyên nghiệp, năm 2008, không một ai trên thế giới tiêu tiền nhiều hơn ông.

898,57 triệu bảng là tổng số tiền mà Pep đã sử dụng để mua các cầu thủ, từ Barca đến Bayern Munich, và hiện tại với Man City.

Riêng mùa Hè năm nay, Pep đã tiêu đến 226 triệu bảng. 158 triệu bảng trong số đó được dành cho các hậu vệ. Họ là Benjamin Mendy, Kyle Walker và Danilo.

Một năm trước, khi vừa đặt chân đến Anh, nhà cầm quân người Tây Ban Nha cũng đã tiêu 50 triệu bảng để mua John Stones.

Cách mua sắm của Pep được mô tả là điên cuồng, và thiếu kiểm soát. Man City có một bộ máy phụ trách thể thao riêng biệt, nhưng Pep được toàn quyền quyết định về chính sách chuyển nhượng.

Pep Guardiola đốt tiền mua hậu vệ: Thú vui hay nỗi ám ảnh? - Ảnh 1.

Kyle Walker là hậu vệ mới nhật được Pep Guardiola tậu về.

Tự ý mua sắm như một đặc quyền của Pep ở những nơi ông làm việc. Trước đó, ông cũng tiêu tiền vô tội vạ, và tập trung nhiều vào các hậu vệ.

Trong mùa giải đầu tiên của sự nghiệp, 2008/09, Pep mang về Barca các hậu vệ Dani Alves, Martin Caceres, Henrique và Gerard Pique, có tổng giá trị 65 triệu euro. Đây cũng là thời điểm đánh dấu việc Barca phá vỡ cơ cấu ngân sách chuyển nhượng trong lịch sử đội bóng.

Một năm sau, ông mua Dmytro Chrygrynskiy với giá 25 triệu euro - kỷ lục dành cho một trung vệ ở Barca (đến 2016, Samul Umtiti cân bằng kỷ lục này), rồi tậu thêm hậu vệ trái Maxwell.

Bước vào mùa 2010/11, Pep Guardiola lấy Adriano để tăng chiều sâu cho hai cánh. Thời điểm ấy, Mascherano cập bến Barca, 20 triệu euro từ Liverpool, và được Pep kéo từ vị trí tiền vệ xuống đá trung vệ.

Trong 4 mùa ở Barca, chỉ thời điểm 2011/12 là Pep không mua hậu vệ, mà tập trung vào Cesc Fabregas và Alexis Sanchez. Thực tế, khi ấy giữa Pep và Chủ tịch Sandro Rosell đã nảy sinh mâu thuẫn, vì đòi hỏi mua trung vệ của ông bị từ chối (mục tiêu cụ thể là Thiago Silva), dẫn đến cuộc chia tay vào cuối mùa.

Pep Guardiola đốt tiền mua hậu vệ: Thú vui hay nỗi ám ảnh? - Ảnh 2.

"Bom tấn" Dmytro Chrygrynskiy là bản hợp đồng hớ kỷ lục của Pep Guardiola.

Thói quen mua hậu vệ của Pep trở lại trong mùa thứ hai ông dẫn Bayern Munich, 2014/15. Medhi Benatia (28 triệu euro) và Juan Bernat (10) là những hậu vệ được ông kéo về sân Allianz Arena. Ở mùa tiếp theo, Pep mua hậu vệ trẻ Joshua Kimmich (8), và mượn Serdar Tasci (có tính phí 2,5 triệu euro).

Thú vui hay nỗi ám ảnh?

Vì sao Pep Guardiola luôn mua hậu vệ mới ở các kỳ chuyển nhượng, trong khi đây là tuyến cần có tính ổn định cao? Đó phải chăng là thú vui của ông?

Việc làm mới đội hình là rất cần thiết, để tạo cạnh tranh. Nhưng hàng thủ là một ngoại lệ. Pep phớt lờ yếu tố này, luôn thích thú trong việc mua các hậu vệ mới dù không cần thiết.

Có mấy hậu vệ thành công với Pep? Không nhiều! Ở Barca, chỉ Dani Alves và Pique là hai hậu vệ do Pep mua về có được vị trí đá chính. Họ gắn với triều đại rực rỡ nhất của ông với gã khổng lồ xứ Catalunya, khi giành đến 14 danh hiệu.

Trong khi đó, Chrygrynskiy là một thảm họa nổi tiếng gắn với sự nghiệp của Pep. Tương tự là Benatia ở Bayern, một trung vệ đắt giá nhưng ông không biết sử dụng như thế nào.

Pep Guardiola đốt tiền mua hậu vệ: Thú vui hay nỗi ám ảnh? - Ảnh 3.

Dani Alves là bản hợp đồng hậu vệ hiếm hoi thành công của nhà cầm quân người Tây Ban Nha.

Stones là một thất bại khác, ít nhất là tính đến lúc này, và dựa trên số tiền mà Man City bỏ ra. 50 triệu bảng cho một trung vệ thường xuyên mắc sai lầm, sai vị trí và rất dễ bị qua mặt.

Không khó để giải thích cho việc Pep liên tục mua hậu vệ.

Vị HLV sinh năm 1971 này luôn bị ám ảnh bởi việc kiểm soát bóng. Ông đòi hỏi mọi vị trí trong đội hình phải biết giỏi về chuyền bóng. Ngay những thủ môn muốn làm việc cùng Pep cũng phải đáp ứng một yêu cầu bắt buộc: xử lý bóng bằng chân giỏi.

Pep bị ám ảnh bởi việc kiểm soát bóng cũng như chiếm lĩnh không gian, từ đó phát triển lối chơi dựa trên nền tảng tiki-taka, để rồi các hậu vệ cũng trở thành một nỗi ám ảnh khác của ông.

Chrygrynskiy và Benatia thất bại vì anh là mẫu trung vệ đánh chặn, không giỏi chuyền bóng như Pique. Stones thì bị ép phải làm nhiệm vụ tổ chức tấn công từ tuyến sau, một vai trò vượt quá tầm và tư duy của anh.

Sau 3 trận Premier League mùa này, chỉ có 1 trận Man City giữ sạch lưới trước đối thủ yếu Brighton. Everton giành 1 điểm ngay tại Etihad, trong khi Bournemouth cũng khiến họ chật vật để lấy 3 điểm rồi ăn mừng như thể vô địch.

Điểm chung của 3 trận đấu này là Man City phòng ngự cực tệ, khung thành thủ môn Ederson Moraes như luôn mở toang mời gọi tiền đạo đối thủ. Các trung vệ Otamendi, Kompany và Stones đều đá kém. Những hậu vệ cánh vừa được mua về là Walker và Danilo thi đấu dưới sức. Chỉ Mendy là tròn vai, nhưng vẫn là dưới sự kỳ vọng của bản hợp đồng 52 triệu bảng.

Sự khởi đầu của Man City báo hiệu, Pep sẽ chưa thể thoát khỏi cơ ám ảnh mua sắm hậu vệ.

Man City không thắng Liverpool trong giờ thi đấu chính thức kể từ 2014. Trong cuộc chiến trên sân nhà Etihad, lúc 18h30 ngày 9/9, cơ hội để Man City của Pep Guardiola lấy 3 điểm trước Liverpool là không cao. Thậm chí, sự lỏng lẻo trong phòng ngự của Man City sẽ tạo cơ hội để lối chơi tấn công rực lửa mà Liverpool theo đuổi phát huy tối đa hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại