Ẩn số Ankara sau bầu cử: Phương Tây "lo sốt vó" vì không rõ Thổ Nhĩ Kỳ là bạn hay thù

Thi Anh |

Điều thực sự khiến người Mỹ thất vọng là việc ông Erdogan đồng thời mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga, thứ được thiết kế để bắn hạ F-35.

Ông Recep Tayyip Erdoğan đã phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại Ankara sau khi được cho là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan tuyên bố rằng, nền dân chủ đã chiến thắng và Thổ Nhĩ Kỳ là "hình mẫu cho phần còn lại của thế giới".

"Chúng tôi đã nhận được thông điệp trao gửi qua những hòm phiếu", ông Erdogan phát biểu trên ban công trụ sở của Đảng AK ở Ankara, "Chúng tôi sẽ chiến đấu thậm chí còn nhiều hơn nữa với sức mạnh mà các bạn mang tới cho chúng tôi qua cuộc bầu cử này".

Ông Erdogan cũng nhắc tới cam kết của mình với việc "đấu tranh chống lại các tổ chức khủng bố", "tiếp tục cuộc chiến giành tự do cho Syria" và gia tăng "uy thế quốc tế" của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: "Thổ Nhĩ Kỳ không có thì giờ để lãng phí, chúng ta biết như vậy".

"Lá cờ của chúng ta sẽ tung bay tự do hơn, hòa bình cho mỗi người dân sẽ được thúc đẩy", ông Erdogan nói trước khi cùng đám đông hô vang: "Một dân tộc, một lá cờ, một quốc gia, một nhà nước".

Đêm 24/6, khi 97,7% phiếu bầu được kiểm, hội đồng bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông Erdogan nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng. Thậm chí từ trước khi có thông tin này, ông Erdogan đã tỏ ra chắc chắn vào kết quả.

"Nhân dân đã trao cho chúng tôi trách nhiệm thực thi chức vụ điều hành và Tổng thống", ông Erdogan nói khi phiếu bầu đang được kiểm, "Tôi hy vọng không ai phá hoại nền dân chủ bằng cách tác động tới cuộc bầu cử này, cũng như kết quả, để che giấu sự thất bại của mình".

Theo kết quả sơ bộ với 99% phiếu bầu được kiểm từ hãng thông tấn Anadolu, ông Erdogan đã giành chiến thắng với 52,54% phiếu bầu, trong khí ứng viên Muharrem Ince của Đảng đối lập CHP có 30,68% phiếu.

Ẩn số Ankara sau bầu cử: Phương Tây lo sốt vó vì không rõ Thổ Nhĩ Kỳ là bạn hay thù - Ảnh 1.

Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ cẩm biểu ngữ và cờ in hình ông Erogan. Ảnh: AP

Người giành chiến thắng trong cuộc đua vào vị trí Tổng thống lần này được cho là sẽ có nhiều quyền hạn mới, được thông qua trong cuộc trưng cầu hồi năm ngoái, bao gồm quyền kiểm soát hoàn toàn nội các, quyền chỉ định thẩm phán, quan chức cấp cao và quyền ban hành sắc lệnh.

Những quyền hạn này sẽ cho phép tân Tổng thống thay đổi bối cảnh chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm và có thể là nhiều thập kỷ tới.

Nếu kết quả không có gì thay đổi, đây sẽ là một nỗi thất vọng cho phe đối lập, vốn luôn mong muốn đưa ông Erdogan vào vòng bầu cử thứ hai đối đầu với Ince và tìm cách giành quyền kiểm soát hệ thống lập pháp từ tay Đảng AKP.

Ông Erdogan đã kêu gọi tiến hành bầu cử sớm vào tháng 4 với hy vọng ngăn chặn tình trạng xuống dốc của nền kinh tế và khiến phe đối lập bất ngờ.

Ông kỳ vọng giành chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử Tổng thống và quốc hội, thể hiện hình ảnh của một vị tổng tư lệnh chiến đấu với các thế lực thù địch bên ngoài từ trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ và dọc biên giới với Syrira, cũng như chiến thắng trước các nhóm khủng bố.

Tuy nhiên, cây viết Simon Tisdall của Guardian cho rằng, những căng thăng xung quanh các quan điểm đối lập về ông Erdogan sẽ không được giải quyết thông qua các cuộc bầu cử

Đồng minh hay kẻ thù?

Tuần lễ vừa qua là một tuần trọng yếu với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nguyên do hầu như không can hệ gì tới các cuộc bầu cử trên khắp đất nước.

Trong một buổi lễ cách đó hàng nghìn km ở Forth Worth, Texas, Không lực Thổ Nhĩ Kỳ nhận bàn giao lô chiến đấu cơ F-35A đầu tiên của mình trong gói đặt hàng 100 chiếc.

Ông Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ khá hài lòng với thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD này. Các chiến đấu cơ mới sẽ tạo điều kiện cho Ankara thể hiện năng lực quân sự khắp Trung Đông và xa hơn thế. Uy thế quốc gia sẽ được nâng cao. Và đó là điều mà ông Erdogan muốn.

Dù vậy, Washington lại không toàn tâm chia sẻ sự nồng nhiệt ấy với Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội Mỹ đang tìm cách ngăn chặn thương vụ này. Sự bất mãn chủ yếu tập trung vào những động thái gần đây của Ankara ở Syria, quyết định hiệp đồng của nước này với Iran.

Tuy nhiên, điều thực sự khiến người Mỹ thất vọng là việc ông Erdogan đồng thời mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga, thứ được thiết kế để bắn hạ F-35.

Dường như ông Erdogan muốn có được cả hai - và đó là một vấn đề thường thấy. Tình trạng này thể hiện sự mâu thuẫn mà các nước phương Tây cảm thấy về một Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền lãnh đạo của Erdogan. và cả sự chia rẽ sâu sắc trong lòng đất nước.

Mỹ, châu Âu cần Thổ Nhì Kỳ vì một loạt các lý do chiến lược, chính trị, địa lý và thực tế. Washington hiện đang sử dụng căn cứ quân sự quan trọng tại Incirlik, Tây - Nam Thổ Nhĩ Kỳ, để thực hiện các chiến dịch quân sự ở Trung Đông. Nước này biết rằng mình sẽ không thể "can dự" vào Syria mà không có sự trọ giúp của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ còn là vùng đệm trọng yếu để Mỹ chống lại sự mở rộng của Nga ở khu vực Biển Đen, vùng Caucasus và Balkan.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ của Tayyip Erdogan lại không chứng minh được mình là một người bằng hữu kiên định. Chưa kể tới đồng minh, nước này ngày càng có vẻ trở thành một mối đe dọa.

Trong một lá thư công bố hồi tuần trước, nhiều nghị sĩ Mỹ đã công kích Ankara.

"Trái ngược với các nguyên tắc của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực hoạt động để làm suy yếu lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới", lá thư nói rõ rằng, những động thái quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược lại lợi ích của Mỹ và "ý định xây dựng mối quan hệ chiến lược với Nga đã hoàn toàn hủy hoại quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ".

Lập trường đối đầu của ông Erdogan ở Bắc Syria với lực lượng Mỹ (hiện đang sát cánh với lực lượng người Kurd) đã buộc Lầu Năm Góc đặt ra câu hỏi: Ông Erdogan đứng về phía ai? Ngoài ra, mối quan hệ đồng minh không chính thức với Iran của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là điều khiến Mỹ phải lo lắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại