Sáng 31/7, TAND TPHCM tiếp tục phiên xử đại án Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng pham trong vụ án cố ý làm trái quy định xảy ra tại các ngân hàng VNCB (nay là CB), Sacombank, BIDV và TPBank với phần bào chữa cho các bị cáo.
Trong phần bài chữa cho ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank), luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng giữ nguyên quan điểm bào chữa tại các phiên xử hồi tháng 1/2018.
Hai bị cáo Trầm Bê và Phạm Công Danh.
Theo luật sư, bị cáo Trầm Bê đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận lại có nhân thân tốt, tích cực tham gia các công tác xã hội. Ngoài ra, ông Bê lại đang mang bệnh nặng trong người, tuổi cao và sức khỏe yếu. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét khoan hồng, xem xét giảm một phần hình phạt cho ông này.
Luật sư cho rằng, thời gian tạm giam của ông Bê 1 năm là đã đủ sức răn đe, không cần thiết phải cách ly bị cáo này ra khỏi cuộc sống xã hội, "để bị cáo sớm có cơ hội đóng góp cho xã hội".
Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị giải tỏa kê biên 2 căn nhà trên đường An Dương Vương và đường Hồng Bàng vì đây là tài sản chung của vợ chồng Trầm Bê, không liên quan vụ án.
Sau phần bào chữa của luật sư, ông Trầm Bê tỏ ra mệt mỏi, chậm rãi trình bày rằng khung hình phạt 4-5 năm tù là quá nặng, mong được HĐXX xem xét giảm thêm để ông sớm trở về hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
"Cái sai của tôi hoàn toàn vô ý. Nếu tôi biết sai thì tôi đã không thực hiện. Tôi làm kinh tế 38 năm, chưa hề được cơ quan nào đến điều tra sai trái của tôi. Từ đầu mùa đến cuối mùa, tôi khai báo rất chi tiết, thành khẩn" - ông Trầm Bê trình bày.
Trước đó một ngày, VKS nhận định, ông Trầm Bê đã quen biết với Phạm Công Danh từ trước. Vì lợi ích của Sacombank nên dù biết ông Danh không thể vay tiền bằng tiền bảo lãnh VNCB, ông Bê vẫn chỉ đạo cấp dưới và các chi nhánh giải ngân cho 6 công ty của ông này vay.
Ông Trầm Bê xin giảm án để sớm hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
Theo VKS, ông Bê đã giới thiệu ông Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống.
"Bị cáo không thẩm định phương án kinh doanh thực tế, dù hồ sơ không đầy đủ nhưng vẫn phê duyệt cho Danh vay. Bị cáo còn chỉ đạo cấp dưới giải ngân trước bổ sung hồ sơ sau, tạo điều kiện cho Danh dùng tiền của VNCB bảo lãnh vay, gây thiệt hại cho VNCB 1.800 tỷ đồng" - Quan điểm của VKS.
Tuy nhiên, cơ quan công tố cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ: thành khẩn khai báo, không hưởng lợi cá nhân, không mong muốn hậu quả xảy ra, có nhiều thành tích trong công tác… nên đề nghị đối với ông Trầm Bê mức 4-5 năm tù, thấp hơn mức đề nghị hồi tháng 1 (5-6 năm tù).
Cáo trạng thể hiện, ông Phạm Công Danh và các đồng phạm đã sử dụng tiền của VNCB bảo lãnh cho các công ty do ông Danh thành lập để vay tiền từ Sacombank, TP Bank và BIDV thế chấp bằng tiền gửi của VNCB.
Sau đó, 3 ngân hàng này thu hồi nợ từ số tiền gửi lên tới hơn 6.126 tỷ đồng dẫn đến thiệt hại cho VNCB. Trong đó, Sacombank thu hơn 1.835 tỷ đồng, TP Bank thu hơn 1.740 tỷ đồng, BIDV thu hơn 2.550 tỷ đồng.
Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử sơ thẩm, tháng 2/2017, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi tiếp nhận lại hồ sơ, Cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung và chuyển kết luận cho VKS để hoàn tất cáo trạng.
Sau quá trình điều tra và điều tra bổ sung, VKSND Tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án trong cáo trạng trước. Theo đó, không có thêm bị can nào bị khởi tố, truy tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện.
Hiện ông Phạm Công Danh đang chấp hành bản án 30 năm tù liên quan đến thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB giai đoạn 1.