Phái đoàn đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã soạn thảo MOU ở các lĩnh vực như nông nghiệp, thuế quan, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, tiền tệ, tài sản trí tuệ giữa lúc 2 quốc gia đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận.
Trang Bloomberg hôm 23-2 cho biết ông Donald Trump khẳng định với các phóng viên rằng biên bản ghi nhớ sẽ "rất ngắn hạn, tôi không thích MOU vì với tôi, chúng chẳng có ý nghĩa gì".
Tuy nhiên, ông Lighthizer đã chen ngang: "MOU là một thỏa thuận ràng buộc giữa 2 phía. Nó trình bày mọi vấn đề một cách rất chi tiết. Nó là thuật ngữ pháp lý. Nó là một thỏa thuận".
"Tôi không đồng ý" - Tổng thống Donald Trump đáp trong tiếng cười lớn của người dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc.
"Ông Lighthizer, câu hỏi thực sự là mất bao lâu để biến MOU thành thỏa thuận ràng buộc cuối cùng?" - ông Trump đặt câu hỏi.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) ngồi cạnh Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong cuộc họp hôm 22-2 tại Phòng Bầu dục. Ảnh: Bloomberg
Cuối cùng, ông Lighthizer đành "chịu thua" Tổng thống Trump. "Từ giờ trở đi, chúng ta sẽ không sử dụng cụm từ MOU nữa. Chúng ta sẽ sử dụng thuật ngữ thỏa thuận thương mại. Chúng ta sẽ có tài liệu tương tự. Nó sẽ được gọi là thỏa thuận thương mại" - ông Lighthizer nói trước khi quay sang hỏi ông Lưu liệu ông có đồng ý với thuật ngữ mới không. Ông Lưu gật đầu.
"Tốt, tôi thích thuật ngữ đó hơn" - ông Trump khẳng định trước khi tiếp tục phàn nàn về MOU, nói chúng vô nghĩa.
"Chúng ta sẽ không sử dụng cụm từ đó nữa!" – ông Lighthizer đáp.
Khi được hỏi về MOU, ông Derek Scissors – một chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ - cho biết ban đầu chính quyền Tổng thống Trump chọn cụm từ này vì "không có thỏa thuận ràng buộc thực sự nào có thể đạt được về tỉ giá hay cam kết mua số lượng lớn bắp trong tương lai… Nếu chính quyền Tổng thống Trump chuyển sang gọi MOU là thỏa thuận thương mại ràng buộc, các thành viên Quốc hội sẽ muốn bỏ phiếu về nó".