Trước khi bước vào cuộc bầu cử, ông Biden xem đây là "một trận chiến vì linh hồn của đất nước" và thề sẽ "xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn" từ đại dịch Covid-19.
Dưới đây là những chính sách của ông Biden nhằm chinh phục mục tiêu trên, theo báo The Spokesman-Review.
1. Kinh tế và thuế
Kế hoạch kinh tế "Xây dựng lại tốt hơn" của ông Biden gắn liền với lộ trình phục hồi sau dịch Covid-19 khi hứa hẹn tạo công ăn việc làm để giúp chống lại đại dịch. Ông cũng đề xuất tín dụng thuế 10% để thưởng cho các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ và phạt thuế 10% với những công ty mang việc làm ra khỏi đất nước.
Cựu phó tổng thống cho biết ông sẽ rút lại các biện pháp giảm thuế dành cho các tập đoàn và cá nhân có thu nhập hơn 400.000 USD/năm được thực thi thời ông Trump. Một phần tiền thu được sẽ được dùng để tài trợ các chương trình hạ tầng và xã hội.
2. Chăm sóc y tế
Cựu phó tổng thống Mỹ hứa hẹn sẽ bảo vệ và phát triển Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền, còn gọi là Obamacare), phớt lờ các đề xuất từ phe tiến bộ trong Đảng Dân chủ về việc tạo ra hệ thống chăm sóc y tế "Medicare cho toàn dân".
Thay vào đó, ông Biden muốn cho người dân cơ hội mua bảo hiểm do chính phủ điều hành, một "lựa chọn cộng đồng" tương tự Medicare.
Ông Biden cũng cam kết tăng các khoản tín dụng thuế để bù đắp chi phí bảo hiểm y tế, đơn giản hóa chương trình chăm sóc sức khỏe và cung cấp "lựa chọn cộng đồng cho người dân có thu nhập thấp tại các bang đã chọn không mở rộng phạm vi bảo hiểm Medicaid theo quy định của Obamacare.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP
3. Đại dịch Covid-19
Chính quyền ông Donald Trump để các bang tự quyết định cách chống dịch Covid-19, dẫn đến một loạt các chính sách khác nhau. Trong khi đó, ông Biden kêu gọi chính quyền liên bang đảm nhận vai trò trung tâm hơn, bao gồm tăng cường xét nghiệm và truy vết.
Ông Biden cũng sẽ cho lập một đội đặc nhiệm chuyên giải quyết sự chênh lệch về chủng tộc và sắc tộc vì tác động của đại dịch.
Theo bản kế hoạch 7 điểm trên trang web của ông Biden, chính phủ của cặp đôi Biden - Harris sẽ lập tức hành động vào tháng 1-2021, viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng cường sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân trong nước, tạo lập một bảng hiển thị dữ liệu thời gian thực về tình trạng lây nhiễm virus ở địa phương và khôi phục văn phòng y tế toàn cầu tại Nhà Trắng (được cựu Tổng thống Barack Obama thành lập và bị ông Trump xóa bỏ vào năm 2018).
Tổng thống Trump từng chế giễu thói quen đeo khẩu trang của đối thủ Biden. Ảnh: AP
4. Biến đổi khí hậu và năng lượng
Ông Biden cho biết sẽ tái tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu mà ông góp phần xây dựng trong chính quyền ông Obama. Chính sách của ông bao gồm kế hoạch trị giá 2.000 tỉ USD để đầu tư vào năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, sản xuất xe hơi, vận chuyển, nông nghiệp thích ứng khí hậu và công trình xanh.
Theo đội ngũ của ông Biden, nỗ lực khổng lồ này sẽ tạo ra "hàng triệu" việc làm và hiện đại hóa đường sá, cầu cảng và các cơ sở hạ tầng khác. Kế hoạch còn nhằm làm cho ngành năng lượng của Mỹ không gây ô nhiễm vào năm 2035 và đưa đất nước này tiến vào nền kinh tế không carbon vào năm 2050.
Ông Biden cũng gọi biến đổi khí hậu là "mối đe dọa hiện hữu" không chỉ đối với môi trường mà còn đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. .
Người biểu tình phản đối quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris của ông Trump. Ảnh: AP
5. Nhập cư
Ông Biden đã cam kết đảo ngược nhiều thay đổi trong chính sách nhập cư của ông Trump, bao gồm việc xây dựng thêm bức tường dọc theo các phần của biên giới phía Nam. Dù vậy, ông cam kết ưu tiên đảm bảo an ninh biên giới bằng công nghệ tốt hơn.
Ông Biden cũng sẽ khôi phục chương trình Hành động trì hoãn dành cho trẻ em vào Mỹ (DACA), đồng thời giúp những người thuộc diện DACA đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính liên bang để học đại học. Theo kế hoạch, ông Biden cũng sẽ hủy bỏ lệnh cấm đi lại đối với các nước Hồi giáo, đồng thời ủng hộ cải cách toàn diện hệ thống nhập cư của đất nước để trao tư cách pháp nhân cho một số người trong số hơn 10 triệu người nhập cư trái phép mà nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc nhiều.
6. Chính sách đối ngoại và thương mại
Từng là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Biden tham gia rất nhiều vào chính sách đối ngoại thời chính quyền Tổng thống Obama. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông chủ yếu nói những điều chung chung về những gì ông hy vọng sẽ làm trên trường quốc tế với tư cách là tổng thống.
Ông Biden ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của các liên minh của đất nước và nói Mỹ nên lấy lại vai trò lãnh đạo trên thế giới. Ngoài ra, ông còn cam kết tổ chức "Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ" trong năm đầu tiên cầm quyền để tập hợp các quốc gia đồng minh và khôi phục "vai trò lãnh đạo" của Mỹ.