Ông Trump nôn nóng, ông Tập đủng đỉnh và "kịch hay" chờ đợi 3 nguyên thủ tại Osaka

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Còn không đầy hai tuần nữa, tại thành phố Osaka của Nhật Bản sẽ diễn ra hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G-20.

Ba nguyên thủ cùng tới Osaka

Không thể không công nhận hội nghị G-20 là sự kiện lớn của thế giới cho dù càng ngày càng chuyển biến theo hướng trở thành cuộc thượng đỉnh "đến hẹn lại lên".

Nhưng năm nay, bản thân nó không được để ý quan tâm bằng chuyện liệu sẽ có cuộc gặp song phương giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với tổng thống Nga Vladimir Putin và với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không, đặc biệt là về cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình.

Điều có thể chắc chắn được là cả ba người này đều sẽ đến Osaka. Ông Trump đã khẳng định sự tham dự hội nghị cấp cao từ khi tới thăm Nhật Bản trong tháng trước và đặc biệt bằng lời doạ là Mỹ sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại 25% với thêm 325 tỷ USD giá trị hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ nếu ông Tập Cận Bình không tới Osaka để gặp ông Trump.

Ông Trump nôn nóng, ông Tập đủng đỉnh và kịch hay chờ đợi 3 nguyên thủ tại Osaka - Ảnh 1.

Thành phố Osaka. Ảnh minh họa: The Most Perfect View

Ông Putin và ông Tập Cận Bình sẽ tới Osaka vì đã cùng hẹn thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiến hành cuộc gặp cấp cao 3 bên lần thứ 3. Đương nhiên, ông Tập Cận Bình tới Osaka vì những toan tính của Trung Quốc ở khuôn khổ diễn đàn G20 và vì có chuyện song phương giữa Trung Quốc với Nhật Bản là chính và trước hết chứ không phải vì lời đe doạ của ông Trump.

Ông Trump về sau cũng đã nhận ra là đã phát biểu hớ nên chữa cháy bằng bao biện rằng "không quan tâm đến việc ông Tập Cận Bình có tham dự sự kiện ở Osaka hay không".

Nhìn vào biểu hiện ra bên ngoài, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn rất trắc trở và không thấy có biểu hiện về triển vọng được cải thiện trong thời gian tới. Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không xác nhận nhưng cũng không phủ nhận việc ông Trump và ông Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề sự kiện ở Osaka - như năm ngoái ở Argentina.

Cuộc đấu trí căng thẳng

Ở đây có hai điều hiện còn mập mờ.

Thứ nhất, giữa Mỹ và Trung Quốc không thấy đàm phán công khai nhưng không biết có đàm phán bí mật kín hay không. Nếu hai bên đàm phán bí mật với nhau mà đạt kết quả thì ông Trump và ông Tập Cận Bình sẽ gặp nhau ở Osaka để công bố "thoả thuận lớn".

Ông Trump rất thích kiểu cách này bởi hiệu ứng truyền thông rất lớn và tác động chính trị đối nội rất lợi cho ông Trump. Nếu đàm phán không đạt kết quả thì chắc hai người này sẽ không gặp nhau ở Osaka hoặc nếu có gặp nhau thì kết quả sẽ chỉ là một thoả thuận chung chung như năm ngoái họ có được ở Argentina.

Còn nếu hai bên không đàm phán bí mật với nhau trước hội nghị cấp cao của G20 thì hai người sẽ không gặp nhau ở Osaka hoặc có gặp nhau thì cũng chưa thể có được thoả thuận lớn.

Thứ hai là chuyện bên nào sẽ công bố trước là sẽ có cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình ở Osaka. Trung Quốc chắc chắn sẽ không phải là bên làm việc này bởi ai công bố chuyện ấy trước sẽ không thể tránh khỏi bị coi là "cần cuộc gặp hơn phía bên kia", tức là bị coi là cầu cạnh và yếu thế, tức là bị mất thể diện.

Ông Trump nôn nóng, ông Tập đủng đỉnh và kịch hay chờ đợi 3 nguyên thủ tại Osaka - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa: Carlos Barria/Reuters

Hiện tại, mọi biểu hiện đều cho thấy phía ông Trump có vẻ nôn nóng hơn hẳn phía ông Tập Cận Bình. Lý do ở chỗ Trung Quốc đã bị Mỹ đẩy đến tình thế chẳng còn có cái gì để mất thêm được nữa trong khi Mỹ lại có nhu cầu giải quyết vấn đề.

Ép mãi và cứ gia tăng áp lực tối đa mãi mà đối phương không nhượng bộ hay bị khuất phục thì không thể được coi là thắng lợi hay thành công.

Cho nên nhiều khả năng kịch bản đang diễn ra là Trung Quốc cố tình tỏ ra không có nhu cầu cấp thiết với cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình ở Osaka, theo kiểu "có cũng được mà không có cũng được" trong sự trù liệu là phía Mỹ đến phút cuối "mót" quá rồi sẽ có những động thái để phía Trung Quốc chấp nhận tổ chức cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập Cận Bình ở Osaka.

Ông Trump nôn nóng, ông Tập đủng đỉnh và kịch hay chờ đợi 3 nguyên thủ tại Osaka - Ảnh 3.

Mà cứ gặp nhau đã, còn đạt được kết quả nào hay không lại là chuyện khác.

Ở Osaka, ông Tập Cận Bình sẽ dùng những cuộc tiếp xúc song phương khác bên lề hội nghị và đặc biệt là dùng cuộc gặp cấp cao tay ba - lần thứ 3 - giữa Trung Quốc, Nga và Ấn Độ để làm nổi bật sự tương phản giữa Trung Quốc với các đối tác khác và giữa Trung Quốc với Mỹ.

Bộ ba này hiện dường như đang xác định quyết tâm làm cho khuôn khổ diễn đàn G20 "có sự tham gia xây dựng của Mỹ thì càng tốt nhưng nếu Mỹ chảnh choẹ làm cao thì cũng chẳng bị ảnh hưởng nặng như mấy lần trước".

Cuộc chơi hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc còn kéo dài và cách xa hồi kết nên bất kể ông Trump và ông Tập Cận Bình có gặp nhau hay không gặp nhau ở Osaka và nếu có gặp nhau đạt được thoả thuận gì hay không đạt được thoả thuận nào thì cũng chỉ là một trận chơi trong cuộc chơi ấy mà cuộc chơi chỉ có một nhưng số lượng trận chơi thì lại khá nhiều.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại