Ông Putin ấn nút hạt nhân: Nga phô diễn khoảnh khắc tận thế, hạ thông điệp sắc lạnh trước "giờ G"

Hải Võ |

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars, tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa dưới biển Barents, các oanh tạc cơ chiến lược phóng tên lửa hành trình,...

(Ảnh minh họa: Getty-Wiki-CC)

(Ảnh minh họa: Getty-Wiki-CC)

Ngày 9/12, dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh tối cao, Tổng thống Vladimir Putin, "bộ ba hạt nhân" chiến lược của Nga đã tổ chức cuộc tập trận tên lửa nhằm phô trương sức mạnh tấn công hạt nhân mạnh mẽ nhất của quân đội Nga.

Video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ghi lại khoảnh khắc các thủy thủ của tàu ngầm K-18 Karelia điều khiển các trạm chiến đấu của họ và nhấn chiếc nút lớn màu xám để phóng tên lửa. Theo RT, đoạn clip cung cấp một cái nhìn sâu sắc "về những khoảnh khắc cuối cùng của nhân loại" nếu như chiến tranh hạt nhân bủng nổ.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang giữa Moskva và phương Tây. Hồi tháng trước, NATO đã phóng một loạt tên lửa từ Romania ra biển Đen. Người bản địa ở Crimea bày tỏ quan ngại rằng những hệ thống phóng hiện đại có thể tấn công bán đảo này. Phó chủ tịch Nghị viện Crimea hồi tuần trước cáo buộc NATO đang "chuẩn bị cho cuộc xâm lược vũ trang".

Vụ tập trận mùng 9 của Nga bị truyền thông phương mô tả là "phô trương sức mạnh hạt nhân". Moskva trong những năm gần đây liên tục phát triển các vũ khí chiến lược hiện đại.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Trong khi Nga-Mỹ chưa tìm được tiếng nói chung về gia hạn thỏa thuận, việc Nga khoe năng lực hạt nhân được cho là thông điệp cảnh cáo nhằm vào đối thủ.

Quân đội Nga tập trận "Bộ ba hạt nhân" dưới sự chỉ huy của ông Putin ngày 9/12/2020

"Ông Putin ấn nút hạt nhân"

Báo Izvestia (Nga) cuộc tập trận do ông Putin chỉ huy có sự tham gia của lực lượng tên lửa chiến lược, không quân chiến lược, và tàu ngầm thuộc Hạm đội phương Bắc. Tên lửa đạn đạo chiến lược RS-24 Yars được phóng đi từ Plesetsk, trong khi tàu ngầm hạt nhân chiến lược Karelia phóng tên lửa R-29RMU Sineva ở độ sâu 50m dưới biển Barents. Các máy bay ném bom Tu-160 và Tu-955MS cất cánh từ các căn cứ khác nhau, phóng ra nhiều tên lửa hành trình loại X-101 và X-555 tấn công mục tiêu.

"Ông Putin đã ấn nút hạt nhân" - một hãng truyền thông Nga đưa tin về cuộc tập trận quy mô kể trên.

Global Times (Trung Quốc) bình luận, cuộc tập trận "bộ ba hạt nhân" của Nga khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi nhưng không ngạc nhiên, với mục tiêu duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân.

Kênh Vesti (Nga) cho biết toàn bộ các nhiệm vụ phóng tên lửa đều được thực hiện thành công. Tên lửa RS-24 Yars được cho là có tầm bắn đạt 11.000-12.000km, trong khi tên lửa R-29RMU Sineva phóng từ tàu ngầm có tầm bắn đạt 11.500km.

Cuộc tập trận này cũng là thông điệp quân sự lớn nhất của Nga từ sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở vào tháng 11.

"Có thể nói cuộc tập trận này nhằm đánh giá toàn diện đối với các vũ khí chiến lược của Nga, bao gồm những khí tài 'chủ bài' có thể tấn công hạt nhân," một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói với Global Times.

Theo chuyên gia, "bộ ba hạt nhân" hải-lục-không của Nga đã thể hiện được sức đe dọa mạnh mẽ, đặc biệt là năng lực phản kích hạt nhân lần hai. Điều này có ý nghĩa hết sức trọng yếu với Moskva.

Quan hệ Nga-phương Tây luôn trong tình trạng căng thẳng. Trong năm nay, Mỹ cũng liên tục phô trương khả năng răn đe hạt nhân bằng các vụ phóng thử tên ICBM LGM-30 Minuteman, cũng như phóng tên lửa UGM-133 Trident II từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio.

Mỹ cũng được cho là nhắm đến nghiên cứu chống lại tên lửa đạn đạo tầm trung của Nga, khiến Moskva tin rằng môi trường an ninh chiến lược của nước này diễn biến theo chiều hướng xấu. Nga kỳ vọng sức mạnh phản kích của quân đội sẽ thể hiện hình ảnh một cường quốc hạt nhân và răn đe các đối thủ.

Ông Putin ấn nút hạt nhân: Nga phô diễn khoảnh khắc tận thế, hạ thông điệp sắc lạnh trước giờ G - Ảnh 2.

Một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng đi từ cơ sở Plesetsk ở tây bắc nước Nga ngày 9/12/2020 (Ảnh: Russian Defense Ministry Press Service via AP )

Rủi ro đối đầu hạt nhân

Do đối mặt với sức ép từ Mỹ và NATO trong thời gian dài, Nga đặc biệt chú trọng phát triển các loại vũ khí mang tính chiến lược. Tổng thống Putin nhiều lần ca ngợi những "vũ khí siêu cấp" của nước này, bao gồm các ICBM hạng nặng có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân hay tên lửa siêu thanh có tốc độ gấp 20 lần vận tốc âm thanh.

Các nhà phân tích chỉ ra, dù có những đổi mới về hình thức thì sức mạnh hạt nhân chiến lược của "bộ ba hạt nhân" vẫn là trụ cột trong khả năng răn đe của Nga trong thời gian tương đối dài.

Trang Gazeta.ru ngày 7/12 đăng tải báo cáo thăm dò của Quỹ Dư luận xã hội Nga, cho thấy hơn 53% người được khảo sát nhận định thế giới đang đứng trước mối đe dọa xung đột quân sự có sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia quân sự nổi tiếng, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng (Nga) Igor Korotchenko đánh giá mục tiêu của Moskva là duy trì cân bằng chiến lược hạt nhân với Mỹ, cũng như phản ứng tương xứng trước thách thức từ Mỹ và NATO, bên cạnh những điều khoản để gia hạn New START do Washington đưa ra mà Nga tuyên bố không thể chấp nhận.

Đài phát thanh Deutschlandfunk (Đức) ngày 10/12 cho hay, NATO mới đây công bố báo cáo "NATO 2030" về chiến lược mới trong 10 năm tiếp theo của liên minh. Báo cáo xác định trong 10 năm tới Nga "có khả năng là mối đe dọa quân sự chủ yếu với liên minh".

The Times (Anh) ngày 8/12 dẫn thư công khai của 145 cựu Bộ trưởng, Đại sứ các nước châu Âu, Nga và Mỹ, nhận định quan hệ Nga-NATO đang ở mức thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh, làm trầm trọng thêm "rủi ro đối đầu quân sự thực tế". Các cựu quan chức kêu gọi song phương tái khởi động cơ chế trao đổi định kỳ.

Hãng tin Tass (Nga) ngày 10/12 đưa tin nước này sẽ cử chiến hạm tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Hòa bình-2021 ở ngoài khơi Pakistan. Mỹ, Anh cùng các nước NATO cũng tham dự sự kiện này, đánh dấu lần đầu tiên trong gần một thập kỷ các tàu chiến NATO và Nga "cùng nhau hành động".

Mối lo Mỹ không chịu gia hạn New START

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay không cho thấy tín hiệu chấp thuận gia hạn New START, khiến Moskva bất mãn và nhiều nước lo ngại căng thẳng tăng cao.

Báo Washington Post cho hay, Nga đã tăng cường các cuộc tập trận quân sự trong những năm gần đây, và cuộc tập trận hạt nhân ngày 9/12 chỉ cách thời điểm New START hết hạn không đầy 2 tháng. Thỏa thuận này quy định hai bên sẽ triển khai tối đa 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược; 1550 đầu đạn và 800 bệ phóng tên lửa.

Sau khi chính quyền Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước Bầu trời mở, New START hiện là thỏa thuận hạn chế quân bị duy nhất còn tồn tại giữa Nga và Mỹ.

Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 9/12 nói Nga được cho là sở hữu kho vũ khí hạt nhân quy mô lớn nhất thế giới, những số lượng đang bị giới hạn bởi New START. Nếu Mỹ-Nga không thể đồng thuận gia hạn hiệp ước sau ngày 4/2 tới, hai nước sẽ lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh rơi vào trạng thái không có thỏa thuận kiểm soát quân bị song phương nào.

Những người ủng hộ kiểm soát vũ khí cảnh báo trên CNN rằng khi New START hết hiệu lực, tất cả cơ chế kiểm tra đối với Mỹ-Nga sẽ bị hủy bỏ, tạo thành mối đe dọa lớn đối với an ninh và ổn định toàn cầu.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại