Sửa đổi Hiến pháp Nga khiến tranh chấp quần đảo Kuril "không còn tồn tại": Đòn giáng nặng vào Nhật

Hải Võ |

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nga đang đưa ra trưng cầu dân ý bao gồm nội dung cấm cắt nhượng lãnh thổ. Điều này khiến Nhật Bản quan ngại về những tranh chấp chủ quyền song phương.

Nga tiến hành trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp trong vòng 7 ngày (25/6-1/7). Hôm nay cũng là ngày bỏ phiếu chính.

Sau khi quá trình bỏ phiếu của người dân kết thúc, dự thảo sẽ có hiệu lực ngay trong ngày công bố kết quả nếu như nó nhận được 50% số phiếu ủng hộ. Nếu được thông qua, Hiến pháp sửa đổi sẽ mở ra sự thay đổi Luật cơ bản lớn nhất trong lịch sử Nga hiện đại, mở đường cho bước phát triển mới của nước này.

Sputnik News ngày 29/6 đưa tin, tỉnh trưởng Sakhalin, ông Valery Limarenko, nói rằng Hiến pháp sửa đổi sẽ khiến vấn đề về sự quy thuộc của quần đảo Nam Kuril (mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc) không còn tồn tại.

Limarenko cho hay, bản tu chính án lần này sẽ củng cố nguyên tắc không cắt nhượng lãnh thổ của Nga. Nếu nó thông qua được cuộc trưng cầu, toàn bộ vấn đề về bất đồng lãnh thổ mà Nga đối mặt sẽ được giải quyết. Tỉnh trưởng Sakhalin nói người dân của tỉnh và quần đảo Nam Kuril đều ủng hộ các nội dung trong Hiến pháp sửa đổi.

Sakhalin là địa phương của Liên bang Nga đang quản lý thực tế về mặt hành chính đối với quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc, mà nước này có tranh chấp về chủ quyền với Nhật Bản.

Trước đó, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước này đã đưa ra giao thiệp với Nga liên quan đến những hoạt động khảo sát mà Nga thực hiện ở vùng biển Okhotsk xung quanh quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Tuy nhiên, ông Limarenko nhấn mạnh ý nghĩa của việc sửa đổi Hiến pháp là một khi văn kiện sửa đổi được thông qua, thái độ bất mãn của nước ngoài sẽ không còn ý nghĩa.

Báo Yomiuri Shimbun của Nhật cho hay, việc sửa đổi Hiến pháp của Nga nhằm phát đi tín hiệu rằng Moskva sẽ không đàm phán với Tokyo về chủ quyền quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Đây cũng là biện pháp lôi kéo sự ủng hộ của người dân bản địa với Hiến pháp sửa đổi. Dù vậy, Nhật Bản không chịu sự kiểm soát của Hiến pháp Nga và Tokyo sẽ theo dõi chặt chẽ những tác động của Hiến pháp sửa đổi - nếu được thông qua - đối với tranh chấp lãnh thổ hai nước.

Đài NHK (Nhật Bản) thì nhận xét, tu chính án Hiến pháp Nga cấm việc cắt nhượng lãnh thổ sẽ đẩy đàm phán về bất đồng chủ quyền vào tình thế phức tạp hơn.

Người dùng mạng tại Nhật cũng bày tỏ lo ngại về tranh chấp với Nga. Có ý kiến cho rằng vấn đề quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc tồn tại đến nay là do thái độ của Nhật chưa đủ rõ ràng và còn quá ôn hòa. Nhiều ý kiến kêu gọi đưa nội dung Nga "cưỡng chiếm" quần đảo này vào sách giáo khoa để nâng cao giáo dục cho người dân Nhật Bản.

Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga đến thời điểm 4 ngày diễn ra trưng cầu (25-28/6), có khoảng 76% người đi bỏ phiếu ủng hộ tu chính án.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại