Ông Trump rơi vào tình cảnh "trớ trêu" khi Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử thành công ICBM

Tất Đạt |

Theo giới chuyên gia, Mỹ ngày càng khó khăn trong chính sách đối phó Triều Tiên, sau khi nước này tuyên bố thử thành công tên lửa "có thể bắn trúng mọi địa điểm trên thế giới".

Triều Tiên và tên lửa hạt nhân

Hôm thứ Ba (4/7), CHDCND Triều Tiên tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia rằng việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thành công ngay trước ngày Quốc khánh Mỹ. Sự kiện này phần nào đã gây tổn hại sâu sắc hơn mối quan hệ vốn nhiều thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên.

Theo ông Cho Han Gyu, chỉ huy chiến dịch tại Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn quốc (JCS), Seoul đang làm việc với Mỹ để xác định liệu tên lửa trong cuộc thử nghiệm có thực sự là tên lửa đạn đạo hay không.

Triều Tiên đã liên tục đe dọa tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định nước này có đủ khả năng và kĩ thuật quân sự để làm vậy.

Ông Trump rơi vào tình cảnh trớ trêu khi Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử thành công ICBM - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 1/2017 phản đối việc Triều Tiên nghiên cứu và sản xuất tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, đặc biệt là phát triển tên lửa có thể tấn công trực tiếp lãnh thổ Mỹ.

Khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thông báo nước này đã tiến tới giai đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân, ông Trump cho rằng đây là chuyện "bất khả thi" và Bình Nhưỡng sẽ không thành công.

Tuy nhiên theo ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Học viện Lowy ở Sydney, Australia, Washington đã thất bại trong việc ngăn chặn Triều Tiên tái chế các nguyên liệu hạt nhân, không thể cản được các vụ thử tên lửa. Và hiện tại, Triều Tiên không chỉ sở hữu một loại tên lửa cơ bản, mà có tới tận 7 loại khác nhau với độ tinh xảo và phức tạp đáng kinh ngạc.

Sống chung với lũ ?

Các chuyên gia cho rằng chính quyền ông Trump không có nhiều lựa chọn trong đối đầu với Triều Tiên. Thúc giục Trung Quốc đặt áp lực lên Triều Tiên hay đặt các lệnh trừng phạt hiện tại không đem lại nhiều hiệu quả. Mỹ cần phải suy xét và cân nhắc cẩn thận hơn những quyết định của mình.

Chủ trương nối lại đối thoại ngoại giao với Bình Nhưỡng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khó có thể được chấp nhận tại thời điểm hiện tại, trong khi việc dùng tới vũ lực cũng không khả thi. Mỹ không hề muốn chiến tranh xảy ra, đặc biệt khi tính mạng của hàng triệu người tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc có thể bị đe dọa.

Ông Trump rơi vào tình cảnh trớ trêu khi Triều Tiên bất ngờ tuyên bố thử thành công ICBM - Ảnh 2.

Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Học viện Lowy, Sydney

Học giả Graham cho rằng phương án khả thi nhất hiện tại là Mỹ nên học cách sống chung với một Triều Tiên hung hăng.

Theo ông, đây là giải pháp không tránh khỏi và không sớm thì muộn Washington cũng phải làm quen với việc đó.

Vai trò của Trung Quốc

Tổng thống Trump từ lâu đã thúc giục Trung Quốc đặt áp lực lên nước láng giềng Triều Tiên. Sau vụ thử tên lửa vào thứ Ba, ông Trump lại một lần nữa thể hiện quan điểm này qua Twitter.

Mặt khác, cũng trong tuần qua, Mỹ cho biết quốc gia này đã mất niềm tin vào chính quyền Bắc Kinh khi Trung Quốc vẫn khá "đủng đỉnh" trong việc ngăn chặn những động thái mới từ phía Triều Tiên.

Hiện tại, khó có thể thể nói rằng Trung Quốc đang hết sức nỗ lực để kìm hãm Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh cũng có thể đổ lỗi cho Mỹ rằng nếu ông Trump lắng nghe lời kêu gọi của nước này và dừng các hoạt động tập trận với Hàn Quốc thì Triều Tiên có thể đã ngừng các vụ thử tên lửa.

Ông Graham kết luận, Trung Quốc sẽ tìm cách né tránh mọi cáo buộc từ Mỹ thông qua việc khẳng định nước này không thể kiểm soát được Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại