Mặc chiếc áo sơ mi xanh đen, quần tối màu, khoảng 6h30 ngày 24/7 ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) lưng hơi khòm và mái đầu đã lấm tấm bạc được đưa vào phòng xử TAND TP HCM. Gương mặt ông lộ rõ sự mệt mỏi lo lắng, cố gắng trấn tĩnh vẫy tay chào trước lời thăm hỏi của một vài người quen.
Trong khi các bị cáo khác đã được áp giải vào phòng xử, ông Phạm Công Danh vẫn chưa xuất hiện. Ông này được sắp xếp bên trong phòng chờ riêng để được chăm sóc đặc biệt do tình trạng sức khỏe yếu. Trong những phiên xử trước, ông thường xuyên bị choáng phải nhận sự chăm sóc của đội ngũ y tế.
Ngoài ông Phạm Công Danh và Trầm Bê còn có 44 bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS 1999) với khung hình phạt 10-20 năm tù. Họ bị cáo buộc gây thất thoát cho ngân hàng Xây Dựng - VNCB hơn 6.000 tỷ đồng (giai đoạn 2 của vụ án) trong tổng số thiệt hại hơn 15.000 tỷ.
Trong số đó, có 1 bị cáo liên quan tới vụ án phải vắng mặt vì phải nhập viện cấp cứu.
Ông Trầm Bê mệt mỏi đến tham dự phiên xử.
Lực lượng an ninh cũng tiến hành thắt chặt xung quanh phòng xử, lực lượng báo chí được cho phép vào bên trong khoảng 5 phút đầu. Phiên xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến 15/8.
Có tổng cộng gần 70 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, ông Trầm Bê được 3 luật sư là Nguyễn Thị Mai Hồng, Phạm Ngọc Trung và Trần Quốc Khánh bảo vệ.
Ông Danh có 7 luật sư là Phan Trung Hoài, Trương Quốc Hòe, Hà Hải, Trần Minh Hải, Bùi Phương Lan, Chu Mạnh Cường, Bùi Thị Hồng Giang.
Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập 235 cá nhân và đơn vị tham gia phiên tòa với tư cách có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Trong đó có một số đại gia và lãnh đạo ngân hàng như: ông Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín, chỉ còn 7% sức khỏe), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT CBBank)…
Theo cáo buộc, quá trình điều hành VNCB (2013-2014), ông Phạm Công Danh cần tiền trả nợ trước đó, tiền duy trì hoạt động và đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng, tăng vốn điều lệ… nhưng không thể trực tiếp vay của ngân hàng do mình làm chủ.
Ông Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) và các thuộc cấp dùng tiền của VNCB đảm bảo cho 29 lượt công ty của ông Danh vay hơn 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.
Trầm Bê tỏ ra lo lắng, bên cạnh là nguyên Tổng giám đốc VNCB, ông Phan Thành Mai.
Hồi tháng 4/2013, ông Danh gặp ông Trầm Bê và Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) đặt vấn đề vay vốn. Biết rõ ông Danh và đồng phạm làm trái quy định, nhưng ông Trầm Bê vẫn đồng ý phê duyệt cho vay với điều kiện "phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi tại Sacombank". Cả ba thống nhất cho ông Danh vay tối đa 1.800 tỷ đồng và dùng tiền gửi của VNCB tại Sacombank để đảm bảo.
Tương tự, ông Danh dùng các công ty do mình lập ra đặt vấn đề vay của BIDV4.700 tỷ đồng thông qua ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang, tiếp tục đảm bảo bằng tiền gửi tại BIDV.
Chủ tịch VNCB mượn pháp nhân các công ty của Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt), Đặng Thị Bích Thủy, Đinh Việt Cường (Giám đốc, phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp TPBank) vay của TPBank 1.666 tỷ đồng và sử dụng 1.700 tỷ tiền gửi của VNCB tại nhà băng này đảm bảo.
Kết quả điều tra xác định tất cả các thủ tục vay vốn trên đều là ngụy tạo, bởi số tiền vay được đều chuyển cho ông Danh sử dụng. Do các công ty của ông Danh không thể trả nợ, 3 ngân hàng nói trên đã thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB nên không xảy ra thiệt hại. Tuy nhiên, ông Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.
Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút trái phép 1.800 tỷ đồng, lãnh đạo Ngân hàng BIDV gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng, lãnh đạo TPBank giúp sức ông Danh gây ra thiệt hại số còn lại.
Hồi tháng 1, TAND TP HCM đã đưa vụ án ra xét xử. Sau một tháng, tòa tuyên trả hồ sơ điều tra làm rõ 6 vấn đề liên quan. Tuy nhiên, đến ngày 20/6, VKSND Tối cao bổ sung tài liệu và khẳng định "kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án" đã nêu tại cáo trạng năm 2017.
Trước đó, trong giai đoạn điều tra ban đầu về những sai phạm tại VNCB, ông Danh bị TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên mức án 30 năm tù về các tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".