Hãng RT dẫn lời ông Putin: "Trí thông minh nhân tạo là tương lai, không chỉ đối với Nga, mà đối với toàn nhân loại. AI mở ra vô vàn cơ hội nhưng cũng đồng thời đem tới nhiều hiểm họa khó lường. Bất kì quốc gia nào dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ thống trị thế giới."
Việc phát triển trí thông minh nhân tạo đã ngày càng được giới an ninh các quốc gia quan tâm trong những năm gần đây. Trung Quốc và Mỹ được coi là 2 quốc gia đi đầu. Bắc Kinh gần đây cũng tuyên bố tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu AI tới năm 2030.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo Mỹ có nguy cơ bị tụt lùi trong cuộc đua này, bởi chính quyền tổng thống Donald Trump chuẩn bị cắt giảm nguồn quỹ cho nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Trước đây, AI thường được ứng dụng trong phát triển kinh tế của các quốc gia, đặc biệt trong công nghiệp nặng và nghiên cứu y dược.
Tuy vậy, sử dụng AI trên chiến trường cũng đem lại nhiều kết quả không ngờ. AI có thể giúp phát triển các loại vũ khí mạng, và các loại drone (thiết bị bay không người lái) có tác dụng do thám và tấn công đối phương.
Các drone được điều khiển bằng AI sẽ là lực lượng chính trên mặt trận tương lai. (Ảnh: IBTIMES)
Trung Quốc và Mỹ đều đang nghiên cứu loại công nghệ này.
Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu (1/9), tổng thống Putin dự đoán rằng trong tương lai, các quốc gia sẽ giao tranh bằng drone.
"Khi drone của một quốc gia bị phá hủy, quốc gia đó không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng," ông nói.
Mặc dù vậy, ông Putin cũng cho biết Nga không muốn ngành này bị bất kì một quốc gia nào "chiếm giữ độc quyền", và "nếu Nga dẫn đầu trong lĩnh vực AI, chúng tôi sẽ chia sẻ kiến thức với cả thế giới, cũng như cách chúng tôi đang làm với công nghệ hạt nhân ngày hôm nay."
Mới đây, nhà phát minh - tỉ phú Elon Musk và 116 nhà khoa học công nghệ đã đệ đơn yêu cầu Mỹ cần có luật lệ mới để quản lí việc phát triển vũ khí AI.
Nhóm này cho biết sự xuất hiện của công nghệ tự động và trí thông minh nhân tạo sẽ mở màn cho "cuộc cách mạng chiến tranh lần thứ ba", sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân.