Chuyến xe khách Bến Tre - Sài Gòn 4 rưỡi sáng ngày 17/11 đối với ông Giàu có lẽ là hành trình dài và nhiều nước mắt nhất cuộc đời.
Bởi hôm ấy là ngày ông lão kí đơn xác nhận con gái mình đã mất vì Covid-19, và đón đứa cháu 18 tháng tuổi bị bỏ lại suốt thời gian dài trong mái ấm tình thương.
"Con lên thành phố 13 năm, về nhà đôi ba lần, tôi còn chưa kịp biết mặt cha 2 đứa cháu là ai thì hôm nay đã mất tất cả…" - ông lão khóc thành tiếng.
Từ ngày con gái mất, ông Giàu đưa cháu về sống ở nghĩa địa
Ông ngoại cùng 2 cháu sống ở nghĩa địa
Tên ông là Giàu, thế mà cuộc đời ông lại chưa một ngày có thể thoái khỏi cảnh nghèo khó, bi thương.
20 năm trước, trong cơn bạo bệnh, vì không có tiền chạy chữa mà vợ ông qua đời, bỏ lại 3 đứa con nheo nhóc. Ngần ấy năm tháng, ông Giàu phải xin đi làm công nhân môi trường, dọn rác cho các hộ dân trong khu vực để có tiền nuôi con.
Ấy vậy, 13 năm trước, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, cô con gái Lê Thị Nghĩa đành bỏ mặc đứa con chưa đầy 6 tháng tuổi là bé Vi.
Ông Giàu nài nỉ mãi rằng cho đứa cháu bú sữa đến lúc cứng cáp sẽ nhận nuôi, thế nhưng người con vẫn bỏ đi Sài Gòn. Từ đó đến nay, không một lời hỏi han, không một lần quay về, ông gần như mất con.
"Năm đó, tui đàn ông đàn ang đâu biết cho bú sữa thế nào, chạy đi khắp xóm, xin từng chút cho cháu. Đến cuối cùng thì chỉ lấy sữa bò, bỏ vào bình mà cứ thế để cháu cầm cả ngày. Nó biết phận vậy mà nó lên chẳng bao giờ bệnh tật…"
Cứ thế, một mình ông Giàu làm lụng nuôi đứa cháu nhỏ. Mỗi tháng ông nhận được 4 triệu đồng gom rác thải, tất cả số tiền ấy ông đều dành dụm để cô cháu gái ăn học tới nơi tới chốn.
Ông làm công nhân môi trường nuôi các cháu.
Vài năm trước, nghĩ mình đã ở tuổi gần đất xa trời, ông Giàu mới gom góp mua một mảnh đất ở nghĩa địa làm chỗ sau này nằm xuống. Ấy thế, chẳng có nhà cửa, 2 ông cháu cũng quyết định khăn gói, dựng cái lán trên chính mảnh đất nghĩa địa làm nơi nương tựa.
Năm trước, chị Nghĩa quay về, trên tay ẵm theo đứa nhỏ 5 tháng tuổi. Ông Giàu gặng hỏi con gái mãi mới biết chị ở Sài Gòn, rổ rá với người đàn ông gốc Bắc có một đứa con.
Thế nhưng, về nhà một ngày, chị chỉ để lại câu nói: "Con làm xưởng gỗ, rất ổn, cha đừng lo cho con!", rồi lại bỏ đi biệt tích. Ông lão không ngờ đó là lần cuối cùng ông nhìn thấy đứa con gái yêu thương.
Buổi chiều ngày 27/8, một số máy lạ gọi đến mách cho ông Giàu một điềm chẳng lành. Bên kia đầu dây, công an hỏi ông lão có phải thân nhân của chị Lê Thị Nghĩa (31 tuổi), ông Giàu vừa gật đầu thì nước mắt đã lưng tròng.
"Con gái tui mất vì Covid-19. Hôm đó, đứa cháu 15 tháng tuổi vẫn còn nằm nguyên bên thi thể mẹ. Họ đưa con gái về Bình Hưng Hoà để thiêu, còn đứa cháu thì không ai nhận nên đã đưa vào mái ấm. Tui nghe tới đó thì choáng váng, không còn suy nghĩ được gì nữa…".
"Họ đưa con gái về Bình Hưng Hoà để thiêu, còn đứa cháu thì không ai nhận nên đã đưa vào mái ấm" - ông Giàu kể lại.
"Bảo tưởng chị Hai là mẹ nên bám cả ngày!"
Đến tháng 11, TP.HCM mở cửa trở lại, ông lão đã lặn lội bắt chuyến xe lên mái ấm để đón cháu. Nhìn đứa cháu bé nhỏ tên Bảo, chỉ ú ớ nói được vài từ, suốt dọc đường về quê mà ông vẫn không cầm được nước mắt.
"Người ta nói nghèo vậy có nuôi nổi không? Không thì cháu có thể ở mái ấm, cũng có người sẽ tới nhận nuôi. Nhưng nó là máu mủ tui mà, nên có nghèo cách nào tui cũng đón cháu trở về quê nhà sống cùng mình" - ông Giàu bật khóc.
Căn nhà chỉ được dựng tam bợ bằng cột chèo, vài tấm tôn, xung quanh bốn bề là nghĩa địa chắn lối… Ông Giàu bảo sợ nhất là vào những ngày gió bão, mưa như trút nước, ông cháu lúc nào cũng ướt như chuột lột, co ro cả đêm.
"Đồ đạc trong nhà thì người ta bỏ bãi rác ngày Tết, tui đi nhặt lại. Giường thì bị hư bệnh viện cho. Quần áo, giày dép thì người ta cho đồ cũ, tui cũng không đi đâu xa nên có bao nhiêu cũng đủ bấy nhiêu…"
Ông Giàu chỉ mong ước khi mất thì các cháu đã có căn nhà che nắng che mưa.
Từ ngày về sống với ông ngoại, Bảo ngoan lắm! Mấy đêm đầu nhớ mẹ, cậu bé hay khóc, thấy chị Hai giống mẹ, cả ngày cậu bé bám không rời.
Chẳng biết mặt bố của 2 đứa cháu là ai, ngần ấy năm cũng không nhận được một cuộc điện thoại hỏi thăm, thế nhưng ông Giàu tự nhủ nhất định sẽ nuôi nấng 2 đứa thành người.
"Vi giờ đã lớn, ở nhà thì biết giúp tui làm việc, trông em, vệ sinh cho em. Xung quanh nhiều mồ mả thật, nhưng sống quen nên ăn uống, ngủ nghỉ đều bình thường. Chỉ có một lần nó thấy tui ốm, nó mới bảo sao không tìm căn trọ để ở. Tui chỉ biết khóc, vì tui biết đời tui đến đây là không làm nổi nữa rồi! Chỉ mong sau này tui mất, Vi đã đủ sức lo cho em, có căn nhà để che cái nắng cái mưa" - ông Giàu khóc.
Trước hoàn cảnh của gia đình ông Lê Văn Giàu (52 tuổi, ngụ xã An Thủy, Ba Tri, Bến Tre), chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Mọi đóng góp xin gửi về:
Số tài khoản: 7102205568743, chủ tài khoản: Võ Hoàng Thức (cháu ông Giàu), ngân hàng Agribank chi nhánh H. Ba Tri.
SĐT: 0976.063.917, gặp ông Giàu.