Ông Nhậm Chính Phi bất ngờ lớn tiếng: Đừng để Huawei phải đối đầu với Google, chúng tôi có thể vượt qua họ

Nguyễn Hải |

Ông Nhậm cảnh báo, nếu Mỹ cấm họ tiếp cận với Android, hệ điều hành do Huawei tự phát triển sẽ đe dọa đến hệ sinh thái smartphone của cả Google và Apple.

CEO, ông Nhậm Chính Phi đã cảnh báo chính phủ Mỹ rằng nếu công ty của ông không được tiếp cận đầy đủ với hệ điều hành Android để đưa lên các smartphone trong tương lai, họ sẽ phá vỡ sự thống trị của Google và Apple đối với hệ sinh thái smartphone thế giới - điều theo ông tuyên bố, một tin xấu đối với Mỹ.

Ông Nhậm nói với Sky News: "Nếu chính phủ Mỹ không cho phép Google cung cấp hệ điều hành Android (cho Huawei), thế giới sẽ có hệ điều hành thứ ba – và điều đó sẽ không phải là lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ, khi một hệ điều hành nhỏ bé bước ra thế giới."

Ông Nhậm Chính Phi bất ngờ lớn tiếng: Đừng để Huawei phải đối đầu với Google, chúng tôi có thể vượt qua họ - Ảnh 1.

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei.

Khi Huawei mới bị đưa vào danh sách đen của nước Mỹ trong tháng Năm, công ty này từng đe dọa sẽ ra mắt một hệ điều hành smartphone mới. Được đặt tên là HongMeng tại Trung Quốc và HarmonyOS trên thị trường quốc tế, hệ điều hành IoT đa nền tảng này cuối cùng đã ra mắt vào tuần trước. Nhưng trong khi thế giới muốn thấy một nền tảng smartphone gọn nhẹ và tốc độ nhanh, họ lại nhận được một nền tảng thông minh, độ trễ thấp dành cho smart TV, ô tô và đồng hồ.

Cũng trong buổi ra mắt HarmonyOS, ông Richard Yu, người đứng đầu bộ phận thiết bị tiêu dùng của Huawei cho biết, việc chuyển hệ điều hành này sang smartphone sẽ chỉ mất "từ một đến hai ngày". Nhưng không ai có kiến thức về kỹ thuật thực sự tin điều đó.

Việc thay thế đó sẽ là một chương trình khổng lồ với yêu cầu thiết lập nên một hệ sinh thái phần mềm ứng dụng hoàn toàn mới trên toàn cầu – một điều mà ngay cả những người khổng lồ đi trước như Apple hay Google cũng phải mất hơn một thập kỷ mới làm được.

Bản thân ông Nhậm trong một cuộc phỏng vấn hơn một tháng trước từng thừa nhận rằng HongMeng – hay HarmonyOS – không phải là "Kế hoạch B" để thay thế Android, và công ty cần Google cho các smartphone của mình.

Nhưng nếu thực sự Huawei bị chặn tiếp cận với Google, dù chỉ có một cơ hội nhỏ nhoi, họ cũng sẽ phải tự mình tạo nên một sản phẩm thay thế. Có lẽ đó là lý do ông Nhậm cảnh báo Google (và cả Apple cùng chính phủ Mỹ) rằng: "Anh không thể loại trừ khả năng rằng một ngày nào đó, một hệ điều hành thứ ba có thể vượt qua họ."

Nhiều hãng trước đây như Microsoft và Samsung cũng từng thử làm điều này và thất bại. Nhưng với một thị trường hàng tỷ dân như Trung Quốc, nơi Huawei vẫn đang có được sức ảnh hưởng lớn, họ vẫn có cơ hội để đảm bảo sự sống cho hệ điều hành riêng của mình.

Tham khảo Forbes

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại