LTS: Bài viết dưới đây được trích từ cuốn sách Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ, do chính Tổng thống Mỹ thứ 45 Donald Trump là tác giả.
Cuốn sách là tập hợp các diễn ngôn về một số vấn đề của nước Mỹ của tỉ phú Donald Trump, trước khi ông đắc cử tổng thống vào năm 2016. Trong đó, ông Trump chỉ trích chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama cũng như đưa ra tầm nhìn của riêng mình nhằm giải quyết vấn đề nhập cư, khủng hoảng kinh tế v.v...
---
Nếu bạn muốn có một ví dụ nho nhỏ cho thấy chính phủ của chúng ta thờ ơ thế nào với việc tiết kiệm và chi tiêu tiền của chúng ta một cách hiệu quả, xin mời đọc tiếp.
Có một lần tôi xem tivi và tôi thấy Tổng thống Obama đang đãi các nhà lãnh đạo bữa tối tại Nhà Trắng. Nhưng mỗi lần họ tổ chức những sự kiện kiểu này, tôi lại để ý thấy họ dựng một chiếc lều trông cũ kỹ và tồi tàn ở sân Nhà Trắng mà rất có thể họ đã trả cả một khoản kếch xù cho một người nào đó mỗi lần cần đến.
Đó không thể nào là cách nước Mỹ tiếp đãi các cuộc họp và bữa tối quan trọng với các nhà lãnh đạo thế giới, cũng như những nhân vật quyền cao chức trọng. Chúng ta cần thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp của đất nước chúng ta bằng một phòng khánh tiết với cơ sở vật chất phù hợp.
Nếu có một thứ mà tôi biết xây, thì đó chính là một phòng khánh tiết lớn. Tại Câu lạc bộ Mar-a-Lago của mình ở Plam Beach, Florida, tôi đã xây cái được nhiều người coi là phòng khánh tiết lớn nhất thế giới... nhưng ngoài nó ra, tôi cũng sở hữu nhiều phòng tiệc đẹp và rất thành công khác.
Vì vậy, tôi gọi cho Nhà Trắng và họ nối máy cho tôi với chiến lược gia cao cấp hàng đầu của Tổng thống Obama, David Axelrod. Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện thú vị, và tôi nói với David:
"Tôi sẽ xây cho các anh, hoàn toàn miễn phí, một phòng khánh tiết bậc nhất thế giới để tổng thống và tất cả các tổng thống tương lai của Mỹ có thể chủ trì các sự kiện tại Nhà Trắng một cách đàng hoàng. Một phòng khánh tiết theo tiêu chuẩn cao nhất sẽ có chi phí đâu đó từ 50 triệu đô-la đến 100 triệu đô-la.
Tôi sẽ chi trả toàn bộ chi phí đó và tặng chính phủ Mỹ phòng khánh tiết đó như một món quà. Việc tôi sẽ làm là tôi sẽ thuê các kiến trúc sư thuộc tốp 10 thế giới - tôi mong họ sẽ là kiến trúc sư người Mỹ, nhưng tôi sẽ thuê những người giỏi nhất, bất kể họ là ai.
Sau đó, chúng ta sẽ thành lập một hội đồng xét tuyển. Chúng ta sẽ chọn ra kiến trúc sư mà tất cả mọi người đều nhất trí, bởi vì vấn đề hơi phức tạp ở chỗ chúng ta đang nói về Nhà Trắng. Và tôi sẽ xây phòng khánh tiết tuyệt nhất từng có, thậm chí còn hơn cả phòng khánh tiết Mar-a-Lago, để người Mỹ có thể tự hào khi tổng thống của chúng ta tiếp đãi các nhà lãnh đạo thế giới tại Nhà Trắng."
"Chà," Axelrod nói. "Hay đấy." Rồi ông ấy nói ông ấy sẽ truyền đạt lại đề nghị này và liên lạc lại với tôi. Không một ai gọi lại. Và đó chính là vấn đề với đất nước này.
Khi Rush Limbaugh mời tôi tham dự chương trình của ông, tôi đã kể cho ông nghe câu chuyện này, và Rush nói có lẽ họ không liên lạc lại với tôi vì tôi là người cả đời là đảng viên Cộng hòa. Có lẽ Rush đúng, nhưng tôi chắc rằng đó đơn giản là cách làm ăn ở Washington, hàng tỷ đô-la bị phí phạm và mọi người đơn giản là chẳng quan tâm. Tôi quả thật đã nghĩ David sẽ nhận món quà của tôi, nhưng giờ vẫn còn chưa quá muộn. Lời đề nghị của tôi vẫn còn đó.
Nếu ai đó muốn tặng cho nước Mỹ một món quà tử tế, thì ta sẽ gọi lại cho người đó, bất kể người đó thuộc đảng nào. Đó chỉ là một ví dụ nho nhỏ cho thấy chính quyền Obama không khôn ngoan về chuyện tài khóa và chắc chắn không quan tâm đến việc tận dụng những cách thức mang lại lợi ích lớn nhất có thể cho người Mỹ.
Đối với chính quyền Obama, tiết kiệm không phải là mục tiêu cần thực hiện - mở rộng chính phủ và chi tiêu tiền đóng thuế của người dân hơn nữa mới là mục tiêu của họ. Thỉnh thoảng họ gọi nó là "đầu tư" hoặc "kích thích", nhưng phần lớn đó chỉ là sự lãng phí hoàn toàn thuần túy.
Chúng ta cần một người biết làm kinh doanh ở Nhà Trắng, người biết cách tư duy mới mẻ và đạt được những giao kèo thông minh.
Ví dụ, trong một giao kèo được mô tả chi tiết mới diễn ra cách đây không lâu ở Florida, tôi đã mua một ngôi nhà ở Palm Beach được rao bán do vỡ nợ (rất buồn là một người đàn ông giàu có phải mất đi mọi thứ) với giá 41 triệu đô-la, và mọi người ai cũng nghĩ tôi điên. Nhưng tôi biết rõ hơn ai hết. Đó là một khu đất tuyệt vời trông ra biển - và không lâu sau đó tôi bán lại nó cho một người Nga với giá khoảng 100 triệu đô-la.
Nếu tôi nghe lời các thiên tài, tôi sẽ không thực hiện thương vụ đó. Cốt yếu của mọi sự đều xoay quanh khả năng nhìn thấy những điều ẩn tàng. Đó là kiểu tư duy mà chúng ta cần để xoay chuyển tình thế đất nước - thật nhanh.
(Xử lý ảnh: Thi Anh)
Chúng ta cũng cần một người có thể tiết kiệm tiền bạc với hiểu biết thông thường.
Khi tôi mở Câu lạc bộ National Golf Trump ở Rancho Palos Verdes, Los Angeles, ngay lập tức người ta nói với tôi rằng tôi sẽ cần xây một phòng khánh tiết mới và tốn kém. Phòng khánh tiết hiện tại tráng lệ thật, nhưng chỉ chứa được 200 người và chúng tôi sẽ mất mối làm ăn vì mọi người cần không gian lớn hơn cho các sự kiện của họ.
Để xây một phòng khánh tiết mới, chúng tôi sẽ phải mất hàng năm trời xin phê duyệt giấy tờ (vì khu này nằm ở vùng bờ biển thuộc Thái Bình Dương), và khoảng 5 triệu đô-la.
Tôi tới xem phòng khánh tiết đúng một lần, và ngay lập tức thấy cần làm gì ở đây. Vấn đề không phải là kích thước của căn phòng, mà là kích thước ghế ngồi. Chúng quá lớn, nặng nề và cồng kềnh. Chúng tôi không cần một phòng khánh tiết lớn hơn, chúng tôi cần những chiếc ghế nhỏ hơn! Và thế là tôi thay thế số ghế này bằng những chiếc ghế cao cấp, nhỏ gọn hơn.
Sau đó, tôi cho nhân viên bán những chiếc ghế cũ và số tiền thu được từ chúng còn nhiều hơn cả số tiền bỏ ra mua những chiếc ghế mới. Cuối cùng, phòng khánh tiết vốn chỉ có chỗ cho 200 người thì nay chứa được 320 người.
Các vị khách của chúng tôi có được không gian mà họ mong muốn, và tôi đã đỡ cho mọi người sự phiền nhiễu của hàng năm xây dựng và 5 triệu đô-la chi phí. Những gì ta có thể hoàn thành với chút ít hiểu biết thông thường thật lớn.
Washington đang lãng phí tiền của của chúng ta
Để có một chính phủ mà chúng ta đủ sức chịu, chúng ta cần loại bỏ sự lãng phí to lớn đang cản trở hệ thống. Gần như mỗi tuần lại xuất hiện một câu chuyện mới hé lộ một ví dụ tồi tệ khác cho thấy sự lãng phí của chính phủ.
Theo báo cáo của GAO, mỗi năm, chính phủ liên bang chi tiêu hàng tỷ đô-la cho hàng chục những chương trình phí phạm chồng lấn lên nhau. Một giải pháp đơn giản - tổ chức hợp lý và hợp nhất 2.100 trung tâm dữ liệu - sẽ giúp tiết kiệm 200 tỷ đô-la trong 10 năm tới.
Một ví dụ khác: Trong năm năm qua, Cục Quản lý Nhân sự đã chi trả 601 triệu đô-la tiền hưu trí cho những người đã chết!
Danh sách chi tiêu của liên bang gần như không có điểm dừng: năm 2010, 700.000 đô-la tiền thuế của chúng ta được cắt cho nghiên cứu về hiện tượng ợ hơi ở bò, 600.000 đô-la cho việc tạo ra một trò chơi video liên quan đến chó sói, và 250.000 đô-la cho nghiên cứu chuyện tình thời Internet.... Danh sách cứ tiếp tục kéo dài ra nữa. Số tiền mà chúng ta phải khổ nhọc mới kiếm được đã bị thổi tung tít tắp.
Obama không trân trọng thực tế rằng số tiền mà ông ta đang lãng phí là số tiền thuộc về chúng ta. Ông ta nghĩ rằng của cải mà chúng ta tạo ra thuộc về chính phủ. Đó là lý do tại sao ông ta không quan tâm đến việc liệu nó bị lãng phí hay bị quản lý không đâu vào đâu. Tôi thì ngược lại và đó là lý do tại sao tôi làm ra nhiều tiền - tôi quản lý các dự án một cách gọn ghẽ và đặt ưu tiên hàng đầu vào hiệu quả hoạt động.
(Xử lý ảnh: Thi Anh)
Ví dụ cụ thể: Sân trượt băng nữ ở Central Park. Căn hộ của tôi ở tòa tháp Trump Tower nhìn xuống sân trượt băng rộng hơn 1 mẫu, nhờ thế mà trở thành sân trượt băng nhân tạo lớn nhất nước Mỹ. Trong suốt bảy năm trời, sân trượt băng này phải đóng cửa vì thành phố New York không thể quản lý nổi. Thành phố đã lãng phí bảy năm cùng với 21 triệu đô-la mà vẫn không thể mở cửa sân trượt băng - đây là một cơn ác mộng chính trị và là nỗi hổ thẹn lớn đối với thành phố.
Về cơ bản, toàn bộ kiểu làm ăn quan liêu và lãng phí tiền thuế của dân này thật sự làm tôi khó chịu, vì vậy tôi đã đề nghị tiếp quản dự án và thậm chí tự bỏ tiền ra xây dựng lại. Ngoài ra, tôi cũng nói rằng, nếu dự án vượt quá ngân sách, cá nhân tôi sẽ bù phần vượt ngân sách này. Tôi cũng nói với thành phố là tôi sẽ hoàn thành Sân trượt băng nữ trong sáu tháng.
Tôi đã lầm. Tôi hoàn thành trong bốn tháng. Và tôi chỉ bỏ ra 1,8 triệu đô-la - phần lớn số tiền đó là để loại bỏ toàn bộ phần công việc kém cỏi được thực hiện từ trước khi tôi tiếp quản.
Tôi có phải là chuyên gia xây dựng sân trượt băng không? Không, tôi xây các tòa tháp, khách sạn, câu lạc bộ sang trọng, v.v... Nhưng tôi không bao giờ quên những gì mà cha tôi từng nói với tôi. Ông đã nói: "Phải rõ mọi điều về những gì con làm." Vì vậy, tôi đã đi ra ngoài và tìm được người xây sân trượt băng giỏi nhất nước Mỹ, và quản lý các chi tiết tới chỗ hoàn tất thành công.
Tới nay, đây vẫn là một nghiên cứu trường hợp ở nhiều trường kinh doanh hàng đầu về sự khác biệt giữa các dự án của tư nhân và dự án của chính phủ.
Đáng mừng hơn nữa, Sân trượt băng nữ mang đến cho hàng nghìn trẻ em, gia đình và khách thăm thành phố lớn của chúng ta một trải nghiệm tuyệt vời mang lại nhiều nụ cười và kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những gì sẽ diễn ra khi ta thật sự làm việc để tiết kiệm, chứ không phải để lãng phí.
Cuốn Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ nằm trong hạng nục Bestseller (Bán chạy nhất) của New York Times - công ty truyền thông Mỹ nổi tiếng với tờ The New York Times.
Thẳng thắn, gay gắt và hấp dần từ đầu tới cuối, cuốn sách vạch ra một nghị trình dựa trên hiểu biết thông thường để khôi phục sự thịnh vượng của nước Mỹ và đưa đất nước này trở lại vị trí số 1 thế giới. Sách do AlphaBooks phối hợp với nhà xuất bản Thế giới phát hành.