Mỹ đòi người Nga trên quần đảo Kuril phải "mang" quốc tịch Nhật nếu muốn có thứ này: Moskva phẫn nộ

Hồng Anh |

"Liệu chúng ta có cần thêm bằng chứng để khẳng định rằng Mỹ là cường quốc xét lại hay không?" - Bộ Ngoại giao Nga hôm 6/12 chỉ trích động thái của Mỹ về quần đảo tranh chấp Kuril.

Ảnh: Sputnik

Ảnh: Sputnik

Đài RT (Nga) đưa tin, mới đây giới chức Mỹ đã "đòi" các công dân Nga sinh sống trên quần đảo tranh chấp Kuril phải khai quốc tịch là người Nhật Bản nếu muốn được Washington cấp thẻ xanh (thẻ xác nhận tình trạng thường trú nhân của công dân nước ngoài tại Mỹ). Phía Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước động thái này.

Cụ thể, báo Nhật Bản Hokkaido Shimbun ngày thứ 6 (3/12) tuần trước trích dẫn các quy định để được cấp thẻ xanh được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết những người Nga sinh ra trên các đảo Habomai, Shikotan, Kunashir và Iturup thuộc quần đảo Kuril được yêu cầu khai báo nơi sinh là Nhật Bản và sẽ được cục xuất nhập cảnh của Mỹ coi là công dân Nhật Bản.

Ước tính có khoảng 20.000 cư dân sinh sống trên các đảo nói trên là người gốc Nga, Ukraine, Belarus và Tartar, cũng như người Ainu bản địa.

Vào năm 1945, Liên Xô đã tiếp quản quần đảo Kuril. Tuy nhiên, sau khi Thế chiến II kết thúc, hai nước vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình. Với trở ngại chính là tranh chấp chủ quyền biển đảo, quần đảo Kuril kể từ đó đến nay đã trở thành "điểm nóng" đối đầu giữa Nga và Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á.

Theo RT, vào cuối Thế chiến II, Mỹ đã tham gia ký kết Thỏa thuận Yalta - trong đó bao gồm việc chuyển giao quần đảo Kuril cho Liên Xô; thậm chí Mỹ còn giúp Liên Xô thực hiện điều này. Tuy nhiên, sau này giới chức Mỹ đã thay đổi chính sách và ủng hộ Nhật Bản trong nhiều vấn đề liên quan đến quần đảo Kuril.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 6/12 đã khẳng định rằng quần đảo Kuril đã được trao cho Liên Xô vào năm 1945, và nhắc nhở Mỹ nên biết "các giới hạn và chỉ giới đỏ" của mình.

"Năm 1945, quần đảo Kuril đã được trao cho Liên Xô. Nhưng hiện nay Bộ Ngoại giao Mỹ đang muốn xét lại kết quả của Thế chiến II, và khuyến khích chủ nghĩa phục thù về vấn đề lãnh thổ", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga bình luận. "Liệu chúng ta có cần thêm bằng chứng để khẳng định rằng Mỹ là cường quốc xét lại hay không?"

Năm 2019, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng cảnh báo Tokyo rằng sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ và mối quan hệ thân thiết giữa Nhật Bản và Mỹ là một trở ngại lớn trên con đường cải thiện quan hệ của hai nước Nga-Nhật.

Tháng 11/2018, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhất trí tăng cường các nỗ lực giải quyết tranh chấp dựa trên Tuyên bố chung năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô.

Moskva cũng đã thỏa hiệp một số điều nhằm làm giảm căng thẳng ngoại giao giữa hai bên, như việc miễn thị thực đến đảo Kuril cho các công dân Nhật Bản đến thăm đảo này, hay việc cho phép các tàu cá Nhật Bản đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Nga xung quanh đảo Kuril. Tuy nhiên, những chính sách này không phải lúc nào cũng hiệu quả, điển hình là vụ ngư dân Nhật Bản bị tàu Nga bắn chết tại quần đảo Kuril vào năm 2006.

Mỹ đòi người Nga trên quần đảo Kuril phải mang quốc tịch Nhật nếu muốn có thứ này: Moskva phẫn nộ - Ảnh 2.

Ảnh: TASS

Nga đưa tên lửa S-300 đến quần đảo tranh chấp Kuril

Ngày 1/12, Nga tuyên bố triển khai hệ thống phòng không mới S-300V4 đến quần đảo tranh chấp Kuril với mục đích tham gia diễn tập tác chiến. Kênh Zvezda TV của Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống S-300V4 đã được đưa đến đảo Iturup thuộc quần đảo này.

Tokyo coi quần đảo Nam Kuril là vùng "lãnh thổ phương Bắc" của nước này, và tìm cách đưa quần đảo này trở lại chủ quyền của mình.

Chính phủ Nhật Bản đã ngay lập tức lên tiếng "phản đối Nga tăng cường hoạt động chuẩn bị quân sự ở vùng lãnh thổ phương Bắc", đồng thời nhấn mạnh rằng đó là "động thái không thể chấp nhận được, không tương ứng với lập trường của Nhật Bản" về vùng lãnh thổ này.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại