Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào ngày 18-10 tới, chưa đầy 2 tuần nữa, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải một lần nữa thể hiện mình là một lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Không lâu sau sự kiện này, tháng 11, ông Tập sẽ đón lãnh đạo của một trục địa chính trị toàn cầu khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump. Không chỉ Trung Quốc, lần công du này ông Trump còn đến một loạt nước châu Á - Hàn Quốc, Nhật, Philippines, và Việt Nam.
Chuyến công du đến châu Á của ông Trump có thể sẽ là bước ngoặt với chính sách Mỹ với khu vực. Nhưng không những thế, sự kiện này cũng mang tính bước ngoặt với cả Trung Quốc. Đây là nhận định của chuyên gia Rana Mitter, Giám đốc Trung tâm đại học Trung Quốc tại đại học Oxford (Anh) trong một bài viết trên South China Morning Post.
Sự không ổn định, khó lường của ông Trump...
Theo chuyên gia Mitter, muốn hiểu được thách thức chờ đợi mình ở châu Á, ông Trump cần phải hiểu: các quyết sách của Mỹ tại khu vực tới đây sẽ quyết định hành động tiếp theo của Trung Quốc tại khu vực. Nói cách khác, Trung Quốc hiện vẫn còn chưa xác định nên tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực tới đâu và với tốc độ nào, và thái độ của Mỹ sẽ giúp Trung Quốc ra quyết định.
Nếu Mỹ nghiêm túc về chuyện tạo lập một liên minh khu vực nhằm đối phó Triều Tiên, trấn an Hàn Quốc, quyết định đường hướng chính sách với Nhật, phát triển quan hệ với Việt Nam, ông Trump cần nỗ lực nhiều hơn và phát ngôn rõ ràng hơn trong chuyến đi này. Đó cũng là lý do tại sao bài phát biểu của ông Trump tại hội nghị APEC ở Hà Nội sẽ rất quan trọng.
Sự hỗn loạn của Nhà Trắng từ đầu năm đến nay, đặc biệt diễn biến mới nhất về sự xung đột, bất nhất trong chính sách gần đây giữa ông Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson rất tai hại với các mục tiêu này của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Trump (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Tilleson có nhiều bất đồng về chính sách. Ảnh: REUTERS
Chưa kể hiện có thông tin bài phát biểu của ông Trump tại Hà Nội có thể sẽ do ông Stephen Miller viết, mà nhân vật này là một trong những cố vấn chính sách Nhà Trắng, rất thân thiết với cựu chiến lược trưởng Nhà Trắng Steve Bannon - người từng đề cập đến một cuộc chiến tranh trong tương lai với Trung Quốc.
...là cơ hội với ông Tập
Một thực tế nữa ông Trump cần tính đến, khủng hoảng chính sách trong khu vực là có thật và ngày càng rõ ràng. Chuyên gia Mitter cho biết, sau một lần đến Singapore, ông nhận định chính sách đối ngoại nước này dường như đang có sự co kéo cán cân quan hệ với Mỹ và với Trung Quốc.
Ông Stephen Miller, cố vấn Tổng thống Mỹ Trump được đồn đoán sẽ là người viết bài phát biểu cho ông Trump tại hội nghị APEC ở Hà Nội vào tháng 11. Ảnh: REUTERS
Không giống Nhật hay Philippines, Singapore chưa bao giờ là đồng minh chính thức của Mỹ. Với Singapore, Mỹ mới chỉ là một đối tác thân thiết và đáng tin cậy. Với Trung Quốc, Singapore chia sẻ nhiều giá trị chung. Singapore khuyến khích học tiếng Quan Thoại. Chính sách nước đôi của ông Trump về khu vực có thể càng khiến Singapore quyết tâm hơn trong thay đổi chính sách, hướng về Trung Quốc. Vì dù thế nào Trung Quốc, với lý do địa lý, cũng sẽ không rời khu vực châu Á-Thái Bình Dương dù bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong cuốn sách “Thế giới của Trung Quốc”, nhà phân tích châu Á kỳ cựu Kerry Brown có viết: “Trung Quốc phải tính đến sự không ổn định mà ông Trump mang cùng mình trong chuyến đi đến châu Á”. Vấn đề là liệu Trung Quốc có khả năng khai thác sự không ổn định đó để khu vực sẵn lòng nghe theo những gì mình nói hay không?
Để đạt được điều này, Trung Quốc có rất nhiều thứ phía trước phải làm. Trung Quốc phải đồng cảm nghiêm túc lo ngại an ninh của Hàn Quốc, thiết lập một cơ chế đa phương khu vực trong đó Trung Quốc phải nhận vị trí dẫn đầu và chịu trách nhiệm trong giải quyết thành công khủng hoảng Triều Tiên. Trung Quốc cũng phải có cách tiếp cận và đối thoại mới với ASEAN và Nhật.
Có thể nói chuyến đi của ông Trump đến châu Á nếu có nhiều vấn đề như chuyến công du châu Âu trước đó thì sẽ là một cơ hội với ông Tập, chỉ còn tùy thuộc ông Tập sẽ sử dụng nó như thế nào.